Phát biểu trên được Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) TS Nguyễn Đình Cung nêu ra tại hội thảo lấy ý kiến về đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện bán lẻ do EVN tổ chức sáng nay (22/9).
Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra ba phương án điện bán lẻ: Phương án thứ nhất, giữ nguyên biểu giá điện 6 bậc thang như hiện hành; Phương án thứ hai, tính đồng giá ở mức 1.747 đồng/kWh; Phương án 3, rút gọn biểu giá điện sinh hoạt từ 6 bậc thang về 3 hoặc 4 bậc thang.
Đưa ra biểu giá điện EVN làm thay chức năng Bộ Công thương? (Ảnh minh họa – nguồn Tập đoàn điện lực Việt Nam).
Theo phân tích của EVN, mỗi phương án có ưu nhược điểm khác nhau, ví dụ phương án giữ nguyên biểu giá điện 6 bậc thang như hiện nay EVN cho rằng gây phức tạp trong thanh toán tiền điện với khách hàng. Lượng điện sử dụng càng cao thì mức giá càng cao, ngược với logic tiêu dùng hàng hóa thông thường là càng mua nhiều càng rẻ, dễ làm cho khách hàng khó hiểu, khó kiểm tra, theo dõi dẫn đến khó thông cảm.
Do có nhiều nấc thang nên việc ghi chỉ số nếu không chú ý cẩn trọng dễ gây sai sót khi tính toán số tiền điện thanh toán, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.
Trong khi đó, với phương án tính giá điện đồng giá mức 1.747 đồng/kWh, EVN tính toán sẽ khiến các hộ sử dụng dưới 240 KWh/tháng bị tác động tăng tiền điện phải trả hằng tháng trong khi các hộ sử dụng trên mức này được hưởng lợi. Phương án này có ưu điểm là sự minh bạch, dễ áp dụng nhưng bước đầu có thể khó khăn do tác động nhiều đến tầng lớp người thu nhập thấp…
Chưa nói đến việc nên chọn phương án tính toán giá điện theo cách nào, song theo chuyên gia tại hội thảo, việc EVN đưa ra biểu giá điện cho toàn xã hội là không đúng chức năng.
TS Nguyễn Đình Cung đặt câu hỏi, tại sao EVN lại đưa ra mức giá, những con số đó. Người dân cần biết các số liệu đó lấy từ đâu ra? Cùng với đó, ông Cung cho rằng, việc xây dựng biểu giá điện không phải trách nhiệm của EVN, do vậy EVN đứng ra tổ chức hội thảo là điều rất “ngạc nhiên”.
“EVN là doanh nghiệp, đơn vị này không thể đại diện cho cả ngành điện để làm biểu giá điện cho xã hội. Nhiệm vụ này là của Bộ Công Thương. Cần phải phân biệt rõ điều này”, ông Cung nói. TS Ngô Trí Long – Chuyên gia tài chính cũng đồng ý với quan điểm biểu giá lũy tiến theo bậc thang nhưng phải tính toán lại các mức giá, giãn khoảng cách giữa từng bậc thang.
Cùng chung quan điểm trên, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, phương án giữ nguyên 6 bậc thang giá điện như hiện hành là không thể chấp nhận vì thực tế người dân đã phải trả giá điện cao trong mùa hè vừa rồi do hậu quả của bậc thang lũy tiến này. Do đó, bắt buộc phải thay đổi để người dân giảm bớt thiệt hại. Tuy nhiên, nếu bãi bỏ bậc thang lũy tiến và chỉ có một giá điện duy nhất thì sẽ không còn phương tiện để đòi hỏi cũng như khuyến khích các hộ tiêu dùng tiết kiệm điện.
Mặt khác, theo TS Doanh nếu để một mức giá điện dẫn đến việc người có thu nhập thấp cũng chịu giá điện bằng người sử dụng rất nhiều điện.