Thế giới

Giả thuyết đáng sợ: Cơ phó MH370 chở cả máy bay tử thi trong nhiều giờ?

Nhà văn viết về hàng không Christine Negroni tuyên bố cơ phó trên chuyến bay số hiệu MH370 của hãng Malaysia Airlines (MAS) là người duy nhất còn sống vào thời điểm máy bay rơi xuống biển.

Chiếc Boeing 777 số hiệu MH370 mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu ngày 8-3-2014, khoảng 40 phút sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur – Malaysia đến Bắc Kinh – Trung Quốc.

Radar quân sự cho thấy máy bay – chở 289 hành khách và thành viên phi hành đoàn - đã quay vòng và bay ngược lại qua Malaysia về phía Tây Nam Ấn Độ Dương.

Hôm 18-2, báo Daily Star dẫn lời bà Negroni - người điều tra thảm kịch MH370 trong nhiều năm - cho rằng chiếc Boeing 777 đã bay trong tình trạng bị giảm áp suất khoảng nửa giờ sau khi cất cánh trong lúc cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah đang ở trong nhà vệ sinh.

Cơ phó Fariq Abdul Hamid (trái) và cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah. Ảnh: The Star

Cơ phó Fariq Abdul Hamid (trái) và cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah. Ảnh: The Star

Theo bà Negroni, do cơ trưởng Shah không thể quay lại phòng điều khiển nên cơ phó Fariq Abdul Hamid đã cố gắng hạ cánh xuống sân bay Langkawi của Malaysia.

Có thông tin cho biết ông Fariq tốt nghiệp Học viện Hàng không Vũ trụ Langkawi nằm gần đường băng sân bay Langkawi. Vì vậy, bà Negroni nhận định cơ phó MH370 muốn hạ cánh tại đây bởi nơi này quá quen thuộc.

Tuy nhiên, ông Fariq không thể hạ cánh do thiếu oxy nhưng bà Negroni tin người này vẫn sống nhiều giờ trước khi máy bay rơi xuống biển.

"Máy bay bắt đầu hướng về phía Nam. Đó là khoảng thời gian tôi tin rằng ông ấy (Fariq) đã bất tỉnh. Nhưng tử vong là một vấn đề hoàn toàn khác. Có trường hợp 2 phi công Mỹ bị mất khả năng nhận thức trên một chuyến bay đâm xuống sân bay ở Mexico " - bà Negroni nói.

"Oxy có sẵn cho hành khách là khoảng 15 phút. Vì vậy, hành khách đã thiệt mạng, không còn cơ hội cứu sống. Họ đã tử vong một thời gian dài trước khi máy bay rơi xuống biển".

Sau gần 5 năm, vụ MH370 mất tích vẫn là một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất mọi thời đại. Hai chiến dịch tìm kiếm mở rộng đã được thực hiện ở phía Tây Nam Ấn Độ Dương nhưng cuối cùng không mang lại kết quả.

Tháng 7 năm ngoái, các quan chức Malaysia thừa nhận trong một báo cáo dài 495 trang rằng họ không thể xác định được nguyên nhân dẫn đến việc chiếc Boeing mất tích. Ngoài ra, hệ thống điều khiển của máy bay "có thể đã bị bên thứ ba can thiệp".

Tác giả: Phạm Nghĩa

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP