Trong nước

6 tháng phát hiện hơn 200 tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam

Trong 6 tháng đầu năm 2017, qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đã quan sát được 2.264 tàu, trong đó phát hiện 201 tàu cá của Trung Quốc hoạt động xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Kiểm tra 541 tàu hoạt động trên biển, trong đó có 17 tàu của Trung Quốc; số tàu cá vi phạm các lỗi là 146 tàu, có 17 tàu Trung Quốc.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đã phát hiện 201 tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam (Ảnh minh họa: Mạnh Hùng).

Nguồn từ Cục Kiểm ngư Việt Nam (Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT) cho biết, thực hiện kế hoạch phối hợp hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát giữa Cục Kiểm ngư và Bộ Tham mưu Hải Quân, trong 6 tháng đầu năm 2017, Cục Kiểm ngư đã phối hợp chặt chẽ, khoa học với Bộ Tham mưu Hải Quân để sử dụng lực lượng tàu kiểm ngư của các chi đội 2,3,4 thực hiện nhiệm vụ tuần tra phối hợp ở vùng biển cửa Vịnh Bắc Bộ, vùng biển bốn tỉnh miền trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), vùng biển Nam Tây Nam.

Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Kiểm ngư vùng I, Chi cục Kiểm ngư vùng V triển khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát vùng đánh cá chung Việt Nam – Trung Quốc, vùng biển các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau thuộc chủ quyền biển Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2017, đã huy động 15 đợt với 38 lượt tàu, 455 thuyền viên, công chức, viên chức kiểm ngư, thực hiện 280 ngày bám biển, mỗi đợt đi biển từ 20 đến 30 ngày. Qua tuần tra, kiểm soát, đã quan sát được 2.264 tàu, trong đó phát hiện 201 tàu cá của Trung Quốc hoạt động xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Kiểm tra 541 tàu hoạt động trên biển, trong đó có 17 tàu của Trung Quốc; số tàu cá vi phạm các lỗi là 146 tàu, có 17 tàu Trung Quốc.

Các lỗi vi phạm chủ yếu của tàu cá Việt Nam là: Hoạt động sai vùng, sai tuyến; Thiếu trang thiết bị hàng hải; Thiếu giấy tờ tùy thân hoặc không có tên trong danh sách thuyền viên; Không có dấu hiệu nhận biết ngư trường, hoạt động không theo vùng, theo tuyến; Khai thác thủy hải sản bằng nghề cấm, trong khu vực cấm, khu vực bảo tồn.

Đối với các tàu cá nước ngoài, các lỗi vi phạm: Khai thác trái phép trên vùng biển Việt Nam; Cản trở hoạt động hợp pháp của ngư dân ta trên vùng biển chủ quyền, ngư trường truyền thống của Việt Nam; Đối với số tàu cá Trung Quốc khai thác trên vùng đánh cá chung vi phạm một số quy định của Hiệp định nghề cá Việt Nam – Trung Quốc như không đủ giấy tờ, không ghi nhật ký khai thác theo quy định.

Đối với 17 tàu của Trung Quốc vi phạm, đoàn kiểm tra đã lập biên bản, quay phim, chụp ảnh, phóng thích, trục xuất ra khỏi vùng biển Việt Nam và yêu cầu họ không được tái xâm phạm.

Kết quả hoạt động tuần tra 6 tháng đầu năm nhìn chung đạt được mục đích yêu cầu, chấp hành và thực hiện kế hoạch phối hợp: Thực hiện đúng, đủ kế hoạch, đúng thẩm quyền, đúng quy trình, quy phạm, đúng pháp luật bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt.

Trong quá trình tuần tra đã kết hợp tốt công tác kiểm tra, kiểm soát hành vi vi phạm về pháp luật thủy sản đồng thời kết hợp tốt công tác tổ chức tuyên truyền cho ngư dân hiểu rõ, nắm chắc các biện pháp, chế tài áp dụng của các nước xung quanh biển đông trong thực thi về thủy sản; yêu cầu chủ tàu ra khơi bám biển phải đầy đủ thủ tục liên quan đến con tàu, người đi trên tàu nhằm đảm bảo an toàn cho tàu khi ra khơi bám biển sản xuất cũng như trong phòng chống bão lũ, thiên tai.

Bên cạnh đó, đã tuyên truyền, hướng dẫn vận động ngư dân không khai thác hải sản ở tầng đáy khu vực 4 tỉnh miền trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế nhằm tái tạo phục hồi nguồn lợi thủy hải sản đáp ứng được cơ cấu loài trong hiện tại và tương lai.

Qua kết quả tuần tra, khẳng định rằng trong điều kiện lực lượng Kiểm ngư trung ương còn mỏng thì việc phối kết hợp tuần tra với lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản địa phương và lực lượng kiểm ngư các chi đội là hết sức cần thiết phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các bên.

Tác giả: Nguyễn Dương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP