Câu chuyện về người thầy thương binh Dương Quỹ Đạo – Giám đốc Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh, gần 25 năm nay đang chăm sóc, nuôi dưỡng những em nhỏ mồ côi, khiến mỗi chúng ta phải suy ngẫm.
ht
Thầy Dương Quỹ Đạo cùng các cô giáo làng trẻ SOS Hà Tĩnh

Trên chuyến hành quân ấy, người lính bộ đội cụ Hồ đã tìm được một mảnh ghép cho cuộc đời mình. Tháng 12/1975, duyên vợ chồng giữa anh Đạo và chị Phạm Thị Tường – Cô thôn nữ thanh niên xung phong đã thành hiện thực.

Năm 1980 trong một lần làm nhiệm vụ, anh không may bị tai nạn giao thông. Và đôi chân của anh không còn lành lặn như trước nữa, dáng khập khiễng vì phải đi chân giả nhiều lúc khiến anh thấy mệt mỏi và tuyệt vọng. Đó là cú sốc tinh thần lớn. Mỗi khi trái gió trở trời, đôi chân anh lại nhức mỏi. Nhưng sự nhiệt huyết và tinh thần cầu tiến của chàng trai trẻ và sự quan tâm của người vợ đã giúp anh có thêm động lực trong cuộc sống.

Anh được chuyển về công tác tại làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh vào năm 1992. Đó cũng là năm làng trẻ mới được thành lập. Bao bộn bề thiếu thốn về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Đảm nhận một ví trí cốt cán, anh Đạo luôn đau đáu một nỗi niềm mong sao cuộc sống của những em nhỏ không nơi nương tựa, có cháu mồ côi cha mẹ, con liệt sỹ… sẽ được ấm áp tình thương yêu trong gia đình SOS.

Cũng một duyên lành, hai vợ chồng anh cùng công tác tại làng trẻ nên tình thương dành cho các con mồ côi lại được gần gũi hơn như chính những đứa con ruột của mình sinh ra.

“Những điều mình làm được nhỏ bé lắm, chỉ mong sao các con thành người”

Đến nay, làng trẻ em SOS Hà Tĩnh đã chắp cánh vươn xa cho hơn 300 em nhỏ mồ côi trưởng thành từ đây.  Công việc của các em được ổn định, gia đình hạnh phúc. Trong số đó, có hơn 50 em đã lập gia đình, 15 em tốt nghiệp Đại học, 1 em là thạc sĩ, một em đang du học tại Mỹ, 50 em tốt nghiệp Trung cấp và cao đẳng.

Chính đó là quả ngọt mà người thầy Dương Quỹ Đạo nở nụ cười an nhiên mỗi nhắc tới những đứa con thân yêu của mình. Một trong số đó là anh Nguyễn Viết Cường – Một người con của làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh đã thành đạt trong cuộc sống – Là kỹ sư công nghệ đang công tác tại Viettel tỉnh Đồng Nai.

Hay anh Nguyễn Huy Bá là y sỹ; anh Nguyễn Văn Tính là kỹ thuật viên của bệnh viện Hà Tĩnh. Hay cô giáo cử nhân Nguyễn Thị Hoa và thạc sĩ Hoàng Thị Băng là những tấm gương điển hình lớn lên từ làng trẻ.

Thầy Đạo trầm tư: “Thế hệ các con dần lớn khôn rồi xa làng trẻ nhưng tụi nó vẫn luôn gọi điện về hỏi thăm bố mẹ và thỉnh thoảng về chơi nhà nên thấy hạnh phúc lắm. Nhớ mãi những lần các con không học bài, trốn đi chơi game, gây gổ đánh nhau… mình đưa ra hình thức phạt là viết bảng tự kiểm điểm 10 lần. Nếu ai sai phạm thì bắt các con ngồi học bài ở trong phòng, không được đi đâu cả. Có những khi phải ngồi cả ngày để tâm sự nói nhẹ nhàng cho các con hiểu về kỹ năng cuộc sống thường ngày. Mình vừa là người bố cứng rắn vừa là người mẹ dịu dàng kết hợp nhuần nhuyễn để cho các con khôn lớn. Mong sao để cho các con hiểu tình yêu thương và tôn trọng mọi người xung quanh, cống hiến cho xã hội sau này”.

Niềm vui và nỗi trăn trở của người thầy

Làng trẻ SOS Hà Tĩnh trong những năm qua đã nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân gần xa. Đặc biệt ngày 01/7/2013 Làng đã ký kết với Quỹ từ thiện Britany’s hope của Mỹ và nhận được sự quan tâm tận tình, chu đáo, sát sao từ phía nguồn quỹ này.

Ngoài ra, hàng năm làng trẻ còn được nhận sự quan tâm của các nhóm từ thiện như CLB Thiện Nguyện Nắng Ấm Hà Tĩnh, CLB Hồng Lam, Nhóm Kết Nối Yêu Thương TLV008… và rất nhiều tấm lòng hảo tâm khác đã về với Làng tổ chức tặng quà, giao lưu  văn nghệ với các cháu vào những dịp giáp tết Nguyên đán, đêm rằm trung thu, đêm Giáng sinh, ngày Quốc  tế Thiếu nhi … Nhằm mang hơi ấm, nụ cười của tình yêu thương gửi tặng các em.

Tuy nhiên, do nguồn trợ cấp còn chưa được nhiều, các dạng tàn tật thiếu thiết bị phục vụ nên làng trẻ cũng còn rất nhiều khó khăn. Tâm lý của các em nhỏ mới lớn diễn biến phức tạp, có nhiều em trước khi được nhận vào làng đã nhiễm các thói xấu như trộm cắp, vô lễ, thích đánh nhau nên việc hướng dẫn và truyền đạt kiến thức cho các em là một quá trình cần sự nhiệt huyết, kiên trì, khéo léo đối với đội ngũ cán bộ làng trẻ.
Hiện tại thầy Đạo vẫn ngày ngày tới làng trẻ chăm sóc các con mồ côi, xế chiều lại về nhà chăm sóc vợ bị tai biến nằm liệt giường hai năm nay.

Hồng Liên