Nhịp sống rạo rực, tràn trề trên vùng biển này không chỉ là những cánh buồm no gió cá nặng đầy khoang, không chỉ là những ngôi nhà san sát hồng tươi mái ngói mà còn là dòng chảy tha thiết của mạch nguồn truyền thống hiếu học được hình thành từ thưở ông cha. Và đến hôm nay lớp lớp cháu con của làng chài đã biết phát huy, khơi dậy sức mạnh truyền thống ấy vươn lên làm chủ tri thức, góp sức mình xây dựng quê hương đất nước.
Dẫu bước chân đã run, ánh mắt đã mờ nhưng khi nói về truyền thống, lòng hiếu học ở Nhượng Bạn những người cao niên nhất trong xã vẫn không dấu nổi niềm tự hào trong những câu chuyện kể. Rằng ngày xưa, Cẩm Nhượng từng được mệnh danh là đất Kinh kỳ. Ấy thế mà sự học nơi đây cũng một thời chìm nổi khi chế độ cũ với biết bao quy định hà khắc, khi người dân phải sống trong cảnh đói khổ lầm than. Con em ngư dân từ 7 đến 8 tuổi đã phải theo bố mẹ xuống thuyền để kiếm con tôm con cá…
Mãi đến năm 1922, trường học đầu tiên được thành lập trên đất này đã trở thành một bước ngoặt quan trọng trong sự học, sự phát triển của dân chài làng biển. Từng con chữ nghuệch ngoạc buổi đầu tiên đã trở thành món ăn tinh thần quý giá, làm sáng mắt sáng lòng của bà con.
Theo dòng thời gian, những vết tích của trường xưa lớp cũ đã nhạt nhòa nhưng trong sự biết ơn vô hạn, các thế hệ người dân ở Cẩm Nhượng vẫn tiếp tục kể cho con cháu nghe về tấm gương của những người thầy đầu tiên như: Lê Thị, Nguyễn Trọng Miễn, Nguyễn Tâm Huống, Trần Hữu Khẩn; Nguyễn Xuân Bính… những người đã dâng trọn tâm huyết của mình cho sự nghiệp, góp phần đào tạo nên thế hệ thanh niên tri thức đầu tiên cho Nhượng Bạn. Và cũng trong những tháng ngày thiếu thốn ấy, sự tận tụy của những người thầy cùng với ước mơ chinh phục những đỉnh cao kiến thức đã trở thành hành trang vững chắc để học sinh Cẩm Nhượng từng bước khẳng định mình trên con đường hướng tới tương lai. Để rồi những người con ưu tú như: Nguyễn Hy Vọng; Nguyễn Tâm Thưởng, Trần Quang Nhiếp; PGS-TS Trần Hữu Tuân; GS-TS Nguyễn Trọng Hiệu…. đã trở thành niềm tự hào, tấm gương sáng cho các thế hệ học sinh hôm nay noi theo.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, dẫu cuộc sống của người dân vẫn còn những nốt thăng trầm thế nhưng sự học trên vùng đất Cẩm Nhượng vẫn luôn được người dân và chính quyền quan tâm đặc biệt và đặt lên vị trí hàng đầu. Cùng với sự đầu tư của xã, bà con ở Cẩm Nhượng đã không tiếc sức người, sức của huy động nội lực với hàng tỷ đồng cùng hàng chục ngàn ngày công để góp phần xây dựng nên những ngôi trường khang trang với đầy đủ tiện nghi cho con cháu học hành. Và cũng không phụ sự kỳ vọng của lòng dân, các thế hệ thầy cô giáo cũng đã khắc phục mọi khó khăn bám trường bám lớp, không ngừng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ. Truyền thống của vùng đất học, nỗ lực của học sinh và tâm huyết của người thầy đã thực sự làm nên những mùa quả ngọt khi chất lượng mũi nhọn, chất lượng đại trà ở Cẩm Nhượng luôn nằm trong tốp dẫn đầu của huyện nhà.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến thời điểm hiện tại, Cẩm Nhượng đã có hơn 300 học sinh tốt nghiệp các trường đại học trong cả nước. Trong số đó đã có biết bao bác sỹ, kỹ sư, luật sư, giáo viên, các chuyên gia đầu ngành kinh tế, kỹ thuật… và đặc biệt là 14 GS – PGS – TS đang ngày đêm miệt mài góp sức lực và trí tuệ của mình cho sự phát triển của quê hương, đất nước.
Cùng chung khí thế với các phong trào thi đua dạy tốt học tốt trong mỗi nhà trường, ở địa phương, phong trào XHHGD, khuyến học khuyến tài cũng phát triển mạnh mẽ. Anh Nguyễn Sỹ Huyền – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã không dấu nổi niềm tự hào: “Ngoài việc huy động nội lực xây dựng CSVC cho các trường học, chúng tôi còn có 11 chi hội khuyến học tại 11 thôn với nguồn quỹ trung bình 10-15 triệu/chi hội( riêng chi hội Lâm Hoàn xây dựng được nguồn quỹ trên 30 triệu đồng) và 36 dòng họ khuyến học. Với việc kêu gọi tấm lòng từ bà con xa quê, nguồn đóng góp của các gia đình đến nay mỗi dòng họ có nguồn quỹ khuyến học bình quân 40 triệu đồng. Đặc biệt là dòng họ Nguyễn Văn có nguồn quỹ trên 100 triệu đồng, dòng họ này cũng đã trao thưởng 5 triệu đồng cho mỗi cháu khi đậu vào đại học”.
Sự động viên về vật chất, tinh thần ấy chính là món quà quý giá tiếp thêm nghị lực cho con cháu Cẩm Nhượng trên bước đường học tập.
Tạm biệt làng biển khi trời đã nhá nhem tối, lẫn trong tiếng sóng biển rì rào là tiếng trống khuyến học đang vang lên từng hồi dục giã nhắc nhở những cô cậu học trò đã đến giờ vào bàn học tập. Ngoài xa kia, ngọn Hải Đăng cũng bắt đầu nhấp nháy soi tỏ một vùng biển đêm, sưởi ấm cho những con tàu đang lặng lẽ ngoài khơi. Và trong những ngôi nhà nhỏ, ngọn đèn học, những ánh mắt chan chứa niềm hy vọng của các bậc phụ huynh vẫn thao thức cùng con cái trên mỗi trang sách vở. Một mùa xuân mới – mùa gieo những hạt mầm hy vọng đã trở về!
Thúy Ngọc
Báo Hà Tĩnh