Công văn gửi Chủ tịch UBND các xã – thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, phòng, ban, đơn vị; Chủ các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ; Cơ sở kinh doanh karaoke, ăn uống trên địa bàn huyện, có nội dung:
“Để góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đặc biệt là ưu tiên sử dụng các sản phẩm Bia Sài Gòn sản xuất tại Hà Tĩnh, nước khoáng Sơn Kim được tiêu thụ trên địa bàn huyện Kỳ Anh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Anh yêu cầu:
1.Thủ trưởng các cơ quan, phòng, ban, đơn vị, UBND các xã – thị trấn: Trong các cuộc Hội thảo, hội nghị, tiếp khách theo quy định phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, đồ uống sản xuất trong tỉnh như: bia Sài Gòn của Nhà máy Bia Sài Gòn – Hà Tĩnh, nước khoáng Sơn Kim… và các sản phẩm khác được sản xuất trên địa bàn tỉnh.
2.Chủ các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh karaoke, sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn huyện Kỳ Anh ưu tiên giới thiệu, mời gọi và khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm bia Sài Gòn sản xuất tại Hà Tĩnh như: bia lon Sài Sòn 333, bia chai Sài Gòn Lager, Expor…; nước khoáng Sơn Kim tại cơ sở kinh doanh nhằm quảng bá hình ảnh, sản phẩm của Hà Tĩnh đến với người tiêu dùng.
Yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc”.
Công văn của Chủ tịch huyện Kỳ Anh trên trang thông tin điện tử của huyện. |
Đọc công văn, nhiều người dân, doanh nghiệp tỏ ra bất ngờ, “choáng” vì nội dung công văn “lạ” của ông Chủ tịch UBND huyện.
Ông Nguyễn Văn T, chủ một cơ sở kinh doanh bia rượu, hàng tạp hóa trên địa bàn thị trấn Kỳ Anh nói: “Từ trước đến nay, do nhu cầu đa dạng của khách hàng, tôi nhập về rất nhiều chủng loại bia như Hà Nội, Huda, Tiger, Heineken…và nhiều hãng nước khoáng khác nhau. Nay ông Chủ tịch buộc các cơ quan, khách sạn, nhà hàng ưu tiên sử dụng bia Sài Gòn và nước khoáng Sơn Kim, thì chẳng khác gì đẩy chúng tôi vào phá sản”.
“Nhu cầu uống bia của khách rất đa dạng, thông tin bây giờ cũng rất phổ biến, nếu chúng tôi chỉ ưu tiên giới thiệu và bán bia Sài Gòn cho khách hàng, thì sẽ bị phản ứng, tẩy chay”…, Hoàng Văn H,, một chủ quán nhậu trên địa bàn thị trấn Kỳ Anh bức xúc.
Theo qui luật thị trường, tự do cạnh tranh, tự do kinh doanh, thì công văn của ông Chủ tịch UBND huyện đã đi ngược lại với những qui luật nói trên, tạo điều kiện cho một số DN độc quyền và cạnh tranh bất bình đẳng với DN khác, có tính chất cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm.
Nếu địa phương nào cũng làm theo cách của ông Chủ tịch huyện Kỳ Anh, thì thị trường sẽ rối loạn, và sản phẩm của Hà Tĩnh cũng sẽ không có cơ hội tiêu thụ tại các địa phương khác.
Mục đích của công văn nói trên, theo ông Chủ tịch huyện là “để góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Vậy trong tư duy của ông, bia Hà Nội, Huda, Vida…không phải là “hàng Việt Nam”?!
Công văn của ông Chủ tịch huyện cũng đi ngược lại với quyền tự do của công dân trong việc lựa chọn những hàng hóa mình ưa thích. Thị trường càng đa dạng, phong phú, thì người dân càng có nhiều cơ hội lựa chọn. Trong trường hợp này, các cơ quan, công sở…đều là khách hàng, bình đẳng với mọi khách hàng khác, không ai có quyền yêu cầu họ lựa chọn mặt hàng này hoặc mặt hàng kia. Do đó, Công văn của ông Chủ tịch huyện đã lạm quyền, đi ngược lại với xu hướng cởi mở và hội nhập hiện nay.
Chủ tịch UBND huyện là công chức Nhà nước, theo qui định của pháp luật, không được phép sử dụng quyền lực và ảnh hưởng để làm những điều ngoài nhiệm vụ, công vụ của bản thân.
Một số doanh nghiệp nêu ý kiến: Với một văn bản vô lí và ngược đời và lạm quyền như vậy, nhưng không hiểu sao chưa bị cơ quan nào tuýt còi? Trong trường hợp này, chúng tôi thành thật khuyên ông Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh nên bỏ chút thời gian đọc thêm các văn bản pháp luật, để hiểu được những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động xã hội, chính trị cũng như kinh doanh.
Đặng Sơn – Hồng Lĩnh