Nữ bệnh nhân 41 tuổi cho biết ngày 12/10 chị khám phụ khoa định kỳ tại một phòng khám đa khoa ở TP HCM, được một bác sĩ giới thiệu là người Đài Loan và 2 phiên dịch khám. Chi phí 3 triệu đồng cho siêu âm, nội soi cổ tử cung, thử máu và nước tiểu, bác sĩ kết luận chị bị nang Naboth cổ tử cung, viêm lộ tuyến cổ tử cung, nếu không điều trị có khả năng dẫn đến ung thư cổ tử cung. Phác đồ điều trị tiểu phẫu có gây mê, cắt leep, đốt nang Naboth giá 18,8 triệu đồng, nếu chọn gói 15,5 triệu đồng thì không gây mê và không đốt nang Naboth.
Một trong những hóa đơn thu tiền của bệnh nhân. |
Bệnh nhân chọn gói 18,8 triệu đồng. Sau khi làm thủ thuật khoảng 15 phút, chị được truyền kháng sinh và về nhà. Hôm sau chị đến theo hẹn để vệ sinh vết thương, truyền dịch, chiếu đèn hồng quang… chi phí hơn 2 triệu. Bác sĩ khuyên mỗi ngày bệnh nhân cần phải đến kiểm tra vết thương cho đến khi lành hẳn. Tái khám lần thứ hai, chị không đồng ý truyền dịch vì lúc truyền xong rất mệt người. Lấy toa ra ngoài mua thuốc, chị phát hiện bác sĩ kê nhiều loại thuốc trị nấm, kháng sinh… không cần thiết. Tổng chi phí điều trị tại phòng khám hết khoảng 25 triệu đồng.
Cho rằng mình bị lừa, chị đến một bệnh viện kiểm tra lại thì bác sĩ cho biết tình trạng lộ tuyến cổ tử cung như chị vốn là sinh lý bình thường, nang Naboth cổ tử cung là tổn thương lành tính có thể tự mất đi không cần điều trị. Ngoài ra giá cắt leep ở các bệnh viện tương tự như cách điều trị của phòng khám này chỉ 1-2 triệu đồng.
“Tôi vốn khỏe mạnh nên không tìm hiểu về các bệnh phụ khoa, khi nghe bác sĩ phòng khám tư vấn sắp ung thư nên tâm lý tôi hoảng hốt chỉ muốn điều trị cho nhanh”, nữ bệnh nhân chia sẻ. Mong muốn cảnh báo mọi người, ngày 19/10 chị đăng tải câu chuyện chữa ở phòng khám lên trang cá nhân.
Sau khi đăng tải trên trang cá nhân, chị nhận được nhiều cuộc điện thoại đề nghị gỡ bài song chị không đồng ý. Sau đó chị phát hiện một tài khoản đăng tải phiếu khám bệnh, hình ảnh, trang cá nhân của chị lên Facebook, cho rằng chị “đã ly dị, quen nhiều bạn trai nước ngoài”, “quan hệ rất nhiều lần trong một ngày” nên bị bệnh. Tài khoản này cũng đăng những hình ảnh nội soi, phiếu kết quả xét nghiệm của chị “được cung cấp từ một người bạn trên mạng”. Tài khoản này tìm cách kết bạn với bạn bè của chị và nhắn tin nội dung câu chuyện.
Bệnh nhân chia sẻ đang chuẩn bị các thủ tục khởi kiện phòng khám vì đã làm lộ hồ sơ bệnh án của bệnh nhân.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, theo Luật Khám chữa bệnh, cơ sở khám chữa bệnh phải giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư bệnh nhân được ghi trong hồ sơ bệnh án. Cơ sở khám chữa bệnh chỉ được phép công bố thông tin cá nhân này khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định. Người bệnh được cung cấp thông tin tóm tắt về hồ sơ bệnh án nếu có yêu cầu bằng văn bản.
VnExpress.net đã liên hệ nhiều lần nhưng chưa nhận được phản hồi từ phía phòng khám.
Hồ sơ bệnh án là tài liệu y học, y tế và pháp lý. Mỗi người bệnh chỉ có một hồ sơ bệnh án trong mỗi lần khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế. Hồ sơ bệnh án nội trú, ngoại trú được lưu trữ ít nhất 10 năm. Hồ sơ bệnh án tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt được lưu trữ ít nhất 15 năm. Hồ sơ bệnh án đối với người bệnh tâm thần, người bệnh tử vong được lưu trữ ít nhất 20 năm. Trường hợp lưu trữ hồ sơ bệnh án bằng bản điện tử, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có bản sao dự phòng và thực hiện chế độ lưu trữ theo quy định. |
Mỹ Lê