Kinh tế

Bật lên sức sống các tỉnh nghèo miền Trung

Đại công trường các dự án mở rộng QL1 Thanh Hóa – Cần Thơ đang được triển khai rầm rộ và khẩn trương.

241
QL1 qua địa bàn xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa sau khi mở rộng đã khang trang hơn, dân cư đông đúc, hàng quán tấp nập người mua kẻ bán – Ảnh: Phúc Tuấn

Đại công trường các dự án mở rộng QL1 Thanh Hóa – Cần Thơ đang được triển khai rầm rộ và khẩn trương. Trước Tết Nguyên đán Ất Mùi đã có nhiều đoạn được đưa vào khai thác và dự kiến toàn tuyến sẽ hoàn thành đồng bộ cuối năm nay. Đường mở rộng, khang trang đang tạo ra cơ hội làm ăn, cơ hội đổi đời cho người dân.

Động lực mới

Cán đích sớm nhất là đoạn Thanh Hóa đi Vũng Áng (Hà Tĩnh) dài gần 300 km, sau gần hai năm triển khai đã cơ bản hoàn thành việc nâng cấp mở rộng. Tuyến đường bốn làn xe rộng mở không chỉ góp phần tăng khả năng lưu thông, kéo giảm TNGT trên tuyến giao thông huyết mạch trở thành động lực giúp các tỉnh khu vực Bắc miền Trung phát triển kinh tế – xã hội.

Ông Nguyễn Văn Kỷ (75 tuổi, xóm 6, Diễn Kỷ, Diễn Châu, Nghệ An) từng có gần 40 năm sinh sống và gắn bó với tuyến QL1. Bản thân ông đã chứng kiến không ít lần tuyến đường được sửa chữa, nhưng chưa bao giờ khang trang như hiện nay. Ông chia sẻ: “Hồi mới về lập nghiệp, nơi đây mênh mông đồng ruộng. 5 năm trở lại đây, khu vực này mới có khoảng trên 100 hộ dân. Tuy nhiên, giờ thì nhà cửa, hàng quán san sát người mua kẻ bán tấp nập chẳng kém thị trấn”.

Đường mở rộng, khang trang cũng mở ra cơ hội làm ăn kinh doanh buôn bán cho anh Nguyễn Thế Sơn (37 tuổi, chủ gara ô tô Sơn Lâm – Mạnh Hổ, Cầu Bùng, Diễn Kỷ, Diễn Châu). Sẵn đất rộng sát mặt đường, lại vừa có nghề sửa chữa ô tô nên khi QL1 mở rộng, anh Sơn tranh thủ rủ bạn chung vốn mở gara sửa xe: “Với 100 triệu đồng tiền đền bù cùng vốn tích góp và chút tiền vay mượn thêm, tôi đã cùng bạn xây dựng được một gara ô tô tạm gọi là khang trang nằm bên QL1 sát ngã tư Cầu Bùng nên lúc nào gara cũng làm không hết việc. Cứ đà này, khoảng hai – ba năm nữa, chúng tôi sẽ mở thêm một gara ô tô nữa”, anh Sơn vui mừng.

Tại các vùng quê của huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, nhiều hộ dân ở vùng quê nghèo khó cũng đã thực sự đổi đời. Như hộ gia đình ông Trần Xuân Liệu 54 tuổi, thôn Hoa Thắng, xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh. Trước đây, nhà ông Liệu nằm trên vùng đồi rừng, quanh năm chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng vẫn không đủ sống. Sau khi dự án QL1 triển khai, gia đình ông trở thành hộ kinh tế khá trong thôn. Ngoài số tiền đền bù 800 m2 đất được dùng để dựng căn nhà mới, ông Liệu cùng con trai còn mở thêm một ki-ốt sửa chữa xe máy kiêm bán hàng tạp hóa. Nhờ đó, đời sống cứ thế khấm khá lên từng ngày. Ông Liệu chia sẻ: “Thực tình không ai ngờ được gia đình tôi lại có ngày hôm nay. QL1 ngay trước nhà, xe cộ chạy nườm nượp, khách đến ngày một đông, việc kinh doanh vì thế ngày càng thuận lợi”.

Nắm bắt vận hội lớn

Vui mừng trước việc QL1 cán đích đúng hẹn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh Trần Quang Tuấn tâm sự, khi dự án chưa triển khai tuyến đường này là một trong những điểm nóng về TNGT của tỉnh Hà Tĩnh. Hàng năm, số vụ TNGT xảy ra trên QL1 luôn chiếm 50 – 60% số vụ TNGT trong toàn tỉnh, trong đó, đa số là những vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng bởi nguyên nhân do xe đấu đầu. Đến nay, khi dự án đã cơ bản hoàn thành, những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, thảm khốc giảm đi nhiều.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Anh Tuấn đưa ra một ví dụ khác, nếu trước đây phải mất tới 2 giờ đồng hồ để di chuyển từ TP Thanh Hóa đi Khu kinh tế Nghi Sơn thì nay thời gian còn lại chỉ khoảng hơn một giờ đi xe buýt. Như vậy, công nhân, cán bộ, chuyên gia cao cấp có thể ở Thanh Hóa sáng đi làm, tối về ăn cơm nhà bình thường. Khu kinh tế Nghi Sơn hiện quy hoạch đến 2.500 ha, đến nay, diện tích sử dụng đã chiếm đến 70%, ước tính sẽ thu hút khoảng hơn 300 nghìn người làm việc tại đây trong tương lai. “Trước đây, khoảng cách Hà Nội – Nghi Sơn hơn 200 km sẽ là một rào cản cho nhà đầu tư, tuy nhiên, hiện tại điều kiện đi lại đã trở nên thuận lợi, giảm thời gian sẽ là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư đến với Nghi Sơn”, ông Tuấn vui mừng nói.

* Trên tuyến QL1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ hiện đang triển khai gần 40 dự án nâng cấp, mở rộng. Trong số đó có, 20 dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và 18 dự án BOT, được huy động bằng nguồn vốn xã hội hóa. Tổng vốn đầu tư của các dự án này vào khoảng hơn 60 nghìn tỷ đồng. Ngoài một số đoạn như Thanh Hóa – Hà Tĩnh hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2014, các đoạn còn lại đang rốt ráo đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành dứt điểm trong năm 2015, trước kế hoạch khoảng một năm so với yêu cầu của Quốc hội.

* Đánh giá tầm quan trọng của các dự án mở rộng QL1, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, đây đều là những dự án có tầm quan trọng đặc biệt, đã đưa vào nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; được Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo từ công tác GPMB, thu xếp vốn, đến tiến độ, chất lượng xây dựng công trình. Do đó, không có lý gì chúng ta không làm tốt, triển khai đảm bảo cả tiến độ và chất lượng để công trình về đích sớm.

Thay vì trước đây mất khoảng 2h30 từ TP Hà Tĩnh đi Khu kinh tế Vũng Áng thì nay, theo tính toán của ông Trần Quang Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh chỉ còn khoảng 1 giờ 30 phút. “Dự án đầu tư tại thời điểm này là hoàn toàn toàn phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của Hà Tĩnh nói riêng và các tỉnh khu vực Bắc miền Trung. Dự án QL1 đã đồng hành với các dự án của tỉnh Hà Tĩnh, đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng cao của Khu kinh tế Vũng Áng, cửa khẩu Cầu Treo và các khu đô thị dịch vụ thương mại khác của địa phương”, ông Tuấn cho biết.

Với Hà Tĩnh, QL1 hoàn thành đưa vào khai thác sẽ là bàn đạp giúp cho tỉnh này “bứt tốc” trong việc hoàn thành quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế – xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Từ thời điểm QL1 bắt đầu được đầu tư nâng cấp, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tin chọn Hà Tĩnh làm nơi đầu tư. Trong năm 2013, 2014, Hà Tĩnh đang là tỉnh xếp thứ 6 cả nước về thu hút đầu tư FDI với hai khu kinh tế lớn là Khu kinh tế Vũng Áng và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đều nằm trong các khu kinh tế trọng điểm quốc gia do Chính phủ thành lập.

Cùng với đó, QL1 chạy song song, bổ trợ cho tuyến đường ven biển phía Nam phát triển, tạo thuận lợi cho nhân dân vùng biển phát triển thế mạnh nuôi trồng, đánh bắt và kinh doanh thủy hải sản. Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Anh Nguyễn Văn Doanh chia sẻ:  “Kỳ Anh trước đây là một trong số các huyện nghèo nhất của tỉnh Hà Tĩnh với thành phần kinh tế chính là nông nghiệp, lâm nghiệp và khai thác thủy sản. Những năm gần đây, nhờ sự phát triển nhanh của KKT Vũng Áng, cộng với hệ thống giao thông kết nối đồng bộ giữa QL1, QL12 và các tuyến tỉnh lộ mà khu vực này đang dần trở thành khu vực phát triển năng động nhất của các tỉnh Bắc miền Trung”.

Nằm giữa hai tỉnh Thanh Hóa – Hà Tĩnh, Nghệ An từ trước đến nay vẫn được coi là địa phương có lợi thế về phát triển du lịch nhất khu vực Bắc Trung bộ. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Huỳnh Thanh Điền cho rằng: “Ngay từ bây giờ, QL1 đã khẳng định vai trò về việc kết nối giao thông cho Nghệ An với Hà Nội cũng như các địa phương trong khu vực. Với đặc thù là địa phương, có hệ thống giao thông thuận lợi gồm cả đường sắt, đường biển và đường bộ, nhiều địa danh du lịch như: Cửa Hiền, Cửa Hội, Cửa Lò, Bãi Lữ, bãi biển Diễn Thành. Dự án QL1 sẽ có tác dụng, kết nối đồng bộ với QL 7, QL 48, QL 46 và các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ sẽ tạo thêm cơ hội cho Nghệ An khai thác tối đa lợi thế về du lịch và phát triển khu công nghiệp, vùng kinh tế biển trong tương lai’.

Hiện tại, các địa phương từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đang khẩn trương tính toán việc tăng cường hệ thống vận tải khách công cộng bằng xe buýt từ các đô thị trung tâm đến các khu du lịch, khu kinh tế, công nghiệp nhằm phát huy tối đa hiệu quả hưởng lợi từ hạ tầng giao thông ngay khi dự án nâng cấp QL1A kết thúc.

Ngóng từng ngày QL1 nên vóc, nên hình

Ngoài đoạn Thanh Hóa – Hà Tĩnh đã đưa vào khai thác, người dân các địa phương còn lại trên tuyến QL1 đang ngày ngày mong ngóng tuyến đường sớm hoàn thành đồng bộ, liền mạch từ Bắc chí Nam. Cụ Nguyễn Đình Tân (67 tuổi, Tam Kỳ, Quảng Nam) hấp háy đôi mắt nhìn diện mạo mới QL1 đang hình hài, mừng rỡ: “Nhà tôi sống cả đời dọc QL1, lúc bắt đầu thi công, nhà tôi có bị giải tỏa, cũng rất tâm tư. Nhưng cứ nhìn con đường mỗi ngày một to, đẹp đang lên hình hài, ai cũng mãn nguyện”.

Cũng theo cụ Tân, do được tổ chức thi công cuốn chiếu nên nhiều đoạn tuyến QL1 qua Quảng Nam đã hoàn thành cơ bản. Mặt đường đen mịn, sáng bóng rất đã tầm mắt.

Trên chiếc ô tô khách chất lượng cao Đông Hà – BX Miền Đông, anh Phong (34 tuổi, P 5 Đông Hà) vui mừng bảo: Từ thời xe chợ hơn chục năm trước, cả nhà đã gắn nghiệp “trên từng cây số” từ ghế ngồi, rồi ngả và giờ là giường nằm. Hầu như từng kilomet đường, anh Phong đều nhớ rõ. “QL1 nâng cấp, đường thênh thang, chất lượng hơn, đi thấy an tâm, an toàn hơn nhiều”, anh Phong nói.

“Tầm vóc, quy mô dự án là cách “thử lửa” bản lĩnh, tiềm năng các nhà đầu tư. Không phải đến bây giờ yêu cầu mở rộng, nâng cấp QL1 mới đặt ra, đó là đòi hỏi từ thực tiễn nhưng nhờ sự quyết tâm, trách nhiệm của Bộ GTVT tuyến đường “huyết mạch” đất nước có diện mạo mới. Chính sách mới tạo động lực, thu hút nhà đầu tư bằng cả tâm huyết, trách nhiệm của mình để chung tay triển khai”.

Ông Huỳnh Kim Lập
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng Thiên Tân, đơn vị hiện là nhà đầu tư dự án BOT lớn trên QL1 chia sẻ.

Theo Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam Nguyễn Văn Nhân, QL1 giờ mở rộng ra được bốn làn xe. Các nhà thầu tập trung thi công, phấn đấu đến tháng 6/2015 hoàn thành đưa vào khai thác. Nhưng những đoạn đã hoàn thành cơ bản, dù đang “chạy thử” nhưng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Đường mở rộng đến đâu thì phát triển đến đó. Lái xe cũng thông thoáng tầm nhìn, phương tiện lưu thông an toàn hơn. Không chỉ QL1, sự kết nối giữa các cung đường đang báo hiệu diện mạo mới cho các địa phương miền Trung.

Những ngày “cao điểm” triển khai dự án QL1, ông Ngô Đông Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định rốt ráo, đốc thúc từng tiến độ GPMB, chất lượng thi công… Theo ông Hải, QL1 không chỉ là bước đột phá của ngành GTVT mà có ý nghĩa đặc biệt với các địa phương. Bao năm nay, Bình Định – mảnh đất “Quy Nhơn gầy” vốn là điểm cuối “quá tầm với” của các dự án giao thông từ Bắc vào, đồng thời là điểm khó có thể kết nối các dự án giao thông từ Nam ra. Lần này, dự án QL1 triển khai xuyên suốt, không còn dừng lại ở “điểm nghẽn” Bịnh Định nữa.

Theo ông Hải, đặc thù QL1 chạy dài qua tỉnh, như một “xương sống” tạo thế vững chắc, “huyết mạch” đúng nghĩa của nền kinh tế. Đường thông, khả năng chuyên chở hàng hóa, vận tải gia tăng, kết nối giao thông giữa đường sá các KCN, cảng biển tăng cao, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Dự án nâng cấp, mở rộng QL1 khi đưa vào sử dụng được đánh giá tạo cơ hội thực sự cho phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh, thành trên địa bàn. Lãnh đạo Sở GTVT Quảng Trị cho rằng: QL1 tạo điểm nhấn giao thông trên “hành lang kinh tế Đông-Tây” (EWEC) đi qua bốn nước: Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam. Trong đó “chợ” hàng hóa lớn nhất phải kể đến cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) tạo kênh phân phối khắp các tỉnh miền Trung. Theo Hiệp hội Vận tải đường bộ Đà Nẵng, chỉ riêng tuyến vận tải Đà Nẵng – Thái Lan, nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các DN mỗi tháng là hàng ngàn container. Khảo sát lượng hàng hóa tại Thái Lan xuất khẩu sang các nước thứ ba mỗi năm không dưới 20 triệu tấn. Trong đó, hàng lương thực, sắn, gạo của Thái xuất đi Trung Quốc 5-6 triệu tấn/năm.

“Đường thông thoáng, hệ thống cảng biển nâng cấp, chuỗi hệ thống logistics tăng cường sẽ tạo hấp lực khai thác vận tải, thu hút nhà đầu tư”, ông Tô Văn Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ TP Đà Nẵng nói.

Nhóm PV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP