Tình trạng “oái oăm” này đã tồn tại nhiều năm nay và chưa biết bao giờ mới chấm dứt.
Bơi vào bờ làm thủ tục
4h chiều, những chiếc thuyền, tàu cá của ngư dân lần lượt hướng về trạm kiểm soát biên phòng Cửa Nhượng. Cách bờ chừng 300 -400 mét, những chiếc tàu đánh cá bắt đầu tắt máy, giảm tốc tốc độ trước khi dừng hẳn ở vị trí cách trạm chừng hơn 100m. Từ đây, để có thể lên bờ, vào Trạm kiểm soát biên phòng Cửa Nhượng làm thủ tục xuất bến, nhiều ngư dân chọn cách lao xuống lạch, một tay cầm cuốn sổ giơ lên cao, cẩn thận bơi vào bờ để làm sao cuốn sổ không bị ướt. Một số ngư dân cẩn thận hơn dùng túi ni lông bọc kín cuốn sổ nhật trình trước khi bơi.
Anh Nguyễn Văn Trung, ngư dân xã Cẩm Lộc áo quần ướt nhèm, đang rét run bần bật sau khi bơi dưới dòng nước lạnh, cho biết: “Thuyền bọn em không có thúng, vả lại có thúng cũng phải bỏ lên, bỏ xuống phức tạp nên lội xuống nước bơi cho nó nhanh”. Anh Trung nói thêm, việc bơi trong làn nước lạnh vào bờ để biên phòng dấu xác nhận để ra khơi hết sức bất tiện, nhưng không có cách nào hơn. “Khốn khổ và bất tiện không nói hết. Nhưng cầu tàu không có, nên mưa nắng, gió bão chi cũng đành phải bơi thôi ” – anh Trung vừa run vừa nói.
Kiến nghị mãi chỉ là… kiến nghị!
Thường xuyên tiếp xúc, làm nhiệm vụ kiểm soát tàu thuyền của bà con ngư dân ra khơi, Thiếu tá Bùi Việt Dũng – Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa Nhượng – quá hiều nỗi khổ của ngư dân khi ra vào làm thủ tục.
Cũng theo Thiếu tá Dũng, việc thiếu cầu tàu không chỉ khiến hàng ngàn ngư dân gặp khó khăn, bất trắc, mà còn gây ảnh hưởng đến công việc của đồn trong việc kiểm soát tàu thuyền ra vào. “Trong hoàn cảnh nào trạm kiểm soát của chúng tôi cũng phải hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát số lượng tàu thuyền của bà con ngư dân ra vào lạch. Nhiều hôm ngư dân gặp khó, sóng đánh thuyền không vào được, anh em phải bơi ra làm thủ tục. Bơi ra bơi vào chỉ sơ sảy cái ướt ngay sổ của ngư dân”- thiếu tá Dũng nói thêm.
Theo thiếu tá Dũng, Đồn biên phòng Cửa Nhượng và Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều lần có ý kiến với UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị đầu tư xây cầu tàu tại lạch Cửa Nhượng để chấm dứt thực trạng khốn khổ nêu trên cho người dân. “Đề xuất nhiều lần rồi, đã có nhiều đoàn về đo đạc, tính toán xây cầu tàu rồi, vậy mà đến giờ vẫn chưa thấy cầu tàu đâu”- thiếu tá Dũng nói.
Làm việc với PV Dân trí, ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên cũng rất chia sẻ khi nói về chuyện đi lại làm thủ tục bất tiện, khổ sở của ngư dân 10 xã đi qua lạch Cửa Nhượng. “Tất cả gần 1.000 tàu thuyền đánh cá của ngư dân 10 xã trong huyện đều đi qua lạch Cửa Nhượng này. Đúng là bà con gặp quá nhiều khó khăn, bất trắc mỗi khi làm thủ tục xuất bến”- ông Hà nói.
Theo ông Hà, xây dựng cầu tàu tạo điều kiện cho ngư dân ra vào lạch Cửa Nhượng làm thủ tục trở thành một ấn đề cấp thiết nên năm nào họp hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên đều đưa ra kiến nghị. “Ít nhất đã qua 3 kỳ hội đồng nhân dân gần nhất huyện Cẩm Xuyên đưa ra kiến nghị xây cầu tàu cho ngư dân, đề án xây dựng cầu tàu cũng đã được huyện trình các cấp thẩm quyền xem xét. Nhưng đến nay các kiến nghị ấy vẫn chưa biết khi nào được thực hiện. Có ý kiến cho rằng, do vướng nghị quyết 11 nên tỉnh chưa phê duyệt dự án này” – ông Hà cho hay.
Văn Dũng – Huy Thái