Cuộc sống

Bố chồng tôi

... Chồng tôi nói: “Bố anh khó tính lắm”. Mẹ chồng cũng nói: “Bố mày khó lắm”. Những ngày đầu làm dâu, tôi đi ra đi vào cứ len lén nhìn sắc mặt bố chồng, mói năng dè dặt từng câu, làm gì cũng phải hỏi ba bốn lượt để không làm bố chồng phật ý...

Ảnh minh họa: GettyImages.

Tôi là con gái miền Trung, cái miền vẫn thường được mệnh danh là thật thà, chất phác, không khéo léo, không ngọt ngào. Ngày tôi yêu anh rồi lấy anh, mẹ cha tôi lo tôi khó có thể làm vừa lòng nhà chồng, những người miền Bắc lắm quy tắc nề nếp. Vậy nên tôi theo anh về làm dâu, lạ đất lạ người, lạ lẫm cả về thói quen, lề lối.

Chồng tôi nói: “Bố anh khó tính lắm”. Mẹ chồng cũng nói: “Bố mày khó lắm”. Những ngày đầu làm dâu, tôi đi ra đi vào cứ len lén nhìn sắc mặt bố chồng. Nói năng dè dặt từng câu, làm gì cũng phải hỏi ba bốn lượt để không làm bố chồng phật ý.

Bố chồng tôi, một nông dân chính hiệu. Ông gắn bó với đất đai, ruộng đồng, coi ruộng vườn là niềm vui, là lẽ sống. Một ngày của ông bắt đầu từ khi sương còn đọng trên lá đã tất bật nhổ cỏ, tưới rau. Một ngày của ông kết thúc khi trời đã nhập nhoạng tối, nhà nhà đã lên đèn.

Ông ham làm, làm nhiều đến nỗi tôi có cảm giác nếu nghỉ tay nghỉ chân một ngày chắc ông sẽ ốm. Ông nói ruộng vườn rộng mênh mông, nông dân mà nghèo đói là bởi do lười. Mùa nào ông trồng rau ấy, mùa nào có quả nấy ăn. Đi chợ, mẹ tôi mà mua rau mua quả thể nào cũng bị ông mắng rồi vứt xuống ao cho cá. Ông nói thời buổi này đồng tiền lấn át lương tâm, không tin ai được.

Vợ chồng tôi ở thành phố, thượng vàng hạ cám chẳng thiếu thứ gì. Thế nhưng cứ đều đặn mỗi tuần, ông đều gửi xe ô tô ra cho thứ này thức khác ông trồng được trong vườn. Ông thường gọi điện cho tôi, dặn đi dặn lại “Con nhớ mùa nào thì ăn rau nấy. Tuyệt đối đừng mua hoa quả trái mùa cho con ăn, toàn là hàng ngâm tẩm hóa chất cả đấy”. Đôi bận tôi bảo ông: “Bố ơi, cả thành phố này họ đều ăn thế cả”, thể nào ông cũng cáu “chúng mày phải nghe tao, không là bệnh tật đầy ra”.

Một lần, nhân dịp cuối tuần vợ chồng tôi đưa cháu về thăm ông bà. Tôi thấy ông vừa soi gương vừa cúi đầu cố nhổ mấy sợi tóc trắng. Tôi bảo ông đưa nhíp tôi nhổ giúp cho. Ngồi bới mái tóc của ông mới thấy tóc trắng đã lốm đốm cả đầu. Lúc đó chợt nghĩ ông chưa đầy sáu mươi mà tóc đã trắng cả rồi, hẳn là bạc vì nhuộm sương nhuộm nắng. Cứ mỗi lần tôi đặt một sợi tóc trắng xuống tay ông ông lại gật gù bảo “tóc sâu đấy, nhổ đi con”. Rôi ông nói: “Bố bảo này, con nhổ tóc sâu cho bố thế này là được rồi, sau này bố chết con không cần phải khóc”.

Tối nhớ, đây là lần thứ hai bố chồng nói với tôi như vậy. Lần trước là khi tôi mới về làm dâu. Hôm ấy ông kêu bụng khó chịu, hình như do ăn cái gì lạ bụng. Tôi hái nắm lá mơ rồi đem chiên với trứng gà đưa cho ông ăn. Ông ăn xong liền bảo: “Con quan tâm bố thế là được rồi, sau này bố chết con không cần phải khóc”.

Và tôi nhận ra, bố chồng tôi rất dễ xúc động, dù chỉ là một cử chỉ quan tâm nhỏ nhất. Cũng tại ông hay làm, hay nói nên ông và bà hay cãi nhau. Cũng tại ông nghiêm khắc quá nên mấy đứa con cả trai cả gái ít khi dám gần. Con cái từ nhỏ đến lớn, đứa nào cũng sợ ông, sợ nên không bao giờ dám đùa với ông dù chỉ một câu đùa vô hại.

Có lẽ chính vì vậy mà bữa cơm đầu tiên ngày tôi ở nhà chồng, khi nghe ông bảo “bố khó tính lắm”, tôi cười nói “vâng, chồng con cũng khó, vậy thì bố là cha của khó rồi”. Chồng tôi dùng cùi tay thúc vào người tôi, ý là đừng đùa với bố như thế nhưng ông lại cười sảng khoái bảo tôi: “Được, dám đùa với cả bố đấy”.

Bố từng nói với tôi, bố làm lụng vất vả nuôi mấy đứa con, chẳng bao giờ mong sau này được nhờ cậy. Chỉ mong con cái trưởng thành, tu chí làm ăn, sống tử tế và hạnh phúc. Lúc cha mẹ còn, đối đãi với cha mẹ tốt một chút, lúc bố mẹ nhắm mắt không cần phải khóc lóc làm gì. Lúc sống không quan tâm, không yêu thương, chết rồi biết gì mà tiếc thương khóc lóc.

Rồi bố kể ngày ông bà nội còn sống, bố là người gần gũi kề cận ông bà nhiều nhất. Chỉ vì bố ở gần còn các cô chú đều thoát ly ở xa. Những ngày cuối đời, một tay bố đút cho ông bà ăn, tắm rửa cho ông bà. Ông bà mất, các cô chú về khóc ngất, kể lể, tiếc thương, còn bố không khóc một tiếng nào. Người ngoài nhìn vào có thể nghĩ bố thế này thế nọ, tự bản thân bố biết rằng mình đã trọn đạo hiếu khi cha mẹ mình còn sống, còn sinh - lão - bệnh - tử là lẽ tự nhiên của đời không tránh được.

Bố bảo tôi, gần sáu mươi năm sống ở đời, chứng kiến bao nhiêu người ra đi, bố thấy thế này: Những người tỏ ra khóc lóc tiếc thương bố mẹ nhiều, chính là những người ít quan tâm khi cha mẹ còn sống nhất. Ít quan tâm nên thấy hối hận, nên mới kể lể khóc thương. Cho nên bố nói thật, sau này bố chết con không cần phải khóc.

Tôi không biết những gì bố chồng tôi nói, bao nhiêu phần đúng, bao nhiêu phần sai. Nhưng tôi cũng nghĩ giống ông, rằng cha mẹ sinh con ra, chăm bẵm nuôi dạy con lớn khôn không phải để mong sau này có thể nhờ cậy. Chỉ là nếu khi sống mà không quan tâm, không chu đáo tử tế với đấng sinh thành, thì khi mẹ cha nhắm mắt xuôi tay rồi, có tiếc thương khóc lóc cũng còn ý nghĩa chi đâu.

Tác giả: Lê Giang

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP