>> Hương khê: Bắt được cá lạ rất hung dữ
Sau khi thông tin tại Hương Khê (Hà Tĩnh) bắt được con cá được cho là “cá lạ” với cân nặng 7,8 kg, dài gần 1,2m, đầu cá dài hơn 30cm, miệng và răng giống như cá sấu, mình trơn, vây và đuôi màu đỏ, không có vây trên lưng, trên mình cá màu vàng nhạt, dưới bụng màu trắng, da giống như da rắn, hai mắt đỏ lừ, ông Hoàng Anh Tuấn, Khoa sinh học, Bảo tàng tự nhiên Việt Nam cho rằng đây không phải là cá lạ. Ông Anh Tuấn phân tích, dựa vào các đặc điểm cho thấy đây là con cá cùng một họ với con cá sấu hỏa tiễn thuộc họ Lepisosteidae, bộ Lepisosteiformes (bộ cá mõm dài). Trên thế giới họ này có 1 giống, 7 loài, phân bố chủ yếu ở Bắc Mỹ. Môi trường sống chủ yếu là nước ngọt, có thể có cả nước lợi và thường sống ở nơi nước tĩnh. Nhiệt độ thích hợp cho loài cá dao động từ 12 – 20 độ C. Họ cá này ăn rất phàm, thực ăn chủ yếu là cá nhỏ và động vật giáp xác. Cá sinh sản bằng cách đẻ trứng.
Hễ người chạm vào là con ca vùng vẫy rất mạnh
Cũng theo vị chuyên gia này, đây là loài nhập vào Việt Nam cách đây vài năm, thường nuôi làm cảnh. Loài nuôi làm cảnh thường là cá sấu hỏa tiễn: Lepisosteus oculatus) với các tên khác nhau như cá phúc lộc thọ, cá sao hỏa tiễn… Cá có hàm răng nhọn dài tương tự cá sấu nhưng không có độc. Chủ yếu do mõm dài như cá sấu nên người dân thường sợ. Ngoài ra, cá này có vảy, không phải cá da trơn. Theo ghi nhận thực tế của ông Hoàng Anh Tuấn, con cá ông từng biết có chiều dài 150cm nhưng nặng tới 4-5kg và sống tới 18 năm. Với con cá bắt được tại Hương Khê (Hà Tĩnh) với cân nặng lên đến 7.8kg và dài gần 1,2m là rất ít. Có thể do người dân nuôi làm cảnh để xổng ra ngoài hoặc thời gian Thái Lan lụt nên cá di cư sang nước ta. “Tuy xác định được họ nhưng để xem cá thuộc loài nào thì cần phải có mẫu để đo đếm các chỉ số hình thái. Tuy nhiên với đặc tính phàm ăn và ăn loài cá nhỏ thì cần hạn chế nuôi trong ao nhà để tránh ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái” – ông Hoàng Anh Tuấn cho hay.
Lao Động