GS Nguyễn Đức Khương (Học viện Kinh tế IPAG, Pháp). Ảnh: ĐHQG Hà Nội |
Cụ thể, GS.Nguyễn Đức Khương được xếp hạng 2.185 và TS. Nguyễn Việt Cường được xếp hạng 2.516 nhà kinh tế hàng đầu trên thế giới (top 5% bao gồm 2.528 người).
Trong khi nhà kinh tế Nguyễn Đức Khương là người "tương đối có tiếng" tại Việt Nam (anh vừa được bổ nhiệm làm thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng và năm ngoái cũng được RePec xếp hạng trong top 200 nhà kinh tế trẻ hàng đầu thế giới) thì TS. Nguyễn Việt Cường là người “kín tiếng” hơn.
TS. Cường hiện là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong, một tổ chức chuyên nghiên cứu các vấn đề kinh tế phát triển; đồng thời anh cũng là Phó Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Hướng nghiên cứu của TS. Cường bao gồm: nghèo đói, đánh giá và phân tích định lượng tác động của dự án và các chương trình, chính sách kinh tế xã hội.
TS Nguyễn Việt Cường (Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong và Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) |
Theo thống kê của RePec, GS. Nguyễn Đức Khương đã công bố 62 ấn phẩm nghiên cứu (working paper) và 82 bài báo khoa học trong giai đoạn 2008 -nay.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Việt Cường đã công bố 95 ấn phẩm nghiên cứu và 50 bài báo khoa học trong giai đoạn từ 2002 đến nay.
Được biết, RePec (Research Papers in Economics) là một dự án được khởi động từ năm 1997, do Ngân hàng dự trữ liên bang St. Louis tài trợ, với sự tham gia của hàng trăm tình nguyện viên trên thế giới.
RePec lưu trữ hơn 1 triệu bản thảo khoa học bao gồm: ấn phẩm nghiên cứu, bài báo khoa học, sách, chương sách về các lĩnh vực liên quan đến kinh tế.
Ngoài việc công bố các xếp hạng tác giả, hàng tháng RePec còn công bố các xếp hạng theo đơn vị nghiên cứu.
Về phạm vi xếp hạng, ngoài bảng xếp hạng tổng thể toàn thế giới, RePec còn có các xếp hạng theo khu vực, quốc gia, giới tính, độ tuổi ….
Dưới đây là bảng xếp hạng 5 đơn vị nghiên cứu kinh tế hàng đầu Việt Nam và 5 nhà kinh tế hàng đầu Việt Nam tháng 7/2017(1) .
Tác giả: Phạm Hiệp
Nguồn tin: Báo VietNamNet