Thi theo môn hay thi theo bài?

Theo Bộ GDĐT, kì thi này sẽ đảm nhiệm hai “vai”: Xét công nhận tốt nghiệp THPT và là căn cứ để các trường ĐH, CĐ xét tuyển sinh. Địa điểm thi được bố trí thành cụm thi theo địa bàn tỉnh. Mỗi tỉnh có thể có một hoặc một số cụm thi tập trung ở thành phố, thị xã, thị trấn. Bộ GDĐT sẽ thảo luận với các tỉnh để quyết định phương án thành lập các cụm thi quốc gia.

Kỳ thi QG chung: ‘Sẽ ra đề cho học sinh bình thường cũng đỗ'
Theo đánh giá của các trường đại học, cao đẳng kỳ thi tuyển sinh hàng năm do Bộ GD-ĐT tổ chức nghiêm túc, công bằng. Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung

Về đề thi, ông Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GDĐT – cho biết: “Đề xây dựng theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở. Các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi (tăng dần yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó)”.

Có 3 phương án thi được đưa ra. Trong đó, phương án 1 là thi theo môn, thí sinh thi 8 môn gồm Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ. Thí sinh tối thiểu dự thi 4 môn, gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn còn lại.

Phương án 2, thi sinh thi theo bài. 8 môn học ở lớp 12 được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bài thi KHTN (Vật lí, Hóa học, Sinh học) và KHXH (Lịch sử, Địa lí). Mỗi thí sinh phải thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH.

Phương án 3 cũng thi theo dạng bài thi nhưng phân hóa rõ nét hơn với 4 bài thi cụ thể: bài thi Toán – Tin, bài thi KHTN (Vật lí, Hóa học, Sinh học và Công nghệ), bài thi KHXH (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân) và bài thi Ngoại ngữ.

Thi tích hợp, HS miền núi chưa tiếp cận được

Đa phần ý kiến cho rằng, chưa thể áp dụng ngay phương án 2 vào năm sau. Ông Bùi Đức Cường – GĐ Sở GDĐT Thái Nguyên, cho hay: “Nếu áp dụng luôn vào năm sau thì phương án 1 phù hợp hơn do thực trạng dạy và học hiện nay phù hợp với cách kiểm tra đánh giá, thi theo môn sẽ không gây xáo trộn và lo lắng cho học sinh. Với phương án 2, theo tôi cả thầy và trò cần có thời gian chuẩn bị cho cách dạy học theo hướng tích hợp, vì thế hợp lý nhất là sẽ áp dụng từ 2016”.

Còn theo bà Vũ Thị Bích Việt – Phó Chủ tịch UBND Tuyên Quang, học sinh miền núi chưa tiếp cận được việc thi tích hợp. Giáo viên hướng dẫn học thi cũng gặp khó khăn. Vì thế 2015 vẫn nên thi theo môn thi để học sinh không bị thay đổi nhanh và nhiều quá. Thứ hai, theo phương án tích hợp, nếu huy động giáo viên chấm thi thì số giáo viên chấm sẽ phải tăng lên nhiều. Một bài thì phải có 3 người chấm, 3 giáo viên chấm 1 bài thi thì sẽ rất tốn kém nhân lực.

Lắng nghe mọi ý kiến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận: “Thi cử là khâu đột phá, nhưng tự nó không hề tách rời khỏi thiết kế chương trình, SGK. Kỳ thi chung phải phục vụ được hai mục tiêu, ta không ngại tốn kém nếu kỳ thi thực sự cần thiết! Tất cả các khâu kỹ thuật (1 bài thi nhiều người chấm, tập hợp cụm thi…), sẽ khó khăn cho ngành GD, nhưng nếu có lợi cho XH thì vẫn phải làm”.

Phó Thủ tướng lưu ý, do định hướng phân luồng học sinh theo lĩnh vực KHTN và KHXH nên đây là cơ sở quan trọng để quyết định thi theo hướng nào. Muốn vậy phải hỏi ý kiến của các trường đại học trực tiếp có nhu cầu tuyển sinh xem họ lựa chọn tiêu chí lựa chọn dựa trên các môn cụ thể hay kĩ năng tổng hợp KHTN, KHXH. Các trường nghiêng về phương án nào thì mới có căn cứ để quyết định. Ông đề nghị việc chốt phương án phải hoàn tất trước khai giảng năm học mới để sớm thực hiện.

Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận, 3 phương án chỉ khác nhau ở mức độ. Bộ trưởng Luận ví von, đây là hành trình để đi đến đích thi cử, giống như đi tàu hỏa từ HN vào TPHCM phải qua Vinh, Nha Trang… Không nên tách bạch, phân tích cái này khác cái kia, bởi đây là mục tiêu, là đích trung gian.