Tại hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 24-8, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), đã đề xuất bỏ biên chế vĩnh viễn đối với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên công lập.
Hàng trăm giáo viên hợp đồng tới trụ sở UBND huyện huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) để phản đối việc cắt hợp đồng - Ảnh: Cao Nguyên |
Theo ông Nguyễn Xuân Khang, cần thực hiện chế độ "hợp đồng lao động" có thời hạn để người lao động có động lực để nâng cao năng lực và phẩm chất, có ý thức hoàn thành tốt nhiệm vụ, khắc phục tình trạng ỷ lại, ăn bám, dựa dẫm...
Ông Khang cho rằng việc khó nhất hiện nay là giải quyết hậu quả của hàng chục năm trước để lại bởi biên chế công chức, viên chức quá lớn, người làm được việc thì ít, người yếu kém thì nhiều. Tâm lý bám vào nhà nước còn đang nặng nề.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, lại cho hay ông có quan điểm ngược lại.
TS Lâm nhấn mạnh bỏ biên chế giáo viên ở thời điểm này là chưa phù hợp vì nhiều lý do. Thực tế lương giáo viên rất thấp, đặc biệt là lương của giáo viên hợp đồng. Trường hợp ở 400 giáo viên hợp đồng ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) bị cắt hợp đồng vừa rồi, có người giảng dạy gần 20 năm lương vẫn chưa được đến 1,5 triệu. "Mức lương như vậy thì họ sống làm sao, có đủ chuyên tâm vào công việc giảng dạy học sinh hay không?"-TS Lâm đặt câu hỏi.
Ông Lâm cũng nói thêm áp lực cho giáo viên bây giờ là rất lớn khi lương thấp lại chịu áp lực trên đe dưới búa từ thành tích của nhà trường lẫn áp lực từ phụ huynh học sinh, học trò cá biệt… Ở TP, áp lực lớn nhất là làm sao dạy tốt cho một lớp có sĩ số đến 60-70 cháu trong khi phụ huynh quá kỳ vọng ở nhà trường. Còn ở miền vúi vùng cao là làm sao để học sinh vượt qua khó khăn để đến trường. "Ở các xã vùng sâu vùng xa, các thày cô giáo ngày đêm bám bản dạy chữ cho học sinh, ngoài vì tình yêu nghề, còn một lý do quan trọng nữa là họ vẫn yên tâm mình nằm trong biên chế nhà nước"-TS Lâm nói.
Cũng theo TS Lâm, khi xóa bỏ biên chế, hiệu trưởng các trường có quyền hạn rất lớn, nếu không có sự đào tạo và tuyển chọn thì rất có khả năng "giao trứng cho ác", nảy sinh nhiều tiêu cực. Ông Lâm thẳng thắn cho rằng cơ chế hiện nay cho phép thanh tra đột xuất, giám sát định kỳ mà còn liên tục xảy ra việc hiệu trưởng tham nhũng, lạm thu, bổ nhiệm người nhà sai quy định, người chống tiêu cực gian lận thì nhận về "quả đắng". "Nếu quyền lực tập trung về tay hiệu trưởng, họ có quyền tuyển dụng, "quyền sinh quyền sát" đối với giáo viên thì sẽ rất nguy hiểm. Lúc ấy giáo viên có khi phải lo làm sao lấy lòng hiệu trưởng để không bị mất việc còn hơn là lo lên lớp giảng bài cho học sinh"-TS Lâm đặt ra giả thuyết.
TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh việc xoá bỏ biên chế giáo viên, trao quyền cho hiệu trưởng chỉ được thực hiện khi có cơ chế rõ ràng, quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị. Bên cạnh với đó là hoạt động nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị theo cơ chế mới
Hiệu trưởng một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng nếu bỏ biên chế giáo viên thì cần phải bỏ biên chế tất cả các ngành khác, trừ an ninh quốc phòng và công an, thì mới công bằng đối với các nhà giáo. Như vậy mới bỏ được tâm lý "chạy" một suất biên chế vẫn nặng nề đối với cả xã hội lâu nay.
Cô Nguyễn Hồng Vân, giáo viên một trường tiểu học đóng tại huyện Ứng Hoà (Hà Nội), chia sẻ lo ngại nếu hiệu trưởng có quyền lực tuyệt đối trong việc tuyển dụng giáo viên thì sẽ xảy ra những hậu quả khôn lường nếu không có kiểm soát, giám sát tốt. Theo cô Vân, thay vì bỏ biên chế giáo viên thì nên tuyển dụng công bằng, khách quan những giáo viên giỏi để nâng chất lượng đào tạo.
Tác giả: Yến Anh
Nguồn tin: Báo Người lao động