Như LĐ&ĐS số 45/2015 ra ngày 19.11.2015 đã phản ánh, năm 1986, hộ ông Kiều Đình Tùng và bà Nguyễn Thị Lộc (xã Trung Lương, huyện Đức Thọ) được cấp một mảnh đất bám QL1A, nay thuộc địa phận phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh. Ngày 13.1.1992, ông Tùng, bà Lộc lập giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Kiều Thị Quý (em gái ông Tùng). Nội dung hợp đồng ghi chuyển nhượng cho bà Quý nhà ngang.
Về đất đai nêu: “Toàn bộ diện tích đất đai sau khi giao đủ tiền thì hộ Quý có quyền sử dụng lâu dài”. Hợp đồng này đến năm 1994 được ông Hồ Văn Vinh – Trưởng công an phường Trung Lương – ký, đóng dấu xác nhận. Phía dưới là dòng chữ: “Số tiền o dượng đã giao đủ kể từ giờ phút này o có quyền sử dụng đất đai hợp pháp số tiền đã giao đủ (là năm triệu tám trăm…)” và chữ “Lộc”. Tiếp đó, có nội dung vẽ hình thể mảnh đất, nhưng nội dung này nằm ngoài hợp đồng và không có chữ ký của bà Lộc, ông Tùng.
Sau khi dùng thủ đoạn (nhờ người giả chữ ký hộ giáp ranh) để làm sổ đỏ đất cho mình bị lật tẩy, bà Kiều Thị Quý khởi kiện đòi lại mảnh đất nói trên. Lúc này, ông Tùng đã qua đời. Phía gia đình bà Nguyễn Thị Lộc cho rằng, không có chuyện mua bán đất, mà hợp đồng chuyển nhượng nói trên được lập để “gán nợ” do hai bên có quan hệ kinh doanh trước đây. Tại phiên tòa ngày 25 – 29.1.2016, TAND TX.Hồng Lĩnh đã tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn – bà Kiều Thị Quý, buộc gia đình bà Nguyễn Thị Lộc giao nhà ngang và diện tích đất 333,2m2 cho bà Kiều Thị Quý.
TAND TX.Hồng Lĩnh đã “phủ quyết” toàn bộ kết luận giám định về vụ việc của cơ quan chức năng về thời điểm xác lập hợp đồng. Thời điểm hai bên viết giấy chuyển nhượng nhà, đất được bà Quý khẳng định trong đơn khởi kiện là ngày 13.1.1992. Tại phiên tòa, phía gia đình ông Tùng khẳng định lại điều này và đề nghị tòa tuyên hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu bởi vì vào thời điểm 1992, Nhà nước có quy định cấm mọi hình thức mua bán chuyển nhượng đất. Tại 2 kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an (số 171 ngày 29.12.2014; số 71 ngày 27.5.2015) và kết luận giám định của Bộ Quốc phòng (số 92 ngày 15.9.2015), đều xác định thời điểm chuyển nhượng đất là 13.1.1992.
Tuy nhiên, TAND TX.Hồng Lĩnh lại “lái” thời điểm hai bên lập giấy chuyển nhượng vào ngày 13.1.1994 (lùi lại 2 năm). Lý do, theo TAND TX.Hồng Lĩnh, vì bên nguyên đơn cho rằng “thời gian đã lâu, tài liệu giấy tờ bị mờ nên ghi nhầm”. Nguyên nhân thứ hai là trong đơn, ông Tùng – bà Lộc nêu địa danh “thị xã Hồng Lĩnh”, mà tại thời điểm đó thị xã Hồng Lĩnh chưa ra đời (TX Hồng Lĩnh thành lập ngày 2.3.1992). Về điều này, phía gia đình bà Nguyễn Thị Lộc cho rằng, việc thành lập thị xã Hồng Lĩnh trước đó đã được xúc tiến, người dân đều đã biết, nên bà viết là “thị xã Hồng Lĩnh”. Việc nguyên đơn cho rằng thời gian dài và giấy tờ bị mờ nên ghi nhầm là vô lý, bởi vì cả ba kết luận giám định đều khẳng định rõ ràng thời điểm chuyển nhượng là 13.1.1992.
TAND TX.Hồng Lĩnh dựa vào dòng chữ phía sau hợp đồng (trang 2): “Bám mặt đường quan: Phía trước 14m Sau 14m, sát…”, đã xác định được hình thể thửa đất: “Chiều rộng bám mặt đường 14m, chiều dài 23,8 m”. Mặc dù trong hồ sơ chuyển nhượng không có nội dung ghi chiều dài thửa đất theo ý chí của hai bên mua – bán, nhưng TAND TX.Hồng Lĩnh lại xác định kích thước này theo lời các nhân chứng. Tất cả các nhân chứng này đều không trực tiếp có mặt vào thời điểm hai bên làm giấy tờ chuyển nhượng, tất cả chỉ là “nghe nói, nghe kể lại”.
Luật sư Nguyễn Văn Minh – Đoàn Luật sư Nghệ An – cho biết: “Không những một, mà cả ba văn bản kết luận giám định rõ như vậy mà còn bị tòa bác thẳng thừng. Lời khai của các nhân chứng rất vu vơ nhưng cũng được chấp nhận. Tôi chưa thấy cách xử án ở đâu lạ như ở đây”.
Clip khu đất tranh chấp: