Kỳ Anh

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh: Quyết định cho phá hàng loạt nhà dân nhằm mục đích gì?

Ngày 20/1/2013, một làng quê nghèo gần Đèo Ngang, chính quyền huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh cho nhiều xe cơ giới có hàng trăm cảnh sát hộ tống, đập phá 73 nhà dân theo lệnh của Chủ tịch UBND huyện mà ở đó không có dự án, nếu có chỉ là “dự án treo”. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm vào cuộc làm rõ…



Sự thật không dám tin


Gần tết Quý Tỵ, nhóm phóng viên đến thôn Ba Đồng thì 73 đống đổ nát của 73 công trình xây dựng vẫn ngổn ngang. Trên từng gương mặt người dân còn lộ rõ nỗi khiếp sợ bởi đoàn cưỡng chế không chỉ phá nhà, mà còn đánh người. Chị Lê Thị Lực chất vấn người chỉ huy: “Dân có tội gì, tại sao chính quyền lại phá nhà dân?”, thế là họ xúm vào đánh chị, xịt thuốc mê cho chị bất tỉnh… Anh Lê Văn Hải cho biết: “Nhà này không bị cưỡng chế, tôi khóa cổng, không cho con cháu ra ngoài vì sợ liên lụy, thế là họ trèo tường, vượt cổng vào đánh tôi, tôi không hiểu mình có tội gì?”. Cụ Lê Văn Hưng, 90 tuổi, 64 năm tuổi Đảng phều phào: “Năm 2010, nhà tôi bị giải tỏa để lấy đất giao cho Dự án Pomosa, tiền bồi thường không đủ, con cái hỗ trợ, xây nhà để ở và thờ tự tổ tiên. Sáng đó, tôi bị bệnh, đang truyền thuốc thì đoàn cưỡng chế đến, khênh tôi ra trạm xá để phá nhà tôi. Con tôi đến can ngăn, bị họ đánh trọng thương”… Ông Lê Hàm nói: “Tôi là đảng viên, thương binh. Con tôi đã trên dưới 40 tuổi và đều có gia đình nhưng làng cũ bị quy hoạch quá lâu, chính quyền không cho tách hộ, cha con tôi hết sức cực khổ. Nay lên đây, tôi chia đất cho các con làm nhà để tách hộ. Năm hộ cha con tôi xây dựng hơn 500 m2 trên đất của mình, làm xong, chính quyền đến phá nát… Các hộ khác xây nhà ở, chuồng trại, nhà trọ, nhà cho thuê… đều bị đập hết.


Phá nhà dân để làm gì?


Nhân Hòa là làng chài nghèo, người dân chỉ đánh bắt ven bờ và làm ruộng rẫy. Năm 1991, chính quyền vận động dân lên khai phá cánh rừng này. Xã cắm cọc chia đất, dân thuê rà mìn rồi khai phá. Sau đó người thì đến định cư, kẻ vẫn ở làng cũ, chỉ đến canh tác theo thời vụ và tất cả đều đã có sổ đỏ. Năm 2010, làng cũ bị giải tỏa, người ta đến làm nhà trên đất của chính mình. Đất không bị thu hồi, cũng chưa bị quy hoạch, không hề vi phạm lộ giới… Vậy mà 73 công trình gồm 5.300 m2 xây dựng với nhiều nhà đúc bị phá, giá trị thiệt hại ước tính trên 30 tỉ đồng, nạn nhân là 35 hộ dân trong đó có 5 đảng viên, 2 cán bộ thôn. Gần hai tháng qua, người dân vẫn để những đống đổ nát đó, họ bảo để chờ Chủ tịch nước đến chứng kiến “thành tích” của Chủ tịch huyện.


Theo Quyết định cưỡng chế số 144/QĐCC ngày 15/1/2013 “thi hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai” do Chủ tịch Nguyễn Văn Bổng kí, tại Điều 1 ghi: “Áp dụng biện pháp cưỡng chế: Phá dỡ nhà xây dựng vi phạm quy hoạch, sai mục đích sử dụng đất tại Khu kinh tế Vũng Áng… Lí do cưỡng chế: Không thực hiện quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai… Ông (bà)… phải chịu mọi chi phí về tổ chức thực hiện biện pháp cưỡng chế trên”.


Nói “nhà xây dựng vi phạm quy hoạch” thì cần chỉ ra quy hoạch dự án gì chứ không thể nói là “tại Khu kinh tế Vũng Áng”. Vì Khu kinh tế Vũng Áng là quy hoạch chung, diện tích lên đến hàng vạn héc-ta, bao gồm diện tích của 9 xã, có hàng chục vạn dân với rất nhiều dự án. Trong khi dân làm nhà trên đất của họ không bị thu hồi, cũng không có quy hoạch chi tiết, sao lại là vi phạm quy hoạch? Cưỡng chế buộc tháo dỡ là trường hợp cá biệt để lấy đất cho dự án, đảm bảo tiến độ thi công hoặc những trường hợp lấn chiếm đất dự án, vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, đường điện… Chính quyền huyện Kỳ Anh, đập phá hàng loạt nhà dân không phải để thu hồi đất, không vi phạm hành lang an toàn mà chỉ để… gieo thù chuốc oán?


Vẫn quen nếp


Cuối năm 2010, Báo Người cao tuổi có loạt bài “Đập phá nhà dân, cơ sở pháp lí ở đâu?” phản ánh việc chính quyền huyện Kỳ Anh đập phá hàng loạt nhà dân trái pháp luật suốt tuyến đường tránh Quốc lộ 1A ngót chục ki-lô-mét. Tại cuộc đối thoại ngày 18/3/2011 giữa Báo Người cao tuổi với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND huyện Trần Bá Song nêu “cơ sở pháp lí” để đập phá nhà dân gồm ba lí do: Một, nhà làm trên vùng dự án. Hai, nhà làm với mục đích là để lấy tiền đền bù. Ba, nhà làm trên đất nông nghiệp… Đại diện Báo Người cao tuổi hỏi: “Nếu bảo dân làm nhà trên vùng dự án thì đó là dự án gì, ai là chủ dự án?”, ông Song không trả lời được. Báo Người cao tuổi khẳng định: “Quy hoạch Khu kinh tế Vũng Áng là quy hoạch chung đến năm 2025, nếu nói dân làm nhà trên vùng dự án thì phải có dự án cụ thể. Không có dự án mà bảo dân làm nhà để lấy tiền đền bù là nói oan cho dân. Đã ba năm, nơi những căn nhà bị phá vẫn không có quy hoạch, chứng tỏ việc đập phá năm 2010 là sai phạm nghiêm trọng. Lẽ ra chiến dịch ấy còn kéo dài, nhưng loạt bài trên Báo Người cao tuổi và cuộc đối thoại đã làm chính quyền đuối lí, phải chấm dứt. Kết quả có 68 nhà bị đập, 203 nhà đã có lệnh cưỡng chế phải hủy lệnh). Nhưng ông Nguyễn Văn Bổng, Chủ tịch UBND huyện tỏ ra hơn hẳn người tiền nhiệm: Ông Song năm lần cưỡng chế phá được 68 nhà dân, còn ông Bổng chỉ một ngày đã phá xong 73 nhà?


Sau khi Báo Người cao tuổi lên tiếng vụ đập phá nhà dân năm 2010, chỉ ra những sai phạm trên, nếu lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, tìm cách giải quyết thì chắc chắn không có vụ đập phá lần này. Song, chính quyền huyện Kỳ Anh vẫn không ý thức được việc đập phá nhà dân là trái pháp luật. Đề nghị các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc, làm rõ đúng sai qua hai lần đập phá nhà dân ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Người dân vẫn bức xúc khiếu kiện vụ đập phá lần trước vì chưa được giải quyết dứt điểm.


Trần Mỹ & nhóm PV

Nguoicaotuoi

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP