Hai ngày liền ngồi trên băng ghế gỗ của văn phòng toà án Nhân dân TP.HCM (131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TP.HCM), hai ngày lặng lẽ theo dõi từng dòng sự kiện được giới truyền thông rầm rộ đưa tin trong và ngoài nước,… tôi lắc đầu ngao ngán. Đây đúng là cuộc ly hôn ồn ào nhất trong lịch sử!
Từ những ngày đầu tháng 3/2015, khi bà Lê Hoàng Diệp Thảo đệ đơn ly hôn chồng, suốt hơn 3 năm trời, những cãi vã, lôi nhau ra mặt báo vẫn nhan nhản từng ngày. Và đỉnh điểm là hôm nay, trong phiên tòa xét xử lần cuối cùng, cả ông Vũ và bà Thảo đã vô số lần sử dụng lời lẽ để phỉ báng, xúc phạm đối phương,… Rồi cứ thế, người phụ nữ ở bên kia băng ghế bật khóc nức nở, người đàn ông bên này khung cửa mặt đăm chiêu buồn bã.
Mấy đời thiên hạ mới lại được chứng kiến ‘nước mắt chảy thành sông’ từ những nhà giàu. |
Mọi chi tiết, hình ảnh, nhất cử nhất động dù nhỏ nhặt nhất đều được độc giả săn đón. Cả thiên hạ đều biết tường tận vụ ly hôn thế kỷ, rõ đến từng phút từng giây trong khi phiên toà vẫn còn đang xét xử. Nhưng chẳng ai rõ chuyện tình yêu Đặng Lê Nguyên Vũ- Lê Hoàng Diệp Thảo “ai đúng-ai sai”.
Vì chuyện duyên nợ, Xuân Diệu đã từng nói: “Mấy ai cắt nghĩa được tình yêu/Có nghĩa gì đâu một buổi chiều…” - chẳng phải đó sao?
Số tiền nghìn tỷ đồng sẽ chia thế nào? Ai nhận nhiều hơn? 4 đứa con sẽ sống sao? Ai mới là “vua cafe duy nhất của Việt Nam”?,… quyết định khó khăn ấy sẽ còn tiếp diễn trong sự cãi vã không hồi kết vào tuần sau. Lời lãi trong chuyện của hai vợ chồng, hai nhà kinh doanh đại tài thì chẳng ai biết rõ? Nhưng tôi rõ một điều: thiên hạ là kẻ lời nhất trong chuyện này. Vì mấy đời thiên hạ mới lại được chứng kiến ‘nước mắt chảy thành sông’ từ những nhà giàu.
Giờ đây, trên những băng ghế toà án, cả hai chỉ còn lại những hơn thua, con số và bới móc nhau. |
“Cả một đời làm luật sư tôi được mọi người gọi với cái tên ‘luật sư của những cuộc ly hôn đại gia”. Thế nhưng tôi chưa bao giờ chứng kiến một cuộc cãi vã nào lớn thế này” - luật sự Trương Thị Hoà (đại diện cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ) lên tiếng.
Hàng chục con người ngồi dưới băng ghế dài lặng lẽ theo dõi cuộc cãi vã quá giờ. Có người lắc đầu, người khóc, người mỉm cười đầy đau khổ, rồi thì lần lượt rời khỏi chỗ ngồi vì mệt mỏi lời qua tiếng lại, sự bới móc, đổ lỗi, thậm chí là khiêu khích, cướp lời để phỉ báng nặng nề đến mức chủ toạ buộc lòng phải dừng cuộc tranh luận.
Tôi ngồi bên dưới khán phòng, nhìn rõ giọt nước mắt của người mẹ tội nghiệp khi bất lực nghe chồng gọi mình: “Cô là người phá Trung Nguyên nhất”, “Đừng bắt con tôi làm con tin”, “Cái gì không thuộc về cô thì mãi không thuộc”, “Cô phải sám hối vì những gì đã làm”… Người đàn bà buộc lòng đứng dậy trong nước mắt, yêu cầu bị đơn dừng ngay lời lẽ phỉ báng mình. Thế rồi, bị đơn cũng cúi đầu đau đớn khi nhớ lại chuỗi ngày vợ bắt mình đi giám định thần kinh, đưa mình vào trại tâm thần… Nói xong, cả hai quay đi lạnh lùng.
Nguyên đơn-bị đơn cứ kéo dài lê thê, A sai - B chịu đau thương, B sai - A chịu đau thương. Rồi câu nói: “Có phải anh Vũ sẽ không ngoại tình?”, “Anh Vũ tố tôi làm hàng giả của Trung Nguyên”, “Anh Vũ đã cắt chức vị tại Trung Nguyên rồi dùng bảo vệ để đuổi tôi ra khỏi công ty”,… “Nếu tôi đối xử với cô như vậy, cô hãy hỏi người thân cô đi, tôi sống sao để giờ người ta vẫn ở bên cạnh tôi làm việc?”, “Cô chỉ góp sức chứ không góp tiền”… Tất cả nhanh chóng trở thành tít báo kéo về cả triệu lượt xem từ mạng xã hội.
Còn lại gì sau những bới móc sai lầm?
Tôi thấy thật khó tin hai con người “dữ tợn” đang ngồi ở hai đầu băng ghế pháp luật ấy, từng là cặp vợ chồng gắn kết nhau từ thuở hàn vi |
Tôi thấy thật khó tin hai con người “dữ tợn” đang ngồi ở hai đầu băng ghế pháp luật ấy, từng là cặp vợ chồng gắn kết nhau từ thuở hàn vi, từng xuống Sài Gòn lập nghiệp với không đồng xu dính túi, đêm đêm rang hạt cà phê thơm nồng trên góc đường Nguyễn Kiệm. Tôi không tin ngày nào đó, họ sẵn sàng đứng đây, chỉ thẳng tay vào nhau, mặt đỏ au tức giận và bật khóc khi xúc phạm nhau nặng nề.
Ngày đó, chàng sinh viên y khoa nghèo khó đã yêu cô tổng đài viên ở Buôn Mê Thuột thế nào? Cô nàng đã đồng ý theo chàng, bỏ mặc gia thế cành ngọc lá vàng để xây dựng ước mơ đưa hạt cà phê Buôn Mê Thuột đứng đầu Việt Nam, đưa thương hiệu cà phê Việt Nam ra tầm quốc tế ra sao?…
20 năm sau, quán cà phê Trung Nguyên lọt thỏm trên góc đường Nguyễn Kiệm cũng trở thành chuỗi cà phê hàng đầu Việt Nam. Slogan 'Trung Nguyên - cà phê của giàu có và hạnh phúc' xuất hiện khắp Việt Nam và vươn ra nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ngay từ đầu, ông Vũ- bà Thảo đều xây dựng thương hiệu cà phê Việt ấy bằng những ước mơ làm giàu và cả hạnh phúc thuỷ chung lứa đôi.
Về gia đình, cả hai có với nhau một tổ ấm hạnh phúc, có mẹ-có ba- và 4 mặt con kháu khỉnh đặt tên cho ước mơ cháy bỏng của cả hai về hạt cà phê Buôn Mê năm nào. Đặng Lê Trung Nguyên, Đặng Lê Bình Nguyên, Đặng Lê Thảo Nguyên, Đặng Lê Tây Nguyên.
Thế mà, rốt cuộc gần 24 năm tình yêu, hạnh phúc gia đình, nụ cười và nước mắt trong từng tách cà phê thoang thoảng ngày đầu tiên ở góc đường Nguyễn Kiệm (TP.HCM),… cuối cùng đều quy đổi thành tiền.
Suốt 49 ngày ông Vũ sống trên núi, tiếp nhận giáo lý Thiền học, bà Thảo khóc: “Thiền đã giết chết người chồng tuyệt vời của tôi”. Rồi bao lần họ đưa nhau ra toà vì kiện cáo hàng giả, báo cáo sai phạm kinh doanh,… Cuối năm 2015, bà Thảo đề đơn ly hôn, cả hai chính thức trở thành kẻ ở hai chiến tuyến.
Cuộc sống thương trường có quá nhiều thứ khiến tình yêu thưở hàn vi ấy chao đảo. Sự xuất hiện của đồng tiền, nó có sức mạnh ghê gớm lắm! Nó làm con người ta từ bỏ những gì mình đang hạnh phúc để chạy theo mộng tưởng xa vời, để rồi một ngày người ta chẳng còn muốn nhìn lại thưở ngày xưa cũ khó khăn, khổ nhọc.
Bốn đứa con có những cái tên tuyệt đẹp Trung Nguyên, Bình Nguyên, Thảo Nguyên, Tây Nguyên, là ước mơ cả đời về vườn cà phê bạt ngàn đang độ trĩu quả khắp Buôn Mê của cả hai. |
Phiên toà kết thúc muộn. Ở trên băng ghế dài lạnh toát, ông Vũ vẫn ngồi bần thần, khuôn mặt buồn rầu khi nhắc đi nhắc lại câu nói trong suốt 2 ngày ngồi toà trong mệt mỏi: “Mình đã sai rồi, và điều cao nhất là đừng bao giờ làm tổn thương các con…”. Đó như một lời răng đe cho cả mình, người vợ, và cả bậc làm cha làm mẹ.
Bốn đứa con có những cái tên tuyệt đẹp Trung Nguyên, Bình Nguyên, Thảo Nguyên, Tây Nguyên, là ước mơ cả đời về vườn cà phê bạt ngàn đang độ trĩu quả khắp Buôn Mê của cả hai. Chúng chỉ là đứa con nít, đứa lớn nhất 20 tuổi, thế mà, ngày ngày vẫn phải nghe truyền thông ra rả về cuộc cãi vã thế kỷ của bố mẹ. Cuộc hôn nhân của con số, sự vị kỷ và toan tính hơn thua nhau.
Không biết trong trái tim yếu ớt của chúng sẽ còn ánh nhìn yêu thương và ký ức đẹp đẽ về gia đình? Hay chúng sẽ lớn với vết sẹo, sự ái ngại khi một ngày nào đó ba mẹ ôm chúng vào lòng, khẽ khàng nói với chúng lời yêu thương, chúng lại run sợ nhớ tới cánh tay đó, lời nói đó từng ở trên phiên toà để chỉ mặt vào nhau, nói lời xúc phạm không hơn không kém?
Không biết nhiều ngày nay, chúng khóc có nhiều không?
“Chúng mình thương nhau đâu mặc cả với đời
Tính toán so đo, lỗ lời chồng vợ
Hai đứa mình không bán mua sao mà thua lỗ
Chỉ còn lời là những đứa con ngoan”. - Luật sư Phan Trung Hoài.
Tác giả: Huy Hậu
Nguồn tin: saostar.vn