Tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 16/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Thanh Hải - Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.
Ông Lê Thanh Hải bị kỷ luật do có hàng loạt sai phạm liên quan đến dự án khu đô thị Thủ Thiêm, dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ở các gói thầu, dự án do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).
Ông Hải sinh năm 1950, quê quán: Xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Trình lý luận chính trị: Cao cấp. Trình độ học vấn: Cử nhân Kinh tế, Cử nhân văn chương.
Ông nguyên là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương khoá IX, X; XI, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá X, XI; Bí thư Thành ủy TP.HCM (từ 7/2006 đến 10/2015). Tháng 3/2020, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Thanh Hải bằng hình thức Cách chức Bí thư Thành uỷ TP.HCM nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Ông Lê Thanh Hải. Ảnh: VOV |
Vụ án ở Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Kỳ họp thứ 41 (6-7/5/2024), ông Lê Thanh Hải đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo để nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng ở các dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát khiến nhiều tổ chức đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật, nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự.
Vụ án Vạn Thịnh Phát có thể được coi là vụ án có những sai phạm kỷ lục trong lịch sử tố tụng của Việt Nam cho đến nay với những vi phạm kéo dài hàng chục năm và một hệ thống ngân hàng hoạt động chỉ nhằm mục đích huy động vốn phục vụ cho hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hàng ngàn công ty con.
Bị cáo Trương Mỹ Lan - người đứng đầu hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Chinhphu.vn |
Những sai phạm mang tính hệ thống đều được chỉ đạo, điều hành bởi bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch của Vạn Thịnh Phát. Và trong số những bị can bị khởi tố điều tra trong vụ án này, phần lớn là thân tín, là những người giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan, tổng cộng là 86 bị can.
Và vụ án Vạn Thịnh Phát cũng xác lập những kỷ lục về số tiền sai phạm, số tiền nhận hối lộ, số tiền tham ô và kể cả số bị hại. Bà Trương Mỹ Lan là người có vai trò cao nhất, đạo diễn việc rút ruột hơn 1 triệu tỉ đồng từ SCB, qua đó chiếm đoạt 498.000 tỷ đồng. Số bị hại của vụ án này cũng lớn nhất trong lịch sử tố tụng với hơn 42.000 người.
Vụ án ở Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC)
Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Kỳ họp thứ 41 (6-7/5/2024) cũng cho biết, ông Lê Thanh Hải và Ban cán sự đảng UBND TP.HCM đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND Thành phố và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng ở các gói thầu, dự án do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện khiến nhiều tổ chức đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật, nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự.
Vụ án tại công ty AIC được Viện Kiểm soát kết luận là một minh họa điển hình cho "lợi ích nhóm", "nhóm lợi ích". Đó là sự cấu kết, thông đồng giữa doanh nghiệp với người có thẩm quyền, vì lợi ích vật chất đã thực hiện trái quy định của pháp luật, tạo điều kiện để doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước
Các bị can (từ trái qua phải): Dương Hoa Xô - cựu Giám đốc, Nguyễn Đăng Quân - Phó Giám đốc, Nguyễn Viết Thạch - nguyên Trưởng Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình của Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. |
Tại TP.HCM, Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty AIC, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.. Các sai phạm xảy ra trong quá trình thực hiện dự án mua sắm trang thiết bị cho 12 phòng thí nghiệm Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cựu chủ tịch Công ty AIC - đang bỏ trốn và bị truy nã cũng bị khởi tố trong vụ án này. Bà Nhàn trước đó cũng bị khởi tố trong hàng loạt vụ án liên quan đến sai phạm đấu thầu ở các tỉnh thành khác.
Cơ quan tố tụng cáo buộc bà Nhàn trong quá trình điều hành công ty AIC đã chỉ đạo nhiều thuộc cấp thông đồng với lãnh đạo một số địa phương, móc ngoặc với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, các công ty "quân xanh", thậm chí là hối lộ các quan chức, lãnh đạo để đảm bảo AIC được trúng thầu cung cấp thiết bị y tế, giáo dục.
Dự án khu đô thị Thủ Thiêm
Trước đó, vào năm 2020, Bộ Chính trị đã quyết định cách chức Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ông Lê Thanh Hải do sai phạm liên quan tới dự án khu đô thị Thủ Thiêm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển KT-XH và đời sống của một bộ phận nhân dân TP, gây bức xúc trong xã hội.
Sai phạm nghiêm trọng trong quá trình triển khai thực hiện dự án khu đô thị Thủ Thiêm chính là quyết định “xé nát” 160 ha đất tại định cư của người dân bị giải tỏa mà ông Lê Thanh Hải là người chịu trách nhiệm chính.
Thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ về vụ việc này như sau: UBND TP.HCM đã vi phạm các quy định của pháp luật trong việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch và thu hồi đất trong phạm vi khu tái định cư 160 ha thuộc 5 phường đã được Thủ tướng phê duyệt.
Toàn cảnh khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Chí Hữu |
Cụ thể: TP.HCM đã phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương tạm giao, thu hồi và giao đất cho 51 dự án với tổng diện tích 144,6 ha để đầu tư kinh doanh nhà ở, văn phòng, khu vui chơi, giải trí, công trình công cộng… sau khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch khu tái định cư. Hậu quả là Thủ Thiêm không đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dẫn đến, làm phá vỡ quy hoạch được duyệt.
Việc cựu Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải tùy tiện "xé nát" 160 ha đất tái định cư, không thực hiện đúng chỉ đạo "tái định cư phải sát hoặc liền kề khu trung tâm" của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 367 đã gây bức xúc và phẫn nộ cho người dân bị giải tỏa vì phải hy sinh nhà đất để làm dự án mà không được hưởng bất kỳ lợi ích gì dự án mang lại như chủ trương nhân văn ban đầu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại quyết định 367.
Nghiêm trọng hơn, chủ trương của ông Lê Thanh Hải còn dẫn đến việc thu hồi đất tràn lan của người dân ở các nơi khác như khu Nam Rạch Chiếc, khu Thạnh Mỹ Lợi để phục vụ tái định cư cho dự án khu ĐTM Thủ Thiêm dù không có quy định nào từ Chính phủ cho phép TP.HCM làm việc này.
Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Kỳ họp thứ 41 còn nêu rõ, ngoài ông Lê Thanh Hải, ông Lê Hoàng Quân và Nguyễn Thành Phong, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND Thành phố. cũng thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo khiến các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất, tài chính, tài sản, đầu tư, quy hoạch, xây dựng ở các dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ở các gói thầu, dự án do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC). Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo các ông: Lê Hoàng Quân, Nguyễn Thành Phong. |
Tác giả: T.Hà
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn