Di tích - Thắng cảnh

Hà Tĩnh: ‘Bảo vật Quốc gia’ lăn lóc ở hành lang bảo tàng

Giá trị về lịch sử, văn hóa của 3 khẩu thần công “Bảo quốc an dân Đại tướng quân” triều Nguyễn tại Hà Tĩnh là điều không phải bàn cãi. Thế nhưng 2 trong 3 “bảo vật quốc gia” lại đang được bảo quản tại… hàng lang của bảo tàng Hà Tĩnh.

>> Bí mật về 3 khẩu thần công dưới đáy cửa biển Cẩm Nhượng

Độc đáo và tinh xảo

Ông Lê Bá Hạnh, PGĐ Bảo tàng Hà Tĩnh cho hay, qua nghiên cứu những thông tin được khắc họa trên súng, ba khẩu thần công này có màu nâu xám, đều được đúc bằng đồng vào cùng năm Minh Mạng thứ nhất (1820) và mang tên “Bảo quốc an dân Đại tướng quân”, được ghi thứ tự từ một đến ba.

Ngoài ra, chúng có cùng kích thước, hình dáng, hoa văn trang trí, chỉ phần minh văn (chữ Hán) ghi ở mỗi thân súng có nội dung khác nhau.

‘Bảo vật Quốc gia’, hành lang, bảo tàng, lịch sử, văn hóa, Minh Mạng
Chỉ có khẩu thần công số 2 được phục chế gần như nguyên dạng ban đầu.

Theo ông Hạnh, mỗi khẩu nặng gần 1,3 tấn, dài 2,43 m, đường kính thân súng 40 cm, đường kính nòng súng 12 cm. Giữa thân súng là 2 quai hình rồng cách điệu được khảm bạc, gắn song song dọc thân súng. Hai tai súng hình trụ để gắn súng vào giá đỡ.

Trên bề mặt có các dòng chữ Hán, được khảm bạc chìm, ghi kích thước, trọng lượng và cách sử dụng súng.

Giữa thân súng có 1 cặp “rồng chầu mặt trăng” bao quanh bài minh văn. Rồng ở đây có bốn móng sắc nhọn, đuôi xoắn cong, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Phía trên bài minh văn trang trí hình lá đề có trang trí cúc dây và chấm tròn.

Ở phần cuối đuôi súng có dòng chữ Hán khảm bạc chìm, ghi rõ năm đúc và tên gọi của chúng.

Điều đặc biệt, ba khẩu thần công có đồ án trang trí hoa văn dày đặc nhưng rất tinh xảo, với các đề tài truyền thống như cúc dây, đầu rồng, mây, chấm tròn, đường tròn đồng tâm.

‘Bảo vật Quốc gia’, hành lang, bảo tàng, lịch sử, văn hóa, Minh Mạng
Còn 2 khẩu còn lại (số 1 và số 3) lại cần tiền tỉ để phục chế.

Trong đó, đề tài cúc dây được trang trí nhiều nhất, tập trung ở trên bề mặt súng (từ đầu súng, thân súng đến đuôi súng). Các hoa cúc dây được lồng vào nhau đối xứng và bao quanh súng rất độc đáo.

Tại khẩu thần công thứ nhất được có tên là “Vị thứ nhất trong ba vị Bảo quốc an dân Đại tướng quân”. Trên thân súng có bài minh với nội dung chúc mừng vua Minh Mệnh lên ngôi trị vì đất nước:

“Năm Minh Mệnh nguyên niên (1820)/Gom được vạn cân đồng/Sai đúc súng thần công/Để đời sau biết rằng/Chúc mừng vua lên ngôi/Xua tan những điều xấu/Truyền lại cho con cháu/Để đất trời bình yên”.

Cần tiền tỉ để phục chế

“Đó là biểu tượng uy quyền của nhà vua, sức mạnh của một đất nước đang phát triển mạnh mẽ. Điều này được thể hiện ở tên súng, kích thước, trọng lượng và ở hoa văn trang trí. Ba khẩu thần công này rất hiếm, có giá trị nổi bật, tiêu biểu quốc gia vào loại bậc nhất”, ông Lê Bá Hạnh nói.

Vào ngày 30/12/2013, thủ tướng chính phủ đã ban hành quyết định số 2599/QĐ-TTg về việc công nhận 3 khẩu súng thần công cổ độc đáo thời Nguyễn là bảo vật quốc gia.

‘Bảo vật Quốc gia’, hành lang, bảo tàng, lịch sử, văn hóa, Minh Mạng
Hiện tại 2 trong số 3 “bảo vật quốc gia” đang được bảo quản tại hàng lang của nhà bảo tàng.

Thế nhưng, khi chúng tôi tới Bảo tàng Hà Tĩnh thì chỉ có 1 khẩu thần công được lưu giữ trong phòng còn 2 khẩu còn lại được bảo quản tại…hành lang của bảo tàng. Và khách tới thăm quan bảo tàng cũng không có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những “Báu vật quốc gia”.

Lý giải về điều này, ông Hạnh cho biết, hiện tại bảo tàng đang khó khăn về kinh phí nên chưa xây được phòng trưng bày. Còn bảo tàng thì không còn phòng trống để có thể chứa 2 khẩu thần công. Vì thế những khẩu thần công vẫn phải để tạm ngoài hành lang từ nhiều năm nay.

Cũng theo ông Hạnh, ba khẩu thần công “Bảo quốc an dân Đại tướng quân” do bị ngâm dưới đáy đại dương lâu ngày làm nên bề mặt thân súng đã bong tróc nhiều chỗ.

Cùng với đó, khi trục vớt súng lên, các ngư dân đã bóc phần bạc nạm trên súng để bán. Ngoài khẩu thần công số 2 đang còn bạc bọc khá nguyên vẹn thì 2 khẩu còn lại (số 1 và số 3) mất toàn bộ bạc khảm. Cốt đồng bên trong của hoa văn bị phá hủy rất nhiều.

Năm 2006, Bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia phục chế lại khẩu thần công thứ hai, trả lại hình dáng ban đầu của hiện vật.

“Để trả lại nguyên dạng ban đầu cho những khẩu thần công còn lại, đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Kinh phí để phục vụ cho công việc phải tiêu tốn tiền tỉ. Trong khi hàng năm, bảo tàng Hà Tĩnh chỉ được cấp mấy chục triệu đồng để hoạt động. Cho dù chúng tôi có muốn phục chế cũng “lực bất tòng tâm”, ông Hạnh chia sẻ.

Ba khẩu thần công “Bảo quốc an dân Đại tướng quân” triều Nguyễn là những báu vật độc nhất vô nhị, cần phải gìn giữ, nghiên cứu và phát huy trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Thế nhưng, phải chứng kiến cảnh những cổ vật nằm “vật vờ” ngoài hàng lang, chúng tôi thực sự rất lo lắng và đau lòng”.

Văn Đức – Duy Quang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP