Kinh tế

Giày Sài Gòn muốn xây trung tâm thương mại nghìn tỷ trên đất vàng

Giày Sài Gòn dự kiến tăng vốn điều lệ tối thiểu 250 tỷ đồng để được công nhận là chủ đầu tư dự án trung tâm thương mại nghìn tỷ.

Công ty cổ phần Giày Sài Gòn (mã chứng khoán: SSF) vừa công bố tài liệu trình đại hội đồng cổ đông thường niên vào đầu tháng 6. Đáng chú ý trong số này là việc công ty dự kiến huy động nguồn lực tài chính nhằm tăng vốn điều lệ lên 250 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Giày Sài Gòn cho biết, đây là con số nhằm đáp ứng quy mô vốn điều lệ tối thiểu để được công nhận là chủ đầu tư công trình thương mại dịch vụ hỗn hợp trị giá 1.000 tỷ đồng sắp triển khai. Do kinh doanh thu lỗ ba năm liên tiếp và âm vốn chủ sở hữu nên theo Luật Chứng khoán, công ty không được chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu mà chỉ có thể phát hành riêng lẻ.

Để thực hiện dự án này, công ty cũng đang chờ phê duyệt từ UBND TP HCM và sở ngành về việc chuyển động quy hoạch sử dụng từ đất công nghiệp. Đồng thời, gia hạn thời gian và chuyển đổi hình thức thuê đất từ trả tiền hàng năm sang trả tiền một lần cho thời hạn 50 năm.

Cổng ra vào trụ sở Giày Sài Gòn trên đường Lê Hồng Phong (quận 10, TP HCM). Ảnh: Báo Giao thông.

Khu đất này được nhà nước cho Giày Sài Gòn thuê với giá “khuyến mại” 100.000 đồng mỗi m2 trong suốt nhiều năm liền. Cuối năm 2016, Quận 10 có văn bản xác định việc công ty lấy một phần đất nhà nước cho Công ty TNHH Thành Bưởi thuê làm bãi đỗ xe và đón trả khách là vi phạm quy hoạch sử dụng đất; đồng thời yêu cầu cả hai doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh trái phép.

Tiếp đó vào tháng 5/2017, UBND TP HCM tiếp tục có văn bản yêu cầu công ty chấm dứt hành vi sử dụng sai mục đích, nếu tiếp tục sẽ bị thu hồi và nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phục vụ nhu cầu phúc lợi tại địa phương. Công ty ngay lập tức lách luật bằng cách thay đổi hợp đồng cho thuê đất thành “hợp đồng hợp tác kinh doanh”.

Giày Sài Gòn nhận định vấn đề gỡ rối pháp lý về đất đai mang tính chất quyết định đối với việc tái cấu trúc hoạt động. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong ngắn hạn, giúp công ty có thể sử dụng mặt bằng văn phòng và nhà xưởng cho thuê nhằm có nguồn thu trang trải chi phí trong thời gian chờ triển khai dự án mới.

Kế hoạch triển khai dự án trên khu đất vàng gần 11.000 m2 được công ty đề ra trong bối cảnh hoạt động chính là sản xuất giày dép vẫn tạm ngưng. Tính đến cuối năm 2017, công ty ghi nhận lỗ lũy kế xấp xỉ 70 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu hơn 30 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty lý giải, việc huy động tài chính để giải quyết các vấn đề cấp bách như nộp tiền thuê đất, thanh toán trợ cấp mất việc cho người lao động… khiến doanh nghiệp lâm vào khó khăn.

Tổng tài sản tính đến cuối năm chỉ còn 2 tỷ đồng, giảm đột biến so với thời điểm đầu năm. Trong khi đó, tổng nợ phải trả lên đến 32 tỷ đồng và hơn phân nửa trong số này là tiền ông Nguyễn Đoàn Duy Thanh - Thành viên HĐQT cho mượn. Đơn vị kiểm toán nhấn mạnh những điều này tạo nên yếu tố nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Giày Sài Gòn đặt mục tiêu doanh thu thuần năm nay đạt 6,2 tỷ đồng và lãi ròng 150 triệu đồng. Công ty phải thanh toán nợ thuế nhà đất và các khoản bị truy thu từ 2006 đến 2016, nhưng tình hình tài chính không lành mạnh nên nhiều ngân hàng từ chối tài trợ tín dụng. Do đó, công ty đề nghị cổ đông ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT đàm phán với các tổ chức và cá nhân để vay hoặc mượn 10 tỷ đồng nhằm ứng cứu tài chính khẩn cấp.

Tác giả: Phương Đông

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP