Cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 1) có tổng đầu tư gần 120.000 tỷ đồng, trong đó có 8 dự án thành phần theo hình thức đối tác công - tư (PPP) |
“Được miếng nào hay miếng đó!”
Một lãnh đạo PMU thuộc Bộ GTVT đề nghị ẩn danh đã nói với PLVN như vậy khi được hỏi về khối lượng công việc mà Ban này được phân công trước giờ khởi công siêu Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020.
Hàm ý của câu nói trên là trong bối cảnh “đói việc” như hiện nay, Bộ giao cho dự án nào triển khai, có thêm công ăn việc làm và từ đó có nguồn để trả lương cho người lao động là điều tốt.
Từ thực tế này có thể hiểu, quyền phân chia công việc là ở Bộ GTVT; cụ thể, xuất phát từ ý kiến tham mưu của các Vụ Đối tác công - tư (đối với Dự án BOT) và Vụ Kế hoạch - Đầu tư (đối với các dự án vốn trái phiếu). Các PMU trong trường hợp này có thể hiểu là đơn vị được “cho” công việc quản lý dự án.
Vậy, để có việc làm tại các dự án, liệu họ có phải đi “xin”?
Về vấn đề này, lãnh đạo một Ban được coi là lớn của Bộ GTVT giải thích: “Tôi nghĩ, Bộ căn cứ vào 3 điều kiện sau đây để giao số lượng dự án cho các Ban quản lý: đầu tiên là quy mô Ban, tức số lượng cán bộ nhân viên người lao động; kế đó, là mức độ hoàn thành công việc của Ban đó trong những năm gần đây và cuối cùng là tôn trọng tính kế thừa trong quá trình chuẩn bị dự án, có nghĩa Ban nào trước đây đã chủ trì chuẩn bị dự án thì nay, khi thực hiện sẽ vẫn tiếp tục”.
Được biết, Dự án cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông, trước do PMU 6 và PMU 1 (nay hợp nhất vào PMU Thăng Long) là 2 Ban chủ trì công tác chuẩn bị dự án, và trên thực tế đến khi có quyết định phân công công việc, thì PMU Thăng Long và PMU 6 cũng là hai trong số những Ban có số lượng dự án nhiều nhất, với tổng mức đầu tư lần lượt được giao làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là 34.274 tỷ đồng và 22.244 tỷ đồng.
PMU 6 và 7 là hai trong số những Ban được giao quản lý nhiều dự án có giá trị lớn trên cao tốc Bắc - Nam |
“Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”?
Nếu lấy tổng giá trị dự án mà các PMU đã được Bộ GTVT giao quản lý chia đều cho tổng số người lao động của từng Ban, thì câu tục ngữ trên dường như đang đúng. Bởi theo phép tính này, có PMU đạt con số hàng trăm tỷ đồng/người, nhưng cũng có ban chỉ vài chục tỷ đồng/người.
Sở dĩ các PMU đặc biệt quan tâm tới vấn đề trên là vì nguồn việc làm đang rất khan hiếm, trong khi 1 - 2 năm gần đây, không thấy một dự án lớn nào được ngành Giao thông triển khai. Vì thế, không ít Ban phải chạy đôn, chạy đáo tìm việc, thậm chí phải đi quản lý thuê dự án bên ngoài.
“Nếu không có gì sáng sủa hơn, thì tới tháng 6 này, Ban đang lo là không có nguồn để trả lương cho cán bộ. Đến lúc đó, chắc phải tính tới chuyện cho nghỉ việc luân phiên thôi...”, một cán bộ PMU thuộc Bộ GTVT nêu thực trạng.
Vì thế, hơn bao giờ hết, hai chữ “công bằng” đang được người lao động tại các PMU rất quan tâm, bởi phía sau đó là nồi cơm, là cuộc sống của nhiều gia đình.
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với PLVN, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật - người thay mặt lãnh đạo Bộ phụ trách chung Dự án cao tốc Bắc - Nam khẳng định “việc này Bộ đã làm rất kỹ”; đồng thời giới thiệu phóng viên liên hệ lãnh đạo Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT) - đơn vị tham mưa, đề xuất việc phân chia các dự án trên cao tốc Bắc - Nam - để biết thêm chi tiết, nhưng đến nay Vụ này vẫn chưa lên tiếng, dù PLVN đã liên lạc theo giới thiệu của Thứ trưởng Nguyễn Nhật.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, xây dựng giai đoạn 2017 - 2020, gồm các đoạn: Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế) và Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) có tổng chiều dài 654 km, với tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng (vốn nhà nước 55.000 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư 63.716 tỷ đồng).
Đây là dự án quan trọng trong việc góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho các địa phương và cả nước nói chung. Đặc biệt, đoạn Cao Bồ - Bãi Vọt khi đưa vào khai thác sẽ góp phần đẩy nhanh việc hoàn thành tuyến cao tốc quốc tế Hà Nội - Viêng Chăn (Lào).
Tác giả: Vũ Lanh
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam