Ngành nghề nào cũng có những phức tạp riêng, nhưng nghề làm giúp việc gia đình lại đặc biệt phức tạp, bởi những người giúp việc thường xuyên phải tiếp xúc với những thành viên trong gia đình, và không khỏi gây ra những va chạm, hiểu lầm. Nhiều người đã phải “bỏ việc”, “bỏ nghề” trong nỗi ấm ức khó nói thành lời.
Tủi phận nghèo khó khi thấy nhà chủ quá giàu sang
Bà Đỗ Thị Nụ (50 tuổi, Nam Định) kể lại, do hoàn cảnh gia đình quá nghèo khó, vợ chồng con trai bà đã theo người ta đi làm phu ở vùng biên, rồi bặt vô âm tín, để lại cho bà 3 đứa cháu mới chập chững biết đi.
Ở quê, mảnh ruộng nhà bà cũng không cho nhiều hoa lợi, dù vợ chồng bà luôn chăm chỉ cày cấy. Chồng bà lại mắc bệnh viêm khớp mãn tính, cứ mỗi khi trái gió trở trời, những khớp xương của ông lại tấy đỏ, rất đau đớn. Những ngày như vậy, chồng bà Nụ chỉ có thể nằm một chỗ.
Không có kế sinh nhai, bà Nụ phải để các cháu cho chồng trông nom rồi lên Hà Nội đi làm giúp việc. Nhưng cũng chính công việc này đã khiến cho bà càng cảm thấy tủi hổ, xót xa cho phận nghèo khổ của gia đình mình hơn.
Gia đình thuê bà Nụ làm giúp việc là một gia đình thuộc hàng “đại gia” ở đất Hà thành. Họ thường không ngại ngần phô trương sự giàu có của mình, từ căn biệt thự nhà vườn họ ở, những vật dụng xa hoa trong nhà, hay đến cả lối sống phung phí, xa xỉ của họ.
Bước chân vào gia đình đó, bà Nụ không khỏi choáng ngợp. Nhưng bà còn bàng hoàng hơn khi thấy cách mà gia đình chủ chi tiêu và sinh hoạt. Mỗi bữa ăn thường ngày của họ đáng giá cả vài triệu đồng. Đó toàn là những đồ ăn ngon, được nhập khẩu, những hoa quả lạ mắt mà cả đời bà Nụ chưa bao giờ nhìn thấy.
Những đứa trẻ con nhà chủ thì được nâng niu, cưng chiều như hoa, như ngọc. Từ quần áo chúng mặc, đồ chơi chúng chơi cho đến những bữa ăn của chúng đều khiến bà Nụ phải rớt nước mắt nghĩ đến những đứa cháu nheo nhóc của mình ở quê nhà.
Đám trẻ con nhà chủ được chiều chuộng quen nên rất hoang phí và không biết quý trọng những gì mình có được. Mỗi bữa ăn đối với chúng như một sự tra tấn vậy. Bọn trẻ ngúng nguẩy, khóc lóc và chỉ chực bố mẹ không để ý là đem thức ăn đổ vào sọt rác. Mà đó toàn là những đồ ăn ngon! Là thịt, là cá! Là những thứ mà cháu bà ở quê vẫn luôn thèm thuồng, và chỉ vào những dịp thật đặc biệt, bà mới dám “mạnh tay” chiêu đãi các cháu mình.
Nhìn những miếng bít-tết ngon lành nằm lẫn trong rác, bà Nụ lại nhớ đến bữa ăn chỉ có cơm trắng, cà muối mặn và rau luộc của nhà mình mà ngậm ngùi. Những lần bê mâm thức ăn thừa đổ đi, bà chỉ ước gì mình có thể gói ghém những đồ ăn này lại để mang về cho chồng và các cháu ở nhà, chắc mẩm họ sẽ có một “bữa tiệc” hiếm có trong đời!
Ngay đến cả những đồ chơi mà con cái nhà chủ đã làm hỏng hay chán không chơi nữa, vứt đi, bà Nụ cũng thấy tiếc rẻ. Có lần, bà ngỏ ý xin về để cho các cháu ở quê chơi, nhưng họ cũng không đồng ý. Bà thấy vợ chồng họ nói với nhau rằng, nếu cứ cho bà như vậy, biết đâu, bà sẽ nảy lòng tham mà giấu giếm mang về cả những thứ không được phép!
Bà Nụ nghĩ rằng, nghèo khó là một cái tủi, nhưng không thể trở thành nỗi nhục. Bà dù rất tiếc cho những thứ đồ bị bỏ thừa, bỏ phí, nhưng không muốn người ta nghĩ rằng vì nghèo mà mình trở thành người ăn trộm, ăn cắp, thế nên bà đã xin nghỉ việc ở gia đình giàu có đó để đi làm ở nơi khác. Nơi người ta không coi thường cái sự nghèo của bà và ác cảm với những người nghèo như bà.
Ảnh: Telegrap |
"Sao cô lại hành hạ cháu tôi"
Đó là câu chuyện của chị Mai Thị Huệ (31 tuổi, Thái Bình). Chị Huệ vốn là một cô nuôi dạy trẻ, nhưng do hết hợp đồng ở một trường mầm non của địa phương, chị phải nghỉ việc.
Gia đình chị cũng không quá khó khăn, nhưng vì yêu công việc của mình, nên chị quyết định đi làm trông trẻ, giúp việc gia đình cho một số gia đình ở Hà Nội. Công việc của chị chỉ là việc bán thời gian, song chị cũng rất tâm huyết với nghề.
Các gia đình chị nhận trông trẻ đều là những gia đình có học thức, nên chị Huệ rất ít khi gặp phải những vấn đề trắc trở trong công việc của mình. Tuy nhiên, có một chuyện khiến chị nhớ mãi, và cũng làm chị phải trăn trở về việc có nên tiếp tục làm trông trẻ gia đình nữa hay không.
Chị Huệ nhận trông trẻ cho một gia đình có hai vợ chồng đều làm công nhân viên chức. Nhà đó có một bé trai rất nghịch ngợm, bướng bỉnh. Do là cháu “đích tôn” nên đứa trẻ được ông bà nội chiều chuộng, yêu thương hết mực. Quen thói đòi gì được nấy nên em bé rất hư, khó bảo, hay đánh lại người lớn và đập phá đồ đạc mỗi khi không vừa ý.
Bố mẹ bé đã đồng ý để chị Huệ vừa trông nom, vừa chăm sóc và rèn bé vào khuôn khổ, để chuẩn bị cho con đi học mẫu giáo. Với những phương pháp sư phạm của mình, chị Huệ đã dần đưa được bé vào kỉ luật, tạo thói quen sinh hoạt nề nếp cho bé. Bố mẹ em bé khá hài lòng với thành quả đó.
Song khi bà nội bé từ quê lên chơi, ở lại vài ngày, thì mọi chuyện lại trở nên vô cùng rắc rối. Ỷ vào bà nội bênh vực, bé thường gào khóc mỗi khi bị chị Huệ không cho ăn kẹo bánh, bim bim hay bắt đi ngủ đúng giờ…
Vốn “xót cháu”, bà nội cực lực phản đối những việc chị Huệ làm với cháu bà và tỏ thái độ hằn học với chị. Bà cho rằng chị đang hành hạ, ngược đãi cháu bà. Mọi chuyện lên tới đỉnh điểm khi cháu bà nghịch ngợm, bị nước nóng đổ vào tay dẫn tới bị bỏng.
Trong khi chị Huệ nhanh chóng cho tay bé vào nước lạnh để hạn chế hậu quả của vết bỏng thì bà nội lại cho rằng chị đang cố làm đau cháu bà. Bà một mực cho rằng phải bôi nước mắm vào tay, cháu bà mới hết đau đớn!
Chưa hết, khi đứa trẻ bị viêm mũi, ngạt mũi, không thở được, chị Huệ phải hàng ngày rửa nước muối, hút mũi cho bé bằng dụng cụ chuyên dụng. Nhưng thấy cháu mình giãy giụa, không chịu hợp tác, bà nội lại cho rằng chị Huệ đang “tra tấn” cháu bà. Bà liên tục hét lên "Sao cô lại hành hạ cháu tôi?"...
Những hành động của chị Huệ đối với đứa trẻ, qua lời kể của bà với vợ chồng nhà chủ trở nên rất ghê gớm, như thể chị đã ngược đãi, đánh đập đứa bé.
Lần đó, họ cũng doạ sẽ làm to chuyện, kiện cáo… cũng may có mấy chiếc camera trong nhà đã minh oan cho chị Huệ. Nhưng cũng từ sau lần đó, chị Huệ cũng cảm thấy nhiệt tình và tâm huyết mình dành cho nghề này cũng giảm đi đáng kể!
Tác giả: Trang Đào
Nguồn tin: Báo VietNamNet