– Thời gian gần đây, đã có nhiều bài viết về tình trạng các quan chức đương nhiệm dùng nhà công vụ được phân giao cho người khác sử dụng hoặc quan chức đã về hưu nhưng vẫn không chịu trả lại nhà. Ông đánh giá thế nào về việc này?
– Việc những quan chức, kể cả đương nhiệm hay đã về hưu, được phân sử dụng nhà công vụ nhưng lại không sử dụng mà chuyển cho con cái, họ hàng, thậm chí đem cho thuê… là có vi phạm về việc sử dụng không đúng mục đích của nhà công vụ. Điều này có thể diễn ra do các quy định hiện hành của pháp luật chưa được chặt chẽ.
Nên có quy chế nêu rõ chỉ được sử dụng nhà công vụ cho những người được phân công theo chức vụ. Nhà công vụ thường là những khu nhà riêng biệt, được xây dựng chất lượng tốt hơn. Việc thiếu quy định chặt chẽ đã dẫn đến tình trạng người đương chức thừa nhà, đem nhà cho con cái, cho người khác sử dụng trong khi những người khác lại không được sử dụng.
Nhưng điều đáng nói nữa là vẫn có không ít quan chức đã nghỉ hưu nhưng vẫn sử dụng, chưa bàn giao lại các căn nhà công vụ đã được phân trước đó.
Nhiều trường hợp quan chức có vi phạm trong sử dụng nhà công vụ. Cái sai này là rõ ràng. Anh đã nghỉ hưu đương nhiên phải bàn giao lại nhà công vụ. Nếu anh lại tiếp tục cho con cháu đến ở, cái sai này còn nặng gấp đôi. Điều này cũng cần quy định tường minh trong quy chế sử dụng nhà công vụ.
Hy vọng những quan chức đã nghỉ hưu nhưng vẫn giữ lại nhà công vụ để sử dụng cho cá nhân hoặc cho con cháu ở, hãy gương mẫu thực hiện việc trả lại nhà công vụ cho Nhà nước để phân cho người khác sử dụng. Dứt khoát phải bàn giao lại, không được để cho con cháu tiếp tục ở như hiện nay.
Thói quen sử dụng nhà công vụ, được nhiều quan chức cho rằng, đây là “tiêu chuẩn” của tôi. Quan điểm suy nghĩ này là tàn dư của thời bao cấp. Họ nghĩ, Nhà nước giao cho tôi thì tôi có quyền sử dụng. Tôi cho rằng, những người xây dựng các quy định về nhà công vụ cần lưu ý ở điểm này. Nếu trong quy chế hiện nay chưa có thì cần sửa đổi, bổ sung.
– Phóng viên đã có cuộc trao đổi với một số cựu Thứ trưởng của các Bộ: NN&PTNT, Tài nguyên – Môi trường và các cựu quan chức này khẳng định: “Trả lại nhà thì không biết ở đâu”. Ông đánh giá thế nào về các ý kiến này?
– Đây là do sơ hở trong quy định trước đây. Họ trả lời như vậy khó chấp nhận được. Bảo trả nhà thì không biết ở đâu. Vậy trước kia anh ở đâu? Trước khi được phân nhà công vụ, chả nhẽ anh ở ngoài đường sao? Không nên suy nghĩ như vậy.
– Phải chăng do một số quan chức đang được các chế độ như: có lái xe, người giúp việc, được ở nhà công vụ nên họ đã quen và có cách suy nghĩ như vậy?
– Thực tế đã có nhiều trường hợp lãnh đạo rất cao đã trả lại nhà công vụ sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác. Như nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trả lại căn nhà ở 72 Phan Đình Phùng sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng trả lại nhà. Căn nhà này hiện đã được phân cho người khác ở. Các lãnh đạo cấp cao đã chấp hành như vậy, tại sao một số quan chức khác lại suy nghĩ và không chấp hành quy định. Theo tôi, đây là điều rất không nên.
Ông Lê Đăng Doanh. |