Câu chuyện sau đây ghi lại từ lời kể của một cô gái đã từng làm nhân viên phòng VIP, phục vụ khách hạng sang tại một nhà hàng nổi tiếng ở TP.HCM.
“Vén màn” những căn phòng VIP
Trò chuyện với chúng tôi, cô gái có tên Nguyễn Thị Diệu Phương (SN 1987, quê tỉnh Kiên Giang) từng là nhân viên phục vụ tại các nhà hàng lớn tại TP.HCM, rất khó khăn mới có thể mở lời kể về một “quãng đời vinh nhục” cô từng trải qua. Theo lời Phương, ở chốn nhà hàng, những cô gái chân dài được phân ra những hình thức phục vụ khác nhau. Một nhóm sẽ chuyên phục vụ phòng VIP, nhóm khác để PR và nhóm còn lại phục vụ những vị khách bình dân.
Ban đầu, khi các cô gái vào một nhà hàng thuộc hạng sang để xin việc, họ phải trải qua những khâu xét duyệt kỹ càng. Trong đó, yếu tố ngoại hình, đơn thân được quản lý nhà hàng đặt lên hàng đầu. Những ai đến xin làm tiếp viên, điều quan trọng phải biết uống rượu, bia hoặc chưa biết uống thì phải chấp nhận qua “rèn luyện” của nhà hàng. Khi chấp nhận làm thì các cô gái được xếp vào loại chân dài này, sẽ làm mỗi ngày 8 tiếng, chia theo 2 ca. Nhưng mức lương các cô được nhận cũng chỉ từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng.
Phương cho biết, dù lương chủ nhà hàng trả so với công sức bỏ ra là rất thấp, thậm chí thấp hơn, các nhân viên cũng chấp nhận làm. Bởi tất cả các nhân viên ở đây đều không sống nhờ đồng lương ít ỏi ấy, mà “đẳng cấp” của họ phụ thuộc hoàn toàn vào tiền “bo” của khách. Do đó, tại các nhà hàng hạng sang luôn xảy ra những cuộc chiến ngầm để giành giật tiền “bo”.
Lúc mới vào làm, những nhân viên mới thường không đủ tiền trang trải cho cuộc sống. Trong khi những người đồng nghiệp lâu năm, tiền lúc nào cũng đầy ví và xài hàng hiệu. Những nhân viên lâu năm khôn lanh, quen việc chèn ép và hớt tay trên những đồng nghiệp mới vào làm.
Ẩn sau trong mỗi nữ tiếp viên là nghĩ về những con đường vắng và cuộc đời trôi về đâu. |
“Tại những nhà hàng lớn, khu vực phòng VIP là nơi hái ra nhiều tiền nhất. Những căn phòng được xếp hạng VIP tại nhà hàng thực chất không phải xây dựng để phục vụ cho những cuộc gặp gỡ, bàn chuyện làm ăn có tính chất tế nhị của doanh nhân. Những thực khách khi đã chọn vào khu vực VIP để ăn uống thì họ phải chấp nhận chi trả cao gấp nhiều lần so với những khu vực bên ngoài khác. Khu vực phòng VIP có rất nhiều người thành đạt đến ăn nhậu. Họ chọn những căn phòng VIP vì nơi đó mới có những nhân viên chân dài, phục vụ mọi yêu cầu của họ. Ngày tôi mới vào làm tại một nhà hàng lớn ở quận 8 (TP.HCM), một đồng nghiệp chỉ cho rằng, khi vào phục vụ khách ở phòng VIP, khách yêu cầu làm gì thì chiều họ, miễn là đừng vượt quá giới hạn. Phải làm vừa lòng khách để khi họ ra về tôi còn có chút tiền “bo””, Phương tâm sự.
Với đặc trưng công việc của những cô nhân viên được gọi là chân dài ấy, các cô gái vừa phải tự sắm sửa cho mình để tạo sự hào nhoáng bên ngoài, vừa lo cuộc sống riêng tư của mình, lại phải nghĩ đến cơm áo gạo tiền để gửi cho cha mẹ nơi quê xa. Phương kể: “Trong những ngày tháng ấy, tôi phải chịu nhiều đắng cay. Tôi như là một thứ đồ chơi dành riêng cho các vị khách nhiều tiền, giúp họ thỏa mãn sinh lý. Họ vừa cụng ly vừa sờ soạng khắp cơ thể tôi. Hầu hết, các nhân viên phòng VIP đều phải chịu cảnh tủi nhục là chấp nhận để khách “vui vẻ” bằng tay và môi của họ. Nhiều khi cũng thấy nhục nhã lắm, nhưng cứ nghĩ đến cảnh bố mẹ nghèo, lại cố gắng làm để kiếm tiền”, Phương nghẹn ngào kể tiếp.
Khi những cuộc tình chỉ là “bến mơ”
Kể về những mối tình núp bóng phía sau những cuộc ăn nhậu trác táng của khách VIP, Phương chia sẻ: “Để được khách tin tưởng và dành ưu ái cho mình, tôi và những đồng nghiệp khác phải thể hiện là những “con nai” ngơ ngác. Mục đích là lấy tình thương hại của khách để có tiền “bo”. Thế nhưng, từ những vở kịch tưởng chừng khó qua mắt khách hàng ấy, chúng tôi lại được họ quan tâm nhiều hơn. Theo đó, nhiều vị khách sau khi ăn nhậu ra về đã không quên xin bằng được số điện thoại của tôi. Họ lấy lý do để tiện liên lạc khi lần sau đến ăn và được tôi tiếp. Khi được khách ngỏ ý như thế, tôi lập tức cho ngay số điện thoại của mình. Tuy nhiên, thay vì để khi đến nhà hàng sẽ gọi cho tôi, một vị khách xin số đã nhắn tin và gọi điện liên tục cho tôi khi tôi ở nhà”.
Ban đầu, khi khách nhắn tin đến Phương không mấy mặn mà, vì cô nghĩ người con trai nào thấy gái mà chẳng “tí tởn” như thế. Tuy nhiên, dần dần Phương có cảm tình với vị khách thường hay nhắn tin lúc nào không hay. “Bằng những lời ngọt ngào của một người đàn ông trưởng thành, không biết từ lúc nào tôi có cảm tình và đêm nào cũng nằm suy nghĩ về người ấy. Người ấy bảo sao tôi dễ thương và ăn nói dịu dàng như thế lại chọn nghề này. Rồi anh ấy cũng hứa hẹn đủ điều. Nào là về làm cho công ty anh đi, có thể lương không cao bằng lương hiện tại của em nhưng sẽ có tương lai hơn nhiều. Dù tôi không đồng ý bỏ nghề cũ là làm nhân viên nhà hàng để tìm đến một việc khác, thế nhưng, vị khách mới gặp một lần ấy vẫn thường xuyên đến và ngày càng quan tâm đặc biệt hơn cho tôi. Anh “bo” cho tôi nhiều tiền hơn. Và rồi chuyện gì đến cũng đã đến, người khách ấy đã chinh phục được trái tim tôi. Từ đây, tôi mơ tưởng về một gia đình hạnh phúc”.
Rưng rưng nước mắt, Phương kể tiếp: “Những tưởng có người thương mình thật sự, nhưng không, người khách mà tôi mơ về một tình yêu thật sự ấy đã bỏ mặc khi đã chiếm được cả tâm hồn và thể xác tôi. Lúc bấy giờ, tôi không còn tin những lời nói đường mật của những vị khách dành cho mình nữa. Tôi trở nên thù hằn với những vị khách được cho là “khách VIP” mà tôi và đồng nghiệp đang ngày ngày phải chiều chuộng, để mong có được nhiều tiền “bo””.
Phương còn kể, có cô đồng nghiệp khác của cô cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, khi “dám mơ” về một cuộc tình đẹp. Cô bạn này khá xinh, khi làm tiếp viên ở một nhà hàng lớn trên đường Trần Não (quận 2, TP.HCM), đã được một đại gia làm trong ngành bất động sản để ý tới. “Vị đại gia này rất am tường tâm lý nên đã ngọt ngào vẽ ra với cô bạn tôi một viễn cảnh tươi sáng. Đổi lại, bạn tôi chỉ cần là chỗ dựa tinh thần cho ông ta. Thế nhưng, không lâu sau, khi đã “hưởng thụ” cô bạn chán chê, gã đại gia ấy đã lặn mất tăm, để lại bạn tôi sống trong những chuỗi ngày ân hận…”.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)
VÕ ĐOÀN