Bạn đọc Lê Thanh ở Hải Phòng, địa chỉ mail: thanhle1…@gmail.com phản ánh, khoảng đầu 05/2013, khi điều khiển phương tiện xe máy, tôi có xảy ra va quệt giao thông với xe đạp.
Nguyên nhân do người phụ nữ đi xe đạp đang lưu thông cùng chiều với tôi lao ra giữa đường đột ngột nên tôi đã cho xe rẽ trái sang phần đường ngược lại nhưng vẫn không tránh được nên va chạm vào xe đạp, ngay sau đó người phụ nữ đi xe đạp đã bị ngã.
Người phụ nữ bị gãy tay và chấn thương một số bộ phận trên cơ thể.
Vậy trong trường hợp này, tôi có phải bồi thường cho người phụ nữ kia không? Và hiện nay, sau khi lập biên bản, cảnh sát giao thông đã tiến hành tạm giữ phương tiện của tôi, vậy tôi có phải đóng tiền phạt gì hay không?
Trả lời:
Liên quan đến vấn đề bạn phản ánh, chúng tôi xin được trả lời như sau:
Trước hết như thông tin mà bạn đưa ra thì ở đây, lỗi phần lớn của vụ va chạm này là do người điều khiển phương tiện xe đạp gây ra. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật, chúng tôi thấy, ở đây, bạn vẫn có lỗi, đó là không giữ khoảng cách an toàn khi tham gia giao thông. Do đó, bạn sẽ vẫn phải bồi thường cho người phụ nữ điều khiển phương tiện xe đạp kia.
Tại Điều 11, Thông tư13/2009/TT-BGTVT quy định việc giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe
Khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dụng phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo.
Cùng với đó tại Điều 12 cũng trong thông tư này quy định, khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, đường cấp cao, đường khai thác theo quy chế riêng.
1. Khi mặt đường khô ráo thì khoảng cách an toàn ứng với mỗi tốc độ được quy định như sau:
Tốc độ lưu hành (km/h) Khoảng cách an toàn tối thiểu (m)
Đến 60 – 30
Trên 60 đến 80 – 50
Trên 80 đến 100 – 70
Trên 100 đến 120 – 90
2. Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hoặc quy định tại khoản 1 Điều này.
Như phản ánh của bạn, có thể xác định, lỗi của bạn ở đây chưa đến mức nghiêm trọng nên việc bạn phải bồi thường trách nhiệm đối với người phụ nữ kia sẽ không quá lớn. Ở đây, có thể hai bên tự thương thảo với nhau sao cho hài hoà nhất.
Đối với việc, công an giữ phương tiện của bạn là đúng với quy định của pháp luật. Về việc này, bạn có thể làm đơn gửi đến cơ quan công an nơi lập biên bản tạm giữ xe để xin lấy ra.
Đồng thời, theo quy định, tại điểm c khoản 1 Điều 9 Nghị định71/2012/NĐ-CP : “Điều 9. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
1. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Điểm đ, Điểm h Khoản 2; Điểm c, Điểm đ, Điểm h Khoản 3; Điểm c, Điểm d, Điểm e, Điểm g, Điểm i Khoản 4; Điểm a, Điểm c, Điểm d Khoản 5; Điểm đ Khoản 6; Điểm d Khoản 7 Điều này;
b) Không có báo hiệu xin vượt trước khi vượt;
c) Không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”;
Như vậy, bạn sẽ phải nộp phạt với mức như ở trên đã quy định và đồng thời, phải nộp tiền phí lưu giữ, bảo quản phương tiện do địa phương quy định cụ thể.
Tri Thức Trẻ