Truyền thống - Phát triển

Gặp người cuối cùng giữ lửa cho nghề Rèn ở Nghi Xuân

Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn còn kể cho nhau nghe về một thời vàng son của nghề rèn ở mảnh đất Nghi Xuân. Ngày ấy, khắp các làng xã trong huyện nhà nào cũng đỏ bếp, không ngớt tiếng quai búa. Nhưng bây giờ, trong lúc nhiều nghành nghề truyền thống đã không còn chỗ đứng trong xã hội trước sự cạnh tranh khốc liệt và lên ngôi của công nghệ hiện đại, thì nghề rèn ở Nghi Xuân cũng đứng trước nguy cơ xóa sổ. Tính đến nay, trong toàn huyện số lượng người theo nghề rèn chỉ đếm trên đầu ngón tay, đa số những người theo nghề là người già, và một trong những “cây đại thụ” còn sót lại chính là thợ rèn nổi tiếng Bùi Xuân Lĩnh, 73 tuổi ở Khối 3, Thị trấn Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Do nguồn thu của nghề rèn không đáng là bao nên cả huyện giờ đây chỉ còn lại duy nhất 4 gia đình bám trụ với nghề. Tất cả đều chuyển sang buôn bán, kinh doanh… chẳng ai còn thiết tha giữ nghề cha ông để lại. Giữa cơn mưa Xuân lất phất và cái rét như cứa vào da thịt của tiết trời Miền Trung, tôi tìm đến nhà ông Bùi Xuân Lĩnh- một người có ba đời làm nghề thợ rèn và là người hiếm hoi còn yêu và thổi bếp Rèn cho đến ngày hôm nay. Khi chúng tôi đến, ông đang tán một con dao rựa bên bếp than cháy rực lửa. Ông chỉ mặc mỗi một chiếc áo cộc mỏng để lộ những bắp thịt nâu bóng rắn chắc hiếm thấy ở một người đàn ông đã bước qua tuổi 73. Vừa quệt những giọt mồ hôi đang bốc hơi trên khuôn mặt dính vài vết nhọ, ông mời chúng tôi ngồi chờ ông để ông làm nốt việc.Vài phút sau, ông lau bàn tay đỏ ửng với những ngón vuông vức cẩn thận. Ông cho biết, đây là công việc cuối cùng của ngày hôm nay, vì giờ không còn nhiều khách đặt hàng nữa, chỉ làm nửa buổi, còn nửa buổi ngồi chơi uống trà chờ việc.

Ông Lĩnh có lẽ là người có tuổi nghề lâu năm nhất còn sót lại ở Nghi Xuân. Năm 14 tuổi, khi còn sống tại Phường Đức Thuận- Thị xã Hồng Lĩnh ông đã học nghề rèn từ người cha của mình. Đến năm 1982, ông mới chuyển đến sinh sống ở Nghi Xuân và tiếp tục theo đuổi cái nghề “cơ bắp” này. Ông cho biết: “Đã gần 60 năm theo nghề đến nay cái tên “Lĩnh rèn” đã trở nên quen thuộc khắp tỉnh. Ngày xưa, khi mới bước chân vào nghề, bọn tôi phải đi đào đất lấy sắt, lên rừng đốn củi về nung để rèn dao, cuốc…phục vụ cho bà con khai hoang đất đai. Nói thật, nghề thợ rèn rất vất vả, hao sức tổn thọ lắm. Giờ đây, thời cuộc thay đổi, người ta không còn muốn gắn bó với cái nghề ngồi xuống nhọ lưng, quệt ngang nhọ mũi này nữa. Công việc vất vả lại thu nhập không cao, cũng vì thế nghề này bị mai một dần. Làm nghề này phải cẩn thận từng chi tiết, từng milimet, bởi nếu chỉ cần lệch một chút sẽ không ra sản phẩm như ý muốn. Khi rèn bắt buộc phải có hai người thợ, phó cả và phó hai. Phó cả phải biết nhìn lửa để xem đã đủ nhiệt hay chưa, chỗ nào cần quai búa. Thợ cả và thợ phó phải ăn nhập hết sức hài hòa, thợ phó phải hiểu được những hiệu lệnh của thợ cả. Đôi khi hiệu lệnh là tiếng búa phụ, hiệu lệnh bằng tay, bằng mắt. Nhưng tôi lại chỉ có một mình làm nên rất khó”.Tuy dáng người còn khá rắn chắc nhưng bệnh tật bắt đầu tìm đến. Ông tâm sự: Nhiều hôm khi đang rèn mà mặt mày cứ xây xẩm, mọi vật xoay như chong chóng. Ông còn bị bệnh về đường hô hấp do suốt ngày phải hít bụi than. Bụi rất nhiều nên ngày nào rèn xong, mũi đều có một cục đen sì bụi bẩn tích tụ. Vì thế, nếu không có tình yêu nghề thì không thể duy trì được suốt mấy chục năm qua.

Nghề rèn ở đây chưa ai soạn thành sách để truyền lại cho thế hệ sau, mỗi gia đình chỉ có kinh nghiệm đúc rút ra được truyền lại cho con cháu. Kinh nghiệm của tôi để có một sản phẩm tốt, quan trọng nhất là công đoạn chẻ sắt bỏ thép vào, cho qua lửa, khi sắt và thép chảy thành nước dùng búa đập dính lại. Cái khó nhất cũng là bí quyết người thợ, nhìn qua độ hồng của sắt và thép trên ngọn lửa, biết vừa hay chưa. Ở đây chỉ xác định bằng mắt và cảm giác, chưa máy móc nào thay thể được, chỉ cần non, già một chút là sản phẩm không tốt. Cái khó nữa mỗi loại thép có độ hồng khác nhau, người thợ xác định như thế nào là vừa đòi hỏi phải có con mắt tinh tường, hay nói cách khác là phải có năng khiếu về nghề nghiệp. Bí quyết thứ hai là nước tôi, nước tôi là khi sản phẩm cho qua lửa lần cuối rồi nhúng vào nước lã. Tôi già hay non một chút dụng cụ cũng không tốt. Tôi như thế nào cho vừa là do con mắt của người thợ. Hiện tại, nghề thợ rèn đúng nghĩa theo ông Lĩnh thì trong huyện chỉ còn ông Lê Tấn ở xã Xuân Hải, ông Hà ở Xuân Yên, ông Lê Thắm ở Xuân Giang.

Tuy là một thợ rèn nức tiếng nhưng 3 người con của ông Lĩnh lại không có một ai theo nghề bố. Đứa giáo viên, người làm công nhân, đứa làm ruộng…Nhờ nghề thợ rèn mà ông đã mua đất, xây nhà, sắm xe tay ga và tiện nghi đầy đủ trong nhà, nuôi 3 đứa con khôn lớn. Hiện tại, những sản phầm như cào, cuốc, búa liềm, dao, kéo, kiềng, cửa sắt, lồng…của ông không chỉ tiêu thụ ở trong huyện, mà còn có mặt ở thị trường Hà Nội, TP. HCM, Nghệ An, Đà Nẵng, Lào, Camphuchia, Thái Lan…Mỗi ngày trừ đi chi phí, ông thu về hơn 400 ngàn đồng, đó là một số tiền không nhỏ đối với một ông già đã bước sang tuổi 73.

Đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Lĩnh cho biết, còn sức, còn sống được ngày nào là ông còn cầm búa. Dù rất buồn khi thấy nghề rèn có nguy cơ xóa sổ, nhưng ông vẫn cười vui tin tưởng: “Biết đâu, sau tôi chết đi lại xuất hiện thêm một “Lĩnh rèn” mới nữa trên mảnh đất Nghi Xuân này thì sao”. Mong sao ước mơ ấy của ông sẽ sớm trở thành hiện thực.

Đinh Tiến Giang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP