Những công trình trọng điểm chậm tiến độ, dở dang đã ảnh hưởng nặng nề tới công tác kiểm soát xuất nhập cảnh, lưu thông hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo do cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc của các lực lượng Hải Quan, biên phòng… tại cửa khẩu này thiếu thốn, xuống cấp trầm trọng.
>> “Bi đát” những công trình trăm tỷ ở Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo
Thê thảm những ngôi nhà công vụ tạm bợ
Như đã nói ở bài viết “bi đát những công trình trăm tỷ tại Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo”, hơn 5 năm trước, tòa nhà liên hợp kiểm soát xuất nhập nhập cảnh, thông quan hàng hóa, kiểm dịch… của lực lượng biên phòng, hải quan, y tế bị đập bỏ, nhường chỗ cho dự án xây mới Nhà liên hợp kết hợp Quốc môn có số vốn lên đến 150 tỷ đồng như đã nói ở bài trước, cán bộ, chiến sỹ của lực lượng liên ngành làm nhiệm vụ tại cửa khẩu này hy vọng sẽ sớm dứt cảnh làm việc trong điều kiện tồi tàn về cơ sở vật chất, thiếu thốn trang thiết bị. Thế nhưng, kể từ khi dự án hiện đại hóa cửa khẩu này được triển khai, cũng là lúc cán bộ nhà nước làm việc tại cửa khẩu này đã trải qua chuỗi ngày đằng đẵng làm việc trong điều kiện hết sức tồi tàn.
Có mặt tại Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, dễ dàng nhận ra những cái thở dài đầy ngao ngán trước điều kiện làm việc tồi tàn, thiếu thốn của các lực lượng chức năng tại một trong những cửa ngõ quan trọng nhất của miền Trung này. Do tòa nhà chính, cũng là quốc môn cũ đã bị đập bỏ, nhường đất cho dự án mới đang dở dang, nên cán bộ biên phòng, hải quan, kiểm dịch Hà Tĩnh đã phải di chuyển xuống những khu nhà tạm bợ, không thua gì một khu ổ chuột nằm cách đó chừng hơn 300m.
Sự ngột ngạt, chật chội, môi trường ô nhiễm là nỗi thống khổ đầu tiên của lực lượng liên ngành làm việc tại cửa khẩu này. Do nằm ngay dưới những công trình thi công dở dang, nên cả cửa khẩu lúc nắng nóng bị bụi phủ kín. Chỉ cần đứng ở nơi làm việc chung của hải quan, biên phòng trong chốc lát, áo quần, mặt mũi sẽ dính đầy bụi. Vì thế, sẽ không ngạc nhiên khi chứng kiến cán bộ phải đeo khẩu trang làm việc khi trời nắng nóng đầy bụi.
Tiếp đến phải kể đến nỗi khổ từ những khu nhà công vụ tạm bợ. Nếu không có tấm biển hiệu ghi rõ Chi cục Hải quan Cầu Treo hẳn sẽ không người dân, doanh nghiệp có thể nhận ra nơi làm việc của các cán bộ hải quan. Rộng chỉ khoảng 4-5m2, như chiếc hộp diêm dựng ngay vách tường chật chội và ngột ngạt, nhưng đây là chỗ làm việc của đội ngũ cán bộ kê khai, đăng ký phương tiện vận tải xuất cảnh.
Nhiều hôm khách đông, nắng nóng bụi bặm, anh em rất khổ sở, công việc bị ảnh hưởng rất nhiều. Rất may là khách hàng đến kê khai tại đây họ hiểu cho chúng tôi” – vị cán bộ hải quan ngồi trong bốt ngao ngán nói.
Hàng loạt phòng ban chức năng, trang thiết bị khác của cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo cũng thiếu thốn, xuống cấp trầm trọng. Không còn cách nào khác, Hải quan cửa khẩu Cầu Treo phải dồn nơi ở, dành tầng 1 của khu nhà ở cho cán bộ, nhân viên để có nơi làm việc. Ngay cả như thế thì điều kiện làm việc ở đây cũng không thể đáp ứng, nên nhiều lúc cán bộ hải quan còn phải kê bàn làm việc cả ngoài hành lang. Nhiều máy móc, do cơ sở vật chất thiếu thốn, không đáp ứng phải đắp chiếu nằm chờ.
Ở phía đối diện, nơi làm nhiệm vụ của lực lượng Biên phòng tại đây cũng chung số phận. Những cán bộ biên phòng làm nhiệm vụ kiểm soát người, phương tiện trong một bốt chật chội, ô nhiễm kéo dài nằm ngay chính ngôi nhà quốc môn đang xây dở dang.
Doanh nghiệp bỏ đi
Những công trình trọng điểm tại Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo chậm tiến độ trầm trọng, cơ sở vật chất quá tồi tàn, đã thực sự ảnh hưởng nặng nề đến nguồn lợi mà cửa khẩu này mang lại cho không chỉ tỉnh Hà Tĩnh.
Doanh nghiệp, đối tượng mang lại nguồn thu chính cho cửa khẩu này đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề do tình trạng các công trình trọng điểm tại đây chậm tiến độ chưa biết bao giờ mới hoàn thành.
Sau nhiều năm chờ đợi, đến nay bãi hạ tải, bãi kiểm tra, kiểm soát hàng xuất khẩu để tính hoàn thuế tại cửa khẩu này, hoặc vẫn còn trên giấy, hoặc vẫn chưa thi công xong khiến cả doanh nghiệp và cơ quan kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn.
“Không có bãi hạ tải, doanh nghiệp chúng tôi phải tăng bo rất tốn kém, mất thời gian. Có khi phải chờ đợi cả mấy ngày mới xuất được lô hàng cho đối tác” – ông Trần Thanh H., giám đốc một doanh nghiệp chuyên về mặt hàng gỗ tại Hà Tĩnh bức xúc. Theo ông H, thì doanh nghiệp của ông hiện đã chuyển một phần hàng hóa lưu thông qua Cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị vì cơ sở hạ tầng tại Cửa khẩu Cầu Treo khiến lợi nhuận của công ty giảm sút rõ rệt.
Lời phàn nàn của trên của ông H. cũng là thực trạng chung của các doanh nghiệp như thừa nhận của ông Nguyễn Hồng Linh – Chi cục Trưởng chi cục Hải quan Cầu Treo. Theo ông Linh, dù các thủ tục ngày càng thông thoáng, nhưng do hạ tầng của cửa khẩu quá bi đát nên doanh nghiệp đang dần rời bỏ Cửa khẩu Cầu Treo.
“Sân bãi hạ tải, kiểm soát không có, đường sá tắc nghẽn, sáng nào cũng kéo dài hàng trăm mét chờ thông quan, nên doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Thực tế là đã có nhiều doanh nghiệp không còn xuất hiện ở Cửa khẩu Cầu Treo mà nguyên nhân chính là hạ tầng cơ sở quá xuống cấp, dở dang” – ông Linh cho hay.
Điều mà những cán bộ như ông Linh, người dân và doanh nghiệp đang mong chờ nhất lúc này là những người có trách nhiệm của tỉnh Hà Tĩnh phải quyết liệt vào cuộc. Ngoài bố trí vốn, phải sát sao đốc thúc, xử lý, thậm chí mạnh tay loại bỏ các nhà thầu yếu kém, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm dở dang nhiều năm qua.
Có như thế cán bộ công vụ, người dân, doanh nghiệp mới hết cảnh khổ sở, Cửa khẩu Cầu Treo mới trở thành một cửa ngõ quan trọng, mang lại nhiều giá trị cả kinh tế, văn hóa cho tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và các tỉnh Bắc miền Trung nói chung.
Văn Dũng – Lý Hiệp