Trước đó, ông Nguyễn Liên – chủ trang Facebook Nguyễn Liên đã đăng đăng tải một bức hình ghi lại cảnh ôm ấp của một đôi nam nữ cùng dòng bình luận: “Người ta gọi đây là những tên dâm quan, đây là hình ảnh một trong 21 cô giáo được chủ tịch thị xã Hồng Lĩnh và Phòng giáo dục thị xã điều đi tiếp khách là quan chức Hà Tĩnh… Có biết đằng sau đó là sự tan vỡ của biết bao gia đình vì chuyện coi thường của các quan chức này”.
Thông tin sai sự thật do ông Nguyễn Liên đăng tải trên trang Facebook cá nhân.
Ngay sau đó, nhiều người nhận ra hình ảnh này từng xuất hiện trong một bài báo điện tử từ… năm 2015, với nội dung nói về clip lột đồ gái làng chơi bị rò rỉ trên mạng của ông Trần Kiến Minh, Phó bí thư đảng ủy xã Trường Tây (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc). Tuy vậy, không ít người dùng Facebook đã lao vào chỉ trích, chửi bới các cô giáo ở Hà Tĩnh dưới phần bình luận bằng những ngôn từ hết sức thiếu văn hóa.
Khó có thể trách dân mạng nông nổi và bộp chộp trong trường hợp này ( dù đôi khi kĩ năng “tay nhanh hơn não” của họ đạt đến thượng thừa). Bởi người đưa ra lời khẳng định chắc nịch: “Đây là…” ở trên là nguyên thư ký tòa soạn một Tạp chí thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Nông và là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Nông.
Mà, “dư luận” vốn đặt rất nhiều niềm tin nơi Người cầm bút. Vì không giống đám hot girl bán kem trộn và tụi “trẻ trâu” câu like bằng mọi giá, Người cầm bút chỉ viết và bình một cách khách quan về những thông tin đã được kiểm chứng, xác minh. Sẽ thật thảm họa nếu Người cầm bút cũng la toáng lên và than trách chính quyền mỗi khi thấy hình ảnh gây sốc về bánh mì thịt chuột, trứng gà bị tiêm máu nhiễm HIV… trên mạng xã hội.
Trước khi “biến mất”, bài viết xuyên tạc của ông Liên đã thu hút hàng ngàn lượt thích, chia sẻ – và do đó, hiển thị ngẫu nhiên trên bảng tin (news feed) của rất nhiều người dùng khác. Liệu trong số đó có bao người biết hoặc kiên nhẫn tìm hiểu sự thật? Liệu trong số đó có bao người đọc được lời xin lỗi mắc đầy lỗi chính tả (cơ bản) của ông Liên trước khi ông phải nhờ người khóa trang cá nhân vì “thấy lo lắng”?
Lời xin lỗi mắc nhiều lỗi sai chính tả trên trang facebook Nguyễn Liên.
Những người theo dõi vụ việc từ đầu hẳn biết rằng trước khi “thành thật xin lỗi” (vì “nghe tivi nói qua”), ông Nguyễn Liên đã khẳng định cảnh sàm sỡ mà ông đăng lên do “cánh tiếp viên nhà hàng” dùng điện thoại quay lại.
Cần phải nhắc thêm rằng, thời điểm ông Liên đưa thông tin sai sự thật rơi đúng vào dịp lễ tri ân các nhà giáo, khi học trò cả nước đang cùng hướng về dòng sông tri thức, với tấm lòng kính trọng và biết ơn.
Ông Liên kính mến, có những lời xin lỗi thể hiện cách ứng xử văn minh, bày tỏ thái độ ăn năn, hối hận vì việc làm trong quá khứ. Cũng có những lời xin lỗi chỉ khiến người nghe thêm uất ức.
Và vì thế, tôi nghĩ sẽ chẳng có “cô giáo” và vị “quan chức” nào còn đủ bao dung để tha thứ cho ông!
Trương Chi
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả