BQL Khu kinh tế Quảng Ninh không thuộc phạm vi phải chấp hành Nghị định 108?
Theo đơn kiến nghị của Công ty Tân Tiến gửi các cơ quan chức năng, căn cứ vào đề nghị của Công ty, sau khi lấy ý kiến các sở ngành liên quan, ngày 10/8/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản số 4743 chấp thuận cho Công ty Tân Tiến bổ sung dự án sản xuất xút quy mô 20 nghìn tấn/năm tại KCN Việt Hưng (TP Hạ Long). Sau đó, ngày 4/5/2016, BQL Khu Kinh tế Quảng Ninh cũng đã cấp Giấy chứng nhận Đăng ký đầu tư dự án.
Đến ngày 20/3/2017, sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có quyết định số 442 phê duyệt báo cáo tác động môi trường của dự án, Công ty Tân Tiến đã hoàn thiện hồ sơ pháp lý gửi BQL Khu kinh tế Quảng Ninh phê duyệt dự án sản xuất xút quy mô 20 nghìn tấn/năm của Công ty.
Tuy nhiên, với lý do lo ngại việc sản xuất Clo lỏng và acid HCL có thể gây ảnh hưởng không tốt tới môi trường, BQL Khu kinh tế Quảng Ninh yêu cầu Công ty Tân Tiến điều chỉnh đánh giá tác động môi trường.
Tiếp thu đề nghị của BQL Khu kinh tế Quảng Ninh, Công ty Tân Tiến đã điều chỉnh đánh giá tác động môi trường và được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận.
Ngày 29/11/2017, Công ty Tân Tiến tiếp tục có văn bản số 2911 gửi BQL Khu kinh tế Quảng Ninh xin cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án sản xuất xút quy mô 20 nghìn tấn/năm.
Suốt từ thời điểm đó cho đến nay, với lý do, “không có chuyên môn sâu về lĩnh vực hóa chất” và cần phải “tham vấn ý kiến chuyên gia và các nhà khoa học”, BQL Khu kinh tế Quảng Ninh đang tiếp tục lừng chừng, thậm chí “chây ì” trong việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Tân Tiến.
Dự án sản xuất xút quy mô 20 nghìn tấn/năm vẫn đang phải "chờ" Giấy chứng nhận đầu tư |
Như vậy là hơn 1 năm qua, dù đã hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý Công ty Tân Tiến vẫn chưa nhận được Giấy chứng nhận đầu tư.
Trong khi đó, mục 4, điều 49, Nghị định 108 của Chính phủ ghi rõ: “Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ban Quản lý tổng hợp ý kiến các cơ quan được hỏi ý kiến để quyết định cấp Giấy chứng nhận đầu tư”.
Đối chiếu Nghị định trên với những gì đang diễn ra tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) thì dường như văn bản trên chưa hề tồn tại. Hoặc ít nhất, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cũng đang cho rằng, mình không thuộc phạm vi phải chấp hành Nghị định 108.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề doanh nghiệp đang gặp phải, bà Vũ Thị Hồng Bích, Tổng Giám đốc Công ty Tân tiến bức xúc: “Trong khi một số doanh nghiệp khác được ưu đãi tiền thuê đất thì doanh nghiệp của tôi, dù đã nộp đầy đủ tiền thuê đất lại đang bị BQL Khu kinh tế làm khó dễ”.
Còn quá nhiều "lý do và lo ngại"
Trao đổi với phóng viên về lý do lừng chừng, “chây ì” trong việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Tân Tiến, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng BQL Khu kinh tế Quảng Ninh nhiều lần nhắc đi nhắc lại lý do lo ngại dự án bị… “đánh bom, khủng bố” sẽ gây tác động tiêu cực đến môi trường. Đây cũng chính là lý do được viện dẫn trong văn bản số 710 của BQL Khu kinh tế Quảng Ninh gửi UBND tỉnh để đề nghị có thêm thời gian tham khảo ý kiến của Ban chỉ huy Quân sự tỉnh.
Bình luận về vấn đề này, bà Vũ Thị Hồng Bích chua chát: “Với lý do lo ngại đánh bom, khủng bố thì không một doanh nghiệp, một cơ sở sản xuất hóa chất nào ở Việt Nam được phép hoạt động. Mà không chỉ có ngành hóa chất, rất nhiều ngành nghề khác nếu bị đánh bom cũng gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho môi trường.
Bên cạnh lý do không chính đáng như trên, một lý do nữa mà mà BQL Khu kinh tế Quản Ninh viện dẫn trong một số văn bản gửi Công ty Tân Tiến để giải thích về sự chậm trễ trong việc cấp giấy phép dự án là cần thời gian “tham vấn ý kiến chuyên gia và các nhà khoa học”.
Theo tìm hiểu thực tế, nguyên liệu để Công ty Tân Tiến sản xuất xút là muối ăn tinh khiết. Công nghệ hiện có cũng cho phép sản xuất xút mà không có khí thải, nước thải cũng như chất thải rắn. Đây cũng là điều đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận.
Việc cẩn trọng “tham vấn ý kiến chuyên gia và các nhà khoa học” trước khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư mà BQL Khu kinh tế Quảng Ninh là đáng hoan nghênh. Tuy vậy, việc tham khảo cũng chỉ nên thực hiện trong phạm vi 20 ngày mà Nghị định 108 của Chính phủ cho phép.
Vượt quá thời hạn trên mà vẫn tiếp tục “tham vấn” thì rõ ràng BQL Khu kinh tế Quảng Ninh đã không hoàn thành trách nhiệm của mình, tạo ra những bức xúc không cần thiết cho doanh nghiệp. Và tất nhiên, dư luận có quyền đặt câu hỏi về động cơ thực sự của BQL Khu kinh tế Quảng Ninh khi liên tục kéo dài thời gian “tham vấn”!?
Tác giả: Trương Tuấn
Nguồn tin: Thời báo Doanh nhân