Tổng Bí thư Lê Duẩn nói chuyện với cán bộ, công nhân Nông trường Tây Hiếu, tỉnh Nghệ Tĩnh (22/4/1979). Ảnh: Văn Bảo/TTXVN
Bởi xã Cẩm Duệ huyện Cẩm Xuyên là quê gốc của Tổng Bí thư và công trình Đại thủy nông Kẻ Gỗ nằm trên địa bàn Cẩm Xuyên cũng là địa chỉ để lại những dấu ấn sâu đậm khi ông về thăm và chỉ đạo khai thác, vận hành. Trước đó, trong những năm 1937 – 1939, đồng chí Lê Duẩn là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ nên có điều kiện hiểu sâu hơn về quê hương và con người Cẩm Xuyên. Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1965 – 1968) của Đế quốc Mỹ vừa kết thúc, đầu năm 1969, đồng chí Lê Duẩn đã về thăm Hà Tĩnh, thăm hỏi bộ đội, thanh niên xung phong và người dân vùng Ngã ba Đồng Lộc, nơi “túi bom” của giặc trong suốt bốn năm; về Cẩm Xuyên và đi thực tế một số địa phương, đơn vị trong tỉnh.
Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Lê Duẩn rất quan tâm tới Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh nói chung và có tình cảm đặc biệt với Cẩm Xuyên, thể hiện qua những lần về thăm, làm việc với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Người dân huyện Cẩm Xuyên đã lập Đền thờ Tổng Bí thư giữa lòng hồ Kẻ Gỗ như lời nhắn nhủ với thế hệ mai sau về những công lao to lớn của ông đối với mảnh đất này.
Thông cầu vào đền thờ Tổng Bí thư Lê Duẩn tại hồ Kẻ Gỗ tại Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Ảnh: Phan Quân/TTXVN
Đến với quê hương Cẩm Xuyên trong những tháng năm lịch sử này, nhìn cánh đồng lúa đang thì con gái trải dài xanh mượt bên những dòng kênh dài thẳng tắp mang theo dòng nước trong xanh của hồ Kẻ Gỗ tưới mát cho đồng quê khiến mọi người lại nhớ thêm những công lao, dấu ấn của Tổng Bí thư đã chỉ đạo vun đắp cho mảnh đất này thêm giàu đẹp, sung túc.
Khắc ghi lời dạy của Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đảng bộ và nhân dân huyện Cẩm Xuyên không ngừng vươn lên phát triển kinh tế, đi đầu trong các phong trào, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng vườn mẫu. Thành quả công sức của nhân dân huyện là những đường làng được bê tông hóa khang trang, sạch sẽ với những ruộng, vườn quy hoạch xây dựng theo chương trình nông thôn mới.
Hiện, huyện Cẩm Xuyên có 7/25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, toàn huyện hoàn thành thêm 63 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 9 tiêu chí. Riêng trong năm 2016, huyện Cẩm Xuyên thành lập mới 178 mô hình sản xuất, trong đó có 36 mô hình lớn, 19 mô hình vừa. Phong trào xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, giải phóng hành lang giao thông, xóa bỏ vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu được phát động mạnh mẽ, nhân dân tích cực hưởng ứng. Nhờ vậy, huyện đã có thêm 7 khu dân cư đạt tiêu chí quy định và 277 vườn được xây dựng theo tiêu chuẩn vườn mẫu; tiêu biểu như xã Cẩm Bình, Cẩm Thành, Cẩm Huy, Cẩm Nam, Cẩm Yên trở thành những đơn vị tiên phong đi đầu trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Trên bước đường đổi mới, huyện Cẩm Xuyên từng bước đưa công nghiệp hóa, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, sản lượng cho cây trồng, vật nuôi. Năm nay huyện phấn đấu đạt tổng giá trị sản xuất đạt 5.726 tỷ đồng; sản lượng lương thực đạt trên 10 vạn tấn; giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích canh tác đạt 90 triệu đồng/ha/năm; cơ cấu giá trị sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp là 41,13%; công nghiệp – xây dựng 24,98%; thương mại – dịch vụ – du lịch là 33,89%.
Ông Đặng Quốc Cương, Bí thư huyện ủy Cẩm Xuyên cho biết: Huyện triển khai phát triển kinh tế cả ba vùng đó là vùng bán sơn địa, vùng đồng bằng và vùng ven biển; tiếp tục xây dựng huyện, xã nông thôn mới gắn với Đề án tái cơ cấu nông nghiệp nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của cả 3 vùng sinh thái cho phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, huyện tập trung khắc phục sự cố môi trường biển, khôi phục sản xuất kinh doanh ổn định sinh kế cho nhân dân, tiếp tục phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế và bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Với mục tiêu đó, tất cả 25 xã, thị trấn phát động chiến dịch thi đua làm các công trình phúc lợi, hệ thống kênh mương nội đồng, giao thông thiết thực chào mừng ngày sinh Tổng Bí thư và ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước.
Từ một địa phương thuần túy về nông nghiệp, đến nay Cẩm Xuyên chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh dịch vụ thương mại, du lịch với những điểm đến hấp dẫn như: Biển Thiên Cầm, hồ Kẻ Gỗ, khu lưu niệm Tổng bí thư Hà Huy Tập. Bên cạnh đó, Cẩm Xuyên quy hoạch các tiểu thu công nghiệp, thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người huyện đạt 32 triệu đồng/người/năm, thu ngân sách đạt trên 153 tỷ đồng; tổng giá trị đầu tư toàn xã hội trên 1.000 tỷ đồng. Trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, trong năm nay huyện Cẩm Xuyên phấn đấu có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới; các xã khác đạt tối thiểu 12 tiêu chí; thành lập mới mỗi xã ít nhất 1 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã và 10 tổ hợp tác.
Từ một huyện nghèo, Cẩm Xuyên đã trở thành đơn vị vững mạnh toàn diện, dẫn đầu phong trào toàn tỉnh, tiến lên thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương. Cẩm Xuyên vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Toàn huyện có 25 xã, thị trấn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, 4 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Tác giả: Công Tường/TTXVN
Nguồn: baotintuc.vn