Khoa học

Độc đáo mô hình nhà chống động đất của nam sinh Quảng Trị

Ngôi nhà có cấu trúc phần móng được thiết kế giúp miễn chấn các tác động của rung lắc, khiến trận động đất ảnh hưởng ít đến toàn bộ công trình.

Sinh ra tại mảnh đất Quảng Trị, từng chứng kiến nhiều thiên tai, khiến người thân, người dân địa phương lâm vào cảnh khổ đau, gần đây, nơi này còn xuất hiện cả động đất, khiến mọi người bất an, cậu học trò cấp 3 đã nảy sinh ý tưởng, tìm tòi, nghiên cứu để giúp người dân phòng chống lại các tác động trên.

Đó là em Hoàng Công Phước Khánh (SN 1999), học sinh lớp 12A2, Trường THPT Vĩnh Linh, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Em Hoàng Công Phước Khánh, người sáng tạo mô hình nhà chống động đất.

Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với Khánh, đó chính là sự khiêm tốn, lễ phép. Khánh chia sẻ, qua tìm hiểu những kiến thức liên quan đến động đất trên mạng internet cũng như các cấu trúc nhà ở nước Nhật Bản, nơi thường hay xảy ra động đất, em đã có những lập luận và manh nha ý tưởng nhà chống thiên tai của mình.

Ngôi nhà chống động đất của Khánh được thiết kế với những cảm biến thông minh.

Khánh cho hay, khi động đất xảy ra, chấn động thường tác động trực tiếp vào phần móng, theo lực quán tính, ngôi nhà bình thường có thể sẽ bị nứt, đổ sụp. Tuy nhiên, nếu ngôi nhà đó được thiết kế theo cấu trúc miễn chấn, nó sẽ giảm thiểu dao động của tòa nhà lúc động đất xảy ra, cũng như tăng cường khả năng chống chịu áp lực.

“Cấu trúc miễn chấn có tác dụng hấp thụ rung lắc của động đất và giải phóng năng lượng ở phần móng, khiến các rung chấn khó truyền ảnh hưởng tới toàn bộ tòa nhà”, Khánh giải thích.

Phần móng được thiết kế theo cấu trúc miễn chấn.

Quan sát mô hình ngôi nhà do Khánh thiết kế, có thể thấy rõ phần móng được em sắp xếp các nan sắt đặt song song theo phương thẳng đứng, kết nối với nhau qua các thanh sắt hình dích dắc, để giảm ma sát từ tòa nhà lúc có chấn động. Từ đó, phần móng hạn chế được lực tác động từ động đất.

Riêng phần thân nhà, khung thép và các khung dầm được em thiết kế với nhiều thanh sắt đan chéo nhau, tạo sự vững chãi cho tòa nhà. Mô hình này, một ngôi nhà 2 gian chống động đất chỉ có chi phí lắp đặt hệ thống móng miễn chấn cao hơn 25% – 30%, so với một ngôi nhà bình thường.

Cấu trúc miễn chấn giúp giảm thiểu các tác động của trận động đất lên toàn bộ công trình.

Trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, thầy Nguyễn Hoài Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Linh cho biết, học sinh của nhà trường vốn có truyền thống đam mê nghiên cứu khoa học và thường xuyên có những sáng tạo dự các cuộc thi kỹ thuật trong và ngoài tỉnh. Năm 2016, mô hình nhà chống động đất của Khánh đã đạt giải nhì (không có giải nhất), của cuộc thi Sáng tạo trẻ tỉnh Quảng Trị do UBND tỉnh tổ chức.

“Hiện, nhà trường đang tích cực hỗ trợ thêm về các trang thiết bị, để Khánh có thể hoàn thiện sản phẩm của mình. Khánh có tâm sự với tôi, em muốn thiết kế thêm các chi tiết để ngôi nhà có thể chống được lũ lụt, lốc xoáy, kể cả hỏa hoạn… nhằm giúp được người dân vùng thiên tai nhiều hơn nữa”, thầy Nam chia sẻ. xem thêm >>

Lê Kông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP