Đối tượng Nghĩa bị bắt sau 4 năm truy nã |
Vô ơn, dẫn đến phạm tội
Sáng 22/6, Thượng tá Kiều Văn Vương - Phó trưởng Công an quận Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận đối tượng Văn Trọng Nghĩa (SN 1980, ngụ quận Hải Châu) từ đội Truy nã – Truy tìm thuộc phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP. Đà Nẵng). Trước đó, Nghĩa bị cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an quận Ngũ Hành Sơn khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Sau đó, Nghĩa bỏ trốn khỏi nơi cư trú và bị truy nã đặc biệt trên toàn quốc.
Nghĩa từng làm ăn thua lỗ, nợ nần. Cha mẹ giúp đỡ Nghĩa rất nhiều trong việc chi trả nợ nần. Tuy nhiên, số tiền mà Nghĩa vay mượn vẫn còn khá lớn. Trong khoảng thời gian này, Nghĩa nảy sinh ý định làm sổ đỏ giả mảnh đất của cha mẹ đã xây phòng trọ cho thuê ở phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) để bán lấy tiền. Nghĩa lên mạng, tìm được nhóm đối tượng rao “làm sổ đỏ giá rẻ”. Liên hệ, Nghĩa đồng thuận làm giả sổ đỏ cùng một số giấy tờ khác liên quan đến mảnh đất này với giá 12 triệu đồng. Sau đó, Nghĩa nhận sổ đỏ và các giấy tờ liên quan thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Tuy nhiên, các loại giấy tờ khác bị sai tên nên Nghĩa chỉ đồng ý lấy sổ đỏ giả giá 7 triệu đồng.
Cầm sổ đỏ giả trong tay, Nghĩa tìm người cho vay tiền. Tháng 6/2016, Thông qua nhiều người, Nghĩa làm quen được chị Trần Thị N. (SN 1977, ngụ quận Sơn Trà). Khi gặp, Nghĩa đưa tờ sổ đỏ giả ra cho chị N. xem và bảo, thửa đất này đã làm nhà nhưng chưa bổ sung tài sản gắn liền trên đất. Gã ngỏ ý muốn vay 250 triệu đồng bằng cách thế chấp sổ đỏ giả. Chị N. không hề biết đây là sổ đỏ giả nên đồng thuận nhưng yêu cầu Nghĩa phải ra phòng công chứng làm hợp đồng thế chấp sổ đỏ. Sợ bị bại lộ, Nghĩa liền viện cớ, vợ không cho lấy sổ đỏ vay tiền nên không thể làm hợp đồng công chứng.
Để tạo lòng tin, Nghĩa bảo: “Tôi dẫn chị đến khu trọ để chứng thực”. Chị N. theo Nghĩa đến dãy trọ. Nghĩa vào một phòng, đứng trò chuyện. Thấy người trong dãy trọ nói Nghĩa là người trong gia đình chủ trọ nên chấp thuận cho vay và giữ sổ đỏ thế chấp. Nghĩa viết giấy nhận vay 250 triệu đồng bằng hình thức đặt cọc mua bán nhà. Gã trích 50 triệu đồng trả nợ và lãi 2 tháng cho chị N.. Đến ngày 3/9/2016, Nghĩa cần tiền, nên đề cập muốn bán khu đất này với giá 4,25 tỷ đồng và được chị N. đồng ý. Nghĩa viết giấy nhận cọc 500 triệu đồng, trong đó có cả số tiền đã lấy trước đó. Chị N. đưa 250 triệu đồng còn lại cho Nghĩa. Sau khi nhận tiền, Nghĩa xé bỏ giấy cọc.
Bị bắt sau 4 năm trốn nã
Ngày 5/9/2016, chị N. mang sổ đỏ đến chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận Ngũ Hành Sơn làm thủ tục chuyển đổi tên trong sổ đỏ và bổ sung tài sản trên đất. Chị hoảng hốt khi cán bộ kiểm tra hồ sơ gốc đang lưu trữ cho biết, thửa đất này được cấp sổ đỏ cho cha mẹ của Nghĩa và đang được ông bà thế chấp vay vốn tại ngân hàng. Chị N. nhận ra bị Nghĩa lừa nên viết đơn trình báo cơ quan CSĐT, Công an quận Ngũ Hành Sơn.
Điều tra viên mời Nghĩa lên làm việc. Tại cơ quan CSĐT, Nghĩa thừa nhận đã làm sổ đỏ, lừa bán đất, lấy tiền của chị N.. Số tiền nhận được, gã trả nợ, tiêu xài cá nhân, chỉ còn 20 triệu đồng. Công an tạm giữ số tiền này và trao trả lại cho nạn nhân. Sau đó, cơ quan CSĐT Công an quận Ngũ Hành Sơn khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nghĩa. Biết được điều này, Nghĩa bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
Theo một điều tra viên, trong quá trình bỏ trốn, Nghĩa đi nhiều nơi, làm thuê mưu sinh. Gần 4 năm trôi qua, Nghĩa nghĩ rằng, mọi chuyện đã lắng xuống nên quay trở về TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, Nghĩa không hề biết, vụ việc mình lừa đảo vẫn nằm trong “sổ đen” và cơ quan chức năng đang truy lùng. Vào tối 12/6, trinh sát nhận được thông tin, nhìn thấy Nghĩa xuất hiện tại khu vực đường Nguyễn Văn Thoại (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn).
Ngay lập tức, các trinh sát xác nhận, tiếp cận và bắt giữ. Khi tra tay vào còng, Nghĩa bảo: “Các anh bắt lầm người rồi! Tôi là công dân bình thường, không phạm tội”. Tuy nhiên, sau đó, Nghĩa thừa nhận mình chính là đối tượng đang bị truy nã và đã quá mệt mỏi vì phải sống ngoài vòng pháp luật.
Cẩn trọng khi mua bán đất đai Thượng tá Kiều Văn Vương chia sẻ, thực tế, tình trạng làm sổ đỏ giả đã xuất hiện từ lâu và công nghệ in ấn ngày càng phát triển nên khả năng nhận biết bằng mắt thường rất khó. Nhằm giảm thiểu rủi ro và kịp thời ngăn chặn sổ đỏ giả, khi chuẩn bị thực hiện mua bán đất và các tài sản gắn liền trên đất, người mua nên chủ động mang bản copy của sổ đỏ lên văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện xác thực tính pháp lý của cuốn sổ trước khi đến văn phòng công chứng để làm hợp đồng mua bán. |
Tác giả: Huy Cường
Nguồn tin: doisongphapluat.com