UBND tỉnh Nghệ An vừa có quyết định số 3294/QĐ-UBND về việc uỷ quyền quyết định đầu tư các dự án sử dụng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An uỷ quyền cho Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã ở Nghệ An được quyết định đầu tư các dự án nhóm C thuộc phạm vi minh quản lý (trừ dự án do cơ quan cấp tỉnh làm chủ đầu tư) sử dụng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia dưới 15 tỷ đồng.
Thời hạn uỷ quyền đến hết ngày 31/12/2025 hoặc cho đến khi có văn bản quy định mới của người có thẩm quyền về nội dung uỷ quyền.
Một góc TP. Vinh (Nghệ An). Ảnh: Văn Dũng |
UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu việc lựa chọn danh mục dự án, quy mô dự án và lồng ghép các nguồn vốn (nếu có) phải đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả và đúng hướng dẫn thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia của cấp trên và các quy định pháp luật liên quan, không để xảy ra trình trạng công trình dở dang, nợ đọng trong đầu tư công và phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Ngoài ra, đối với dự án có công trình cấp II trở lên, trước khi phê duyệt dự án phải có ý kiến của cơ quan chuyên môn về xây dựng cấp tỉnh bằng văn bản.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; quản lý chất lượng công trình; thẩm định, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành theo đúng quy định pháp luật hiện hành; chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh về các nội dung được ủy quyền.
Trong vòng 7 ngày kể từ ngày ban hành các quyết định liên quan, người được ủy quyền phải gửi các quyết định đến UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan chủ quản chương trình.
Được biết, giai đoạn 2021 - 2025, tổng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh Nghệ An thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia gồm: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói, giảm nghèo bền vững là hơn 4.931 tỷ đồng.
Nghệ An có số lượng dự án và đối tượng thụ hưởng lớn như: Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai 9 dự án thành phần, với 708 dự án chi tiết; Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững triển khai 2 dự án thành phần, với 48 dự án chi tiết; Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai tại 411 xã, với 988 dự án chi tiết.
Riêng năm 2022, Nghệ An được phân bổ hơn 1.295 tỷ đồng để thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia cho 977 dự án, trong đó, có 156 dự án trả nợ và chuyển tiếp (Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững 3 dự án, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới 153 dự án; 785 dự án khởi công mới có tổng mức đầu tư dự kiến dưới 15 tỷ đồng (Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 296 dự án, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững 22 dự án, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới 467 dự án).
Có 35 dự án khởi công mới có tổng mức đầu tư dự kiến trên 15 tỷ đồng và dưới 100 tỷ đồng (Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 19 dự án, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững 14 dự án, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới 2 dự án). Dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng có 1 dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Căn cứ vào số lượng dự án được bố trí theo tổng mức đầu tư thì các dự án khởi công mới có tổng mức đầu tư dự kiến dưới 15 tỷ đồng chiếm số lượng lớn với 785 dự án. Như vậy, Quyết định ủy quyền trên của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An với quan điểm phân cấp, phân quyền sẽ tạo điều kiện chủ động; đồng thời, gắn trách nhiệm cao hơn cho Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã trong giải ngân vốn đầu tư công các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Tác giả: Văn Dũng
Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư