|
Học sinh Trường THPT Võ Văn Kiệt (Q.8, TP.HCM) Đ.N.T |
Nhớ lần gặp lại học trò cũ đậu đại học với điểm văn khá cao. Em kể rằng để đạt điểm này là công lao của mẹ vì mẹ đã dò bài cho em trong suốt thời gian ôn tập. Là một người kinh doanh nhưng mẹ của học sinh này sau một thời gian dò bài cho em luyện thi ĐH có thể thuộc làu “Xuân Diệu là nhà thơ tiêu biểu…” hay “Tố Hữu là cây đại thụ”… Văn mà học thuộc lòng đến thế là cùng!
...
Gần đây tôi được dự giờ văn của một đồng nghiệp - một tiết lên lớp đa màu sắc: bảng tương tác, bàn tay nặn bột, sơ đồ tư duy và… tích hợp liên môn (vì trong đánh giá phải có tiêu chuẩn này). Tội nghiệp cho cô và trò phải dạy và học một cách khẩn trương để tiểu phẩm được đầy đủ sắc màu. Thế rồi sau tiết học, tôi tìm hoài mà vẫn không thấy cảm xúc của một giờ học văn như vốn có.
Xem bài tập làm văn của học trò đang học lớp 9, tôi giật mình với nhiều đề bài khác nhau nhưng câu mở bài gần như giống nhau theo một khuôn mẫu. Thắc mắc, học trò trả lời: “An toàn cô ơi!”.
Tôi nhớ về thời đi học, gặp đề thi “Em thích nhất chương trình nào trên truyền hình?”, tôi đã viết về chương trình Đố vui để học mà không bị gò bó vào chuẩn mực hay khuôn khổ nào. Nhớ về những tiết học văn thời THCS - chỉ bảng đen phấn trắng thôi mà lũ học trò chúng tôi cứ bị mê hoặc bởi lối dẫn dắt đầy cảm xúc của cô giáo người Huế với bài Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh để rồi vài chục năm sau vẫn nhớ như in hình ảnh dòng sông quê mát rượi…
Không thể phủ nhận những lợi ích từ các phương pháp dạy học tích cực cùng với những ứng dụng của công nghệ thông tin, nhưng thiết nghĩ nên vận dụng những tiến bộ của công nghệ mới vào các môn học một cách hợp lý và tự nhiên để còn mãi những tiết văn với đầy đủ cung bậc cảm xúc…
Tác giả: Vũ Thị Mỹ Hạnh
Nguồn tin: Báo Thanh niên