Đời người con gái đi lấy chồng như đặt mình vào một canh bạc. Nếu lấy phải chồng vũ phu và gia trưởng thì xác định thua ngay từ đầu. Trường hợp của Châu chính là như vậy!
Những ngày mới quen, Châu thấy Hoàn cũng là người đàn ông biết suy nghĩ, tu chí làm ăn, có công việc ổn định. Nhưng khi về chung một nhà rồi mới hay, Hoàn độc đoán đến mức đáng sợ. Mọi việc lớn bé trong nhà, Châu đều phải gánh vác hết. Hoàn chỉ đi làm, mỗi tháng đưa về cho vợ một chút tiền sinh hoạt.
Châu vừa phải chăm con, vừa phải phục vụ cả bố mẹ chồng từ cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp. Ấy thế nhưng mọi người trong nhà vẫn chỉ thích soi mói, áp đặt đủ điều. Chỉ cần cơm hơi khô hoặc hơi nhão một chút là mẹ chồng đã lườm ngắn nguýt dài: “Nấu nồi cơm thôi mà cũng không nên thân”. Châu lúc nào cũng phải vừa bế con vừa ăn cơm, ăn xong được miếng đã lại vội vàng để con vào cũi để đi rửa bát…
Đôi lúc Châu nghĩ, cuộc đời mình không khác gì đang ở trong một vũng lầy không thể thoát ra. Nhất là những khi bị chồng giơ tay tát thẳng vào má mà không thương tiếc. Mới lấy chồng được 2 năm nhưng Châu đã bị Hoàn đánh đến hơn chục lần. Cứ hễ nói gì đụng chạm đến nhà chồng là bị tát vì "hỗn". Hễ nói lớn tiếng lên với chồng cũng bị tát vì "láo". Hay hễ bức xúc trách chồng đi sớm, về muộn, không quan tâm đến con là cũng bị tát vì dám "đòi hỏi nhiều"…
Ảnh minh họa |
Cứ như thế, Châu đành câm nín phục dịch như phận tôi tớ trong nhà vì sợ ly hôn thì con sẽ khổ, bố mẹ cô sẽ mang tiếng.
Nhớ có hôm, con bị tiêu chảy, vừa nằm ngủ vừa són luôn ra quần. Châu đang bận ngồi ôm con vì con đang ngủ say, sợ con thức giấc nên có nhờ Hoàn đi lấy hộ cái quần và ít nước vào phòng để rửa cho con. Nhưng không biết thế nào, Hoàn vác cả chậu nước vào dội hẳn lên giường, ý như muốn đổ hết lên người Châu. Châu chỉ biết khóc, cố dịch con sang một bên để tránh bị ướt rồi tự mình dậy dọn dẹp mọi thứ.
Hoàn ghét nhất việc bị ai quấy phá giấc ngủ. Anh ích kỷ đến mức đáng sợ, nghe tiếng con khóc hay lèo nhèo đòi nọ kia là quát mắng um sùm. Thậm chí con dậy khóc đêm làm Hoàn tỉnh giấc, anh liền đùng đùng dậy xách con lên đòi ném vào tường để dọa con hoặc dốc ngược con lên khi con đang khóc một cách đầy thú tính.
Châu nhìn con, thương, chạy lại ôm con thì bị Hoàn hét lên vào mặt: “Trông nó cho tử tế vào để tôi còn ngủ!”. Hai mẹ con chỉ biết rúm ró vào một góc, Châu tìm mọi cách để trấn an con, ép con vào ngực mình những mong vỗ về tiếp cho con vào giấc ngủ. Nước mắt của Châu cứ lăn dài nhiều đêm như thế.
Mà dẫu có là ban ngày thì cũng phải quệt nước mắt, nước mũi đi vì tủi thân bao nhiêu phen. Cô cảm giác cô đơn đến vô cùng mà không biết làm thế nào để thoát ra được cả. Bố mẹ chồng thì coi thường cô, chồng thì không yêu thương gì vợ, còn hắt hủi con nữa khiến Châu không biết bám víu vào điều gì để sống.
Lại được cả em trai chồng, đã 25 tuổi mà suốt ngày ở nhà lêu lổng, không tu chí làm ăn. Có những bữa em trai chồng còn chạy thẳng vào phòng của vợ chồng Châu như chốn không người, mở tủ lấy áo quần ra mặc mà chẳng nói nổi nửa câu với Châu khiến cô như muốn phát điên lên.
Lấy chồng gần nhà nhưng Châu cứ thương bố mẹ nên không dám kêu ca gì cả, một mình chịu đựng như thế. Bởi cô sợ có chuyện gì thì cả nhà lại mang tiếng với hàng xóm láng giềng.
Vì phải chịu cảnh đêm thức trông con, ngày miệt mài làm việc, buổi trưa cũng không được ngủ, con thức thì cõng con mà làm nên chỉ sau 2 năm cưới mà Châu gầy rộc. Từ một cô gái cân nặng 45kg nay Châu chỉ còn hơn 38kg nữa, xơ xác và tiều tụy đến mức khó chấp nhận khi cứ ngày ngày phải oằn mình dưới bao nhiêu áp lực.
Đôi khi Châu nghĩ, canh bạc đời mình biết rõ ràng là đã thua nhưng lại chẳng biết làm thế nào để rút ra khỏi nó được cả. Liệu có phải lỡ sa chân bước vào rồi thì cứ mãi phải bì bõm trong vũng lầy như thế này hay không?
Tác giả: Cát Tường
Nguồn tin: Báo Trí thức trẻ