Em trai thân mến,
Chị vừa thấy em check-in ở quán bar quen thuộc, với bộ cánh trông vô cùng bắt mắt, sành điệu mà nói theo ngôn ngữ của lớp trẻ tụi em là rất “show-off”. Chị biết, em trai của chị vẫn luôn bảo lưu quan điểm diện mạo quyết định thành công. Dù chưa kiếm ra tiền nhưng em vẫn luôn phấn đấu để trở thành một chàng trai toàn diện: Sáng diện, trưa diện, tối diện.
Dĩ nhiên đó là sở thích của em, chị sẽ không can thiệp chừng nào nhà mình vẫn còn điều kiện cho em ăn diện. Nhưng hôm qua, chị rất buồn khi nghe em bình phẩm về một bạn nữ qua điện thoại. Em nói người ta đi xe số, ăn mặc quê mùa, cố tình tiếp cận em để “đào mỏ”. Trong khi theo tìm hiểu, chị được biết cô bé là bí thư lớp, liên hệ với em chỉ để thông báo chuyển lịch học Giáo dục thể chất.
Thật thiếu khôn ngoan và nguy hiểm khi dùng những thứ của cải, vật chất làm thước đo đánh giá một con người.
Thời buổi đất chật người đông, Thạch Sanh mới hiếm chứ Lý Thông giả danh Thạch Sanh thì ở đâu chẳng có. Nếu chăm chỉ đọc báo, em sẽ thấy ngoài kia không thiếu những kẻ lợi dụng vẻ hào nhoáng bên ngoài để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác.
Điển hình như vụ lừa đảo gây bức xúc cho người dân địa phương nhiều tháng nay do Nguyễn Thị Bình – nguyên cán bộ Thanh tra thuộc tỉnh Hòa Bình gây ra.
Đối tượng Nguyễn Thị Bình. Ảnh: C.Công
Theo Thông tin điều tra ban đầu, từ năm 2013 đến tháng 10/2016, người phụ nữ đã hứa hẹn “chạy việc” rồi nhận tiền của 91 người ở địa bàn tỉnh Hòa Bình và nhiều địa phương khác, với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng.
Ngoài cái mác cán bộ phòng chống tham nhũng, Bình còn tạo “thương hiệu cá nhân” bằng cách đeo nhiều đồ trang sức đắt tiền, xài quần áo, túi xách hàng hiệu, có xế hộp hạng sang đưa đón… Cá nhân chị cho rằng, với một vẻ bề ngoài “lấp lánh” như thế, Bình không gặp phải bất cứ trở ngại nào khi thuyết phục gần 100 người có nhu cầu tìm việc làm nộp tiền cho ả, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao ở nhóm thanh niên và lao động có trình độ cao hiện nay.
Đọc thông tin về vụ việc này, chị chợt nhớ đến hình ảnh của cặp vợ chồng tỷ phú bị người ta tưởng nhầm là ăn xin vì có thói quen đi về các vùng quê như Sơn Tây, Đan Phượng, Hoài Đức… mót lúa. Họ làm cái việc ít người còn nghĩ đến để dạy cho con cháu bài học quý trọng hạt gạo.
Em thấy đấy: Người mặc hàng hiệu, đi xe sang chưa chắc đã giàu có và đáng tin tưởng. Người đi mót lúa sau mỗi vụ mùa chưa chắc đã đói khổ và đáng thương hại. Vội vàng phán xét người khác sẽ dẫn đến những quyết định sai lầm và đôi khi, khiến em bỏ lỡ cơ hội thay đổi cuộc đời.
Bởi lẽ, có những người trông rất bình thường nhưng không hề tầm thường đâu em.
Hà Nội, tháng 3 năm 2017
Chị của em
Diên Anh