Báo chí Nga hôm qua dẫn lời Phát ngôn viên Đại sứ quán Nga tại Kabul Nikita Ishchenko cho biết Tổng thống Ashraf Ghani được hộ tống ra sân bay rời đất nước hôm 15/8 trên những chiếc xe chở đầy tiền mặt.
Theo phát ngôn viên Ishchenko, ông Ghani đã “chạy trốn khỏi Afghanistan” với “4 chiếc ô tô chứa đầy tiền mặt, cố gắng đặt thêm tiền lên một chiếc trực thăng nhưng sau đó không vừa”. Số tiền còn lại bị vứt ngay trên đường băng.
Đặc phái viên của Tổng thống Nga về Afghanistan, Giám đốc Vụ châu Á II Bộ Ngoại giao Nga, ông Zamir Kabulov, trước đó cho biết, không rõ ông Ghani đã để lại bao nhiêu tiền. Ông Kabulov bày tỏ hy vọng "chính quyền đã tháo chạy không lấy hết tiền từ ngân sách quốc gia".
Hiện vẫn chưa rõ Tổng thống Afghanistan đã đi đâu. Một số nguồn tin của CNN khẳng định ông Ghani rời khỏi thủ đô Kabul sang Tajikistan. Nhưng một nguồn tin khác nói Tajikistan không phải là điểm đến cuối cùng của Tổng thống Afghanistan.
Ashraf Ghani - từ nhà tư tưởng hàng đầu tới tổng thống rời bỏ đất nước
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. Ảnh: AFP |
Ashraf Ghani là một cựu kỹ sư dành phần lớn sự nghiệp của mình bên ngoài Afghanistan, trước khi trở về giúp đất nước tái thiết sau nhiều năm chiến tranh.
Ông Ghani nhậm chức vào năm 2014 được mô tả là có "tầm nhìn xa trông rộng, nóng nảy, hàn lâm và đòi hỏi quá mức" nhưng cũng gây chú ý chính vì tính khí nóng nảy.
Tuy nhiên, 5 năm sau, với quá khứ liên quan đến những cáo buộc gian lận trong cuộc bỏ phiếu năm 2014 vẫn còn in đậm trong tâm trí người Afghanistan, danh tiếng của ông Ghani bị lu mờ hơn một chút.
Thời gian tại vị của Ghani được đánh dấu bằng một liên minh không dễ dàng với giám đốc điều hành và đối thủ chính của ông cho vị trí cao nhất, Abdullah Abdullah.
Là một thành viên của cộng đồng người Pashtun chiếm đa số đất nước, ông Ghani nhậm chức khi hầu hết quân đội nước ngoài đã rời đi vào năm 2014.
Nhưng kể từ đó, Taliban đã mở rộng sự hiện diện của họ, làm xói mòn quyền lực của chính quyền Kabul trên khắp đất nước - làm suy yếu quyền lực của Ghani.
Ông bị gạt ra khỏi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Taliban, trước khi các cuộc đàm phán bị đình chỉ vào đầu tháng này.
Ghani đã đưa ra một số chính sách chống tham nhũng nhưng chúng dường như không đạt được nhiều tiến bộ. Đầu tháng 9, Mỹ cho biết họ sẽ rút khoảng 100 triệu USD đầu tư cho một dự án năng lượng, với lý do mức độ tham nhũng cao không thể chấp nhận được trong chính phủ Afghanistan.
Ashraf Ghani ban đầu nổi tiếng ở Afghanistan khi điều hành Đại Hội đồng các bộ lạc (Loya Jirga) sau khi Taliban sụp đổ vào năm 2001.
Trước đây, Ghani từng là một học giả ở Mỹ và làm việc cho Ngân hàng Thế giới. Là một nhà nhân chủng học được đào tạo tại Mỹ, ông Ghani nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Columbia ở New York và được tạp chí Foreign Policy vinh danh là một trong "100 nhà tư tưởng có tầm ảnh hưởng toàn cầu" vào năm 2010.
Là đồng minh thân cận của Tổng thống lúc bây giờ là Hamid Karzai, Ghani được bổ nhiệm làm bộ trưởng tài chính vào năm 2002. Sau khi thất bại cùng liên minh Tổng thống Karzai vào năm 2004, Ghani được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Đại học Kabul, nơi ông được coi là một nhà cải cách hiệu quả.
Ghani đắc cử lần đầu tiên vào năm 2014, tiếp quản ghế tổng thống từ người tiền nhiệm Hamid Karzai. Ghani coi nỗ lực chấm dứt hàng thập niên chiến tranh tại Afghanistan là ưu tiên hàng đầu, bất chấp việc Taliban liên tục tấn công chính phủ và lực lượng an ninh của chính quyền Afghanistan. Ông Ghani cũng khởi động các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban ở thủ đô Doha của Qatar vào năm 2020. Tuy nhiên, Ghani chưa bao giờ được Taliban chấp nhận và các cuộc đàm phán hòa bình đạt được rất ít tiến triển.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và quyền Bộ trưởng Quốc phòng Bismillah Khan Mohammadi thăm quân đoàn ở Kabul, Afghanistan ngày 14/8/2021. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Ghani đã rời khỏi Afghanistan ngay sau khi quân Taliban tiến vào Kabul. Ông tuyên bố từ chức, với lời bào chữa đó là giải pháp giúp Afghanistan "tránh đổ máu". Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích Ghani là vô trách nhiệm, không yêu nước và lừa dối người dân khi chọn cách chạy khỏi Afghanistan.
"Cựu tổng thống Afghanistan đã rời khỏi Afghanistan. Ông ấy đã bỏ lại đất nước trong tình trạng này và thần thánh sẽ bắt ông ấy phải đền tội", Abdullah Abdullah, chủ tịch Hội đồng cấp cao về Hòa giải quốc gia Afghanistan, viết tài khoản mạng xã hội Facebook hôm 15/8.
Tác giả: Song Long
Nguồn tin: saostar.vn