Gạo Quốc gia phải hỗ trợ đúng người, đối tượng
Ngày 22/2, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) tổ chức họp báo chuyên đề về các hoạt động xuất cấp hàng dự trữ quốc gia (DTQG) cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán và hỗ trợ gạo DTQG cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước tổ chức họp báo.
Tại đây, ông Phạm Việt Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng, Tổng cục DTNN cho biết: “Đến hết ngày 27/01/2017, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã hoàn thành xuất cấp gạo cho 17 tỉnh và đạt 100% kế hoạch hỗ trợ nhân dân các địa phương. Gạo dự trữ quốc gia cấp hỗ trợ các địa phương bảo đảm chất lượng, đủ số lượng và theo đúng kế hoạch tiếp nhận của Ủy ban nhân dân các tỉnh”.
Ngoài ra, ông Phạm Việt Hà cũng thông tin: “Qua việc rút kinh nghiệm từ hỗ trợ gạo dịp Tết Nguyên đán từ các năm trước, ngay sau khi nhận được văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân các tỉnh, Tổng cục DTNN đã chủ động phối hợp với Vụ Ngân sách Nhà nước (đơn vị tổng hợp) để Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định hỗ trợ gạo cho các địa phương trong dịp Tết Nguyên đán.
Đồng thời, Tổng cục Dự trữ Nhà nước chủ động thông báo cho các Cục DTNN khu vực phụ trách địa bàn tỉnh có nhu cầu hỗ trợ gạo chủ động liên hệ với Ủy ban nhân dân các tỉnh và các đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận gạo để kịp thời có kế hoạch xuất kho, thuê phương tiện vận chuyển, phân bổ, giao, nhận gạo ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định hỗ trợ gạo.
Về công tác hỗ trợ gạo cho học sinh, học kỳ I năm học 2016-2017, theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN đã xuất 36.533.488 kg gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho khoảng 540.000 học sinh của 49 tỉnh, thành phố.
Giải đáp câu hỏi của phóng viên về chất lượng gạo DTQG, ông Lê Văn Thời – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN khẳng định: Cho đến nay, chất lượng gạo DTQG ở bất cứ thời điểm nào, khi xuất cho người sử dụng đều đảm bảo chất lượng theo quy định.
Trước tiên, khi nhập, gạo vào kho đều có tiêu chuẩn quy định cụ thể về chất lượng, chỉ tiêu quy định và được tiến hành kiểm tra rất chặt chẽ.
Sau đó, trong quá trình bảo quản, các Cục DTNN khu vực áp dụng công nghệ bảo quản kín hiện đại để đảm bảo có thể giữ được theo quy định là 24 tháng. Khi xuất gạo cho người sử dụng, các Cục DTNN khu vực phải lấy mẫu, cùng với đơn vị tiếp nhận đối chứng và cùng ký biên bản lưu lại.
Với quy trình chặt chẽ đó, lãnh đạo Tổng cục DTNN luôn yêu cầu các đơn vị tại khu vực không được chủ quan với chất lượng gạo mà vẫn phải kiểm tra kỹ một lần nữa tại cửa kho ngay khi xuất.
“Vừa rồi có một sự việc báo chí phản ánh là gạo phát cho nhân dân ở các tỉnh miền Trung chịu thiệt hại bởi sự cố môi trường biển không đảm bảo chất lượng. Chúng tôi đã tổ chức đi kiểm tra và xác nhận đó là gạo của một đơn vị Phi chính phủ hỗ trợ cho người dân, không phải gạo DTQG” – Phó Tổng cục trưởng Lê Văn Thời nhấn mạnh.
Không có chuyện cứ “xin” là Trung ương “cho”
Trước câu hỏi của phóng viên về vấn đề nguyên tắc phê duyệt đề nghị xin gạo DTQG của các địa phương để tránh các tỉnh đã tự chủ được ngân sách mà vẫn xin hỗ trợ, ông Lê Văn Thời chia sẻ: “Không phải cứ địa phương “xin” là Trung ương “cho” mà phải tuân theo quy định cụ thể”.
Ông Lê Văn Thời – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN trả lời báo chí.
Bên cạnh đó, ông Thời cũng cho biết: “Đối với các địa phương tự chủ được ngân sách, có trích dự phòng thì sau khi dùng hết dự trữ ở địa phương thì mới đề nghị với Trung ương để cấp thêm. Việc này không chỉ do Bộ Tài chính quản lý mà có sự tham gia của cả Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Khi địa phương có đề nghị, Tổng cục DTNN làm văn bản gửi sang Vụ Ngân sách Nhà nước – Bộ Tài chính để rà soát nguồn dự phòng của tỉnh còn hay hết. Nếu không đáp ứng được thì Bộ Tài chính mới đề nghị với Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng thẩm định những nội dung liên quan đến phần quản lý của mình. Khi có sự thẩm định của cả hai Bộ, Thủ tướng Chính phủ mới xem xét, quyết định có xuất cấp gạo cho địa phương đó hay không”.
Khi các PV, Nhà báo đặt câu hỏi, nếu hàng DTQG không đủ để đáp ứng nhu cầu thì Tổng cục DTNN xử lý như thế nào?, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Lê Văn Thời cho biết: “Đến lúc này, chưa bao giờ hàng DTQG thiếu để cấp cho địa phương.
Đơn cử như về lương thực, hiện nay đang được bảo quản ở 2 mặt hàng là gạo và thóc. Thóc có ưu điểm là thời gian bảo quản lâu hơn nhưng khi cần phải qua gia công mất thời gian hơn nên phải dự trữ cả gạo. Khi cần kíp thì xuất cấp gạo cho kịp thời”.
Theo ông Thời, nếu địa phương đề nghị mà không cần gấp thì lúc đó xay thóc để cấp. Như vậy, việc dự trữ bao nhiêu, như thế nào đã được đơn vị tính toán theo nhu cầu từng thời điểm nên số lượng hàng luôn có sẵn trong kho dự trữ.
Tiến Dũng