Nằm trong danh sách “bị chất vấn” nên Chủ tịch Quốc hội không điều hành phiên chất vấn như thường lệ. Người giữ nhịp cho màn hỏi đáp giữa đại biểu và các thành viên Chính phủ là Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn.
Tuy vậy, sốt ruột với cả phần hỏi dài dòng của đại biểu (từ 7 phút buổi sáng 16/11, đã điều chỉnh còn 2 phút – PV) lẫn câu trả lời không đi thẳng vào vấn đề của các bộ trưởng, ngày 17/11, Chủ tịch Quốc hội đã liên tục đăng đàn.
“Gay cấn” nhất là màn đối đáp giữa vị Chủ tịch và Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình về chức danh “hàm” không có trong quy định pháp luật. Chỉ trong 3 phút, ông Hùng đã liên tục phải nhắc lại câu hỏi của đại biểu, diễn giải ý của vị trưởng ngành Nội vụ để chốt vấn đề:
– Tôi đề nghị đồng chí Bộ trưởng, câu hỏi đơn giản thôi, Trung ương làm như thế có đúng không? Bây giờ nếu đúng thì địa phương chúng tôi làm được không? Bây giờ đồng chí trả lời vào chỗ đó thôi…
– Sau khi nghiên cứu, bây giờ có 2 nhóm ý kiến…
– Quá trình đấy đồng chí nói ra đây làm gì, quá trình nghiên cứu vô cùng nhiều việc. Bây giờ đồng chí chỉ nói là việc ấy đồng chí xử lý thế nào? Bây giờ người ta đang hỏi là địa phương chúng tôi có được làm không?
– Tới giờ này không có văn bản nào của Đảng, của Nhà nước quy định là cho phép làm. Kết thúc nghiên cứu đề án, chúng tôi xin ý kiến Thủ tướng có 2 nhóm: Nhóm thứ nhất, đề nghị công nhận chức danh này, nêu rõ ưu điểm, hạn chế của nhóm này. Nhóm thứ hai, đề nghị không quy định chức danh này, có ưu điểm, có hạn chế.
Ngày 8/10 chúng tôi đã báo cáo xin ý kiến Thủ tướng, Thủ tướng cho Văn phòng Chính phủ ngày 29/10 thông báo ý kiến Thủ tướng đề nghị giao cho Bộ Nội vụ chủ trì, cùng với các đồng chí trong ban nghiên cứu hoàn thiện đề án để báo cáo xin ý kiến Chính phủ.
– Bây giờ địa phương có được làm không?
– Hiện bây giờ thì chưa có quy định nào nên không thể làm được.
Chủ tịch Quốc hội truy vấn Bộ trưởng Nội vụ |
– Đồng chí nói dứt điểm, có phải ý đồng chí là việc này trên thực tế là có, đang làm nhưng làm như thế là không có quy định của pháp luật nào, là sai. Tuy nhiên, đấy là một thực tế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đang được giao nghiên cứu. Trong khi đang nghiên cứu thì địa phương cũng không được mở rộng, không được làm, đúng không?
– Trong khi nghiên cứu cả bộ, ngành, trung ương và địa phương là không được tiếp tục làm.
– Cả trung ương và địa phương không được tiếp tục, đồng chí nói dứt điểm như thế. Có phải thế không?
– Đúng như vậy.
Trước đó, sau hơn 20 phút trình bày mà không đi vào nội dung chính của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng buộc phải đăng đàn về vụ 34.000 tỷ đồng nợ thuế:
– Đồng chí Bộ trưởng đi vào câu hỏi, còn giải trình gửi báo cáo tới Quốc hội. Đại biểu chỉ hỏi còn 60.000 – 70.000 tỷ nợ đọng, trong đó có 34.000 tỷ là có thể thu được, biện pháp thế nào, có thu được không? Đồng chí chỉ nói trả lời dứt điểm là có thu được không?
– Báo cáo với Quốc hội là chúng tôi đang quyết liệt và chúng tôi khẳng định là sẽ thu được.
– Bộ trưởng khẳng định là 34.000 tỷ là chắc chắn thu được, còn 64.000 tỷ là phấn đấu.
– Báo cáo với Quốc hội, năm nay số thu được là 31.000 tỷ, còn lại 34.000 tỷ đang treo. Chúng tôi hiện nay đang phân công các đoàn…
Chủ tịch Quốc hội truy Bộ trưởng Tài chính vụ 34.000 tỷ nợ thuế |
– Đồng chí chỉ cần cam kết với Quốc hội là chúng tôi đảm bảo thu được.
– Báo cáo với Quốc hội là chắc chắn chúng ta thu được. Vấn đề cuối cùng, về cải cách thủ tục hành chính. Vừa qua ngành tài chính đã hết sức nỗ lực, về thuế chúng ta đã giảm được 420 giờ nộp thuế.
- Bây giờ chỗ này đồng chí nói gọn, 1.200 giờ và sau 2 năm đã giảm được xuống 470 giờ đúng không?
– Báo cáo Quốc hội, 872 giờ, trong đó của thuế 537 giờ, của bảo hiểm xã hội là 335 giờ.
– Sắp tới vào ASEAN sẽ giảm xuống mấy giờ? Nhóm 6 nước, nhóm 5 nước?
– Thuế chúng ta đã giảm được từ 537 giờ hiện nay xuống còn 117 giờ, đó là theo lý thuyết. Nhưng vừa qua báo cáo với Ngân hàng thế giới mới được có 40 giờ…
Tương tự, do Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng không trả lời thẳng vào câu hỏi, ông Nguyễn Sinh Hùng buộc phải chất vấn hộ đại biểu về giải pháp của Bộ liên quan tới quy hoạch và quản lý xây dựng trước vấn nạn ùn tắc giao thông:
– Đồng chí Bộ trưởng nên đi vào trọng tâm câu hỏi, không ai yêu cầu trả lời những việc đấy. Đại biểu chỉ hỏi là quản lý quy hoạch, có quy hoạch chung rồi, làm sao mà cứ lộn xộn như thế? Có chủ trương di dời rồi làm sao bây giờ lại không di dời được, trách nhiệm của Bộ Xây dựng thế nào? Phải đi thẳng vào câu hỏi này mới giải đáp được vấn đề.
– Tôi hiểu là đại biểu Lê Nam có hỏi là tình hình như thế thì trách nhiệm của Bộ Xây dựng liên quan đến quy hoạch thế nào. Quy hoạch ở đây là tổng thể quy hoạch đô thị, liên quan đến cả quy hoạch về xây dựng, quy hoạch giao thông và những vấn đề liên quan đến ùn tắc giao thông thì liên quan như thế nào.
Trong thời gian muốn trả lời một cách tổng thể như vậy, sau đó trách nhiệm này là chung của Chính phủ, riêng Bộ Xây dựng không thể làm được hết, trách nhiệm ở đây sau này các bộ, ngành cùng phải làm để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông. Như tôi vừa báo cáo ban đầu, vấn đề ùn tắc giao thông ở đây cần thiết phải có một lộ trình và có sự phối hợp đồng bộ cả về nguồn lực và những giải pháp khoa học.
Chủ tịch Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Xây dựng |
– Trách nhiệm của Chính phủ thì đúng rồi, nhưng ở đây đại biểu chỉ hỏi là trách nhiệm của Bộ Xây dựng. Chính phủ thì đương nhiên là Thủ tướng đứng đầu, các bộ, các ngành phải làm nhưng đại biểu chỉ hỏi là trách nhiệm của Bộ Xây dựng về mấy việc, quy hoạch có rồi, bây giờ lại làm không đúng, giấy phép thấp tầng cứ xây cao tầng, phạt và cho tồn tại, tại sao trong quá trình quản lý thì không biết, đến lúc xảy ra rồi lại đập phá thì hại cả cho dân. Chỗ này đồng chí phải trả lời sâu vào mới giải quyết được vấn đề.
– Chúng tôi đã trả lời như vậy. Nếu theo câu hỏi cụ thể thì chúng tôi sẽ có trả lời thêm. Xin cảm ơn.