Kinh tế

Formosa phản ứng bị ấn định thuế hơn 31 tỷ đồng

Theo nguồn tin của Dân trí, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa, ông Hung Chih Hsing vừa ký công văn gửi Bộ Tài chính phản đối yêu cầu nộp bổ sung thuế theo quyết định của Cục kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) ngày 12/5/2016.

Quyết định về việc kiểm tra sau thông quan tại trụ sở doanh nghiệp được gửi tới Formosa vào ngày 11/9/2015. Sau đó, cơ quan hải quan đã ấn định thuế đối với lượng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu thuộc loại hình nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu phát sinh chênh lệch giữa lượng tồn kho tại công ty so với lượng tồn kho trên hồ sơ khai báo hải quan tính đến thời điểm 31/12/2014 với số tiền là hơn 31 tỷ đồng. Trong đó, thuế nhập khẩu là 335,9 triệu đồng và thuế VAT là 30,7 tỷ đồng.

Lý do được cơ quan Hải quan đưa ra đó là do Formosa đã “không khai/khai không đúng dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, được hoàn”.

Mặc dù không đồng ý với ấn định thuế nêu trên song phía Formosa cho biết, vẫn nộp số tiền thuế nêu trên vào ngày 12/5/2016 để “nhằm tránh bị cưỡng chế làm thủ tục hải quan do nợ thuế quá hạn”.

Tuy cơ quan Hải quan đã viện dẫn hàng loạt quy định pháp luật hiện hành (dài hơn 1 trang A4) để làm căn cứ cho quyết định nói trên, song Formosa vẫn không đồng ý với kết luận nói trên.

Formosa đang nằm trong tầm ngắm chuyển giá, trốn thuế của cơ quan thuế
Formosa đang nằm trong tầm ngắm chuyển giá, trốn thuế của cơ quan thuế

Công ty này cho hay, theo kết luận kiểm tra sau thông quan của Chi cục kiểm tra sau thông quan (Cục Hải quan Đồng Nai) “lượng NPL tồn kho thực tế tại công ty đến cuối năm 2010 thiếu hụt so với lượng tồn NPL chưa thanh khoản đến 31/12/2010 theo hồ sơ thanh khoản”. Do đó, công ty này phải nộp bù thuế. Sau lần kiểm tra đó, Formosa cho biết, nội bộ công ty đã thống nhất về cách thức quản lý nguyên liệu trên hệ thống và trên sổ sách kế toán đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.

Lấy lý do chưa thấy có quy định nào hướng dẫn về việc phải tách riêng nguyên liệu nhập sản xuất hàng xuất khẩu và nhập kinh doanh, nên mỗi tháng Formosa căn cứ hướng dẫn tại Thông tư 128 ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính để làm thanh khoản.

Theo đó, mỗi tháng, công ty này in bảng báo cáo tổng lượng nguyên liệu tồn kho (bao gồm nguyên liệu nhập sản xuất hàng xuất khẩu và nhập kinh doanh) trên hệ thống máy tính để đối chiếu với lượng tồn trên báo cáo thanh khoản nhằm tránh phát sinh chênh lệch tồn kho, tránh vi phạm quy định của hải quan giống như lần kiểm tra trước.

Tuy nhiên, quyết định của đoàn kiểm tra sau thông quan của cơ quan hải quan ban hành ngày 12/5/2016 lại căn cứ theo tỷ lệ kim ngạch nhập khẩu các loại nguyên liệu giữa hai loại hình nhập kinh doanh và nhập sản xuất để xuất khẩu để tính lượng tồn kho thực tế và yêu cầu Formosa nộp bù thuế cho phần chênh lệch giữa nguyên liệu nhập sản xuất để xuất khẩu tồn kho trên báo cáo thanh khoản và lượng tồn kho thực tế với số trên trên 31 tỷ đồng.

Phía Formosa đề nghị phía Hải quan giải thích về cách tính của đoàn kiểm tra là dựa theo quy định cụ thể nào. “Tại sao chỉ dựa vào tỷ lệ kim ngạch nhập khẩu mà xác định được tồn koh tại một thời điểm? Với cách tính của đoàn kiểm tra đã làm thì công ty sẽ xảy ra chênh lệch tồn kho ở bất kỳ thời điểm nào có đoàn kiểm tra đến doanh nghiệp kiểm tra”, công ty này nêu ý kiến.

Ngoài ra, theo khẳng định của Formosa, hầu hết nguyên liệu nhập khảu để sản xuất hàng xuất khẩu của công ty này đều có thuế suất thuế nhập khẩu là 0%. Nếu nhập loại hình kinh doanh, công ty cũng chỉ đóng thuế GTGT và sẽ được khấu trừ, hoàn lại thuế ở cơ quan thuế địa phương. Do đó, Formosa khẳng định không bao giờ cố ý khai theo loại hình sản xuất hàng xuất khẩu để nhằm mục đích không nộp thuế.

Với văn bản này, lãnh đạo Formosa đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan xem xét không thực hiện ấn định thuế đối với hàng hóa nhập sản xuất xuất khẩu theo quyết định ngày 12/5/2016 của Cục kiểm tra sau thông quan.

Trước đó, Formosa cũng đã có văn bản kháng lại quyết định ấn định thuế gần 7,4 tỷ đồng của Cục kiểm tra sau thông quan.

Từ 2013-2015, Formosa đã bị truy thu, truy hoàn hơn 2.000 tỉ đồng tiền thuế, trong đó truy hoàn 1.554 tỉ đồng do sử dụng hóa đơn hoàn thuế không đúng quy định. Cơ quan thuế cũng cho biết, hầu như đợt kiểm tra hoàn thuế GTGT nào tại Formosa cũng phát hiện sai phạm. Do vi phạm có tính hệ thống, Formosa đang trong tầm ngắm chống chuyển giá, trốn thuế.

Bích Diệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP