Gia đình ông Phạm Văn Tiến có con đã 4 tuổi nhưng chưa có giấy khai sinh do chưa đóng 2 triệu đồng “tự nguyện” – Ảnh: Doãn Hòa
Nói về vấn đề này, cán bộ xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho biết hằng năm xã đều cho người dân ký bản cam kết thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình nếu sinh con thứ ba thì phải tự nguyện đóng phí trên.
Tại xã này, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhiều bé từ 2, 4, thậm chí là 7 tuổi mà vẫn chưa có giấy khai sinh vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chưa nộp được khoản thu tự nguyện 2 triệu đồng.
Có gia đình cho biết họ không biết lấy đâu ra khoản tiền 2 triệu đồng nên đến nay vẫn chưa khai sinh cho con được. Kèm với đó là nỗi lo ngại khi trẻ đủ tuổi đến trường mà vẫn chưa có khai sinh thì sẽ khó khăn hơn nữa.
Cán bộ xã cho biết đây là khoản thu tự nguyện dựa trên bản cam kết thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình mà người dân ký với với xã hằng năm và không có chuyện phải đóng tiền mới được làm giấy khai sinh.
Trong bản cam kết có nội dung: Chúng tôi tự nguyện đóng góp một khoản kinh phí ít nhất 2 triệu đồng cho Ban dân số – kế hoạch hóa gia đình xã, phường, thị trấn để góp phần đầu tư cho công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình của địa phương.
“Nếu hộ gia đình nào khó khăn thì viết đơn cho xóm trình bày hoàn cảnh, chúng tôi sẽ xem xét miễn, giảm” – bà Nguyễn Thị Thủy, cán bộ dân số, kế hoạch hóa gia đình xã Võ Liệt, nói.
Có giấy khai sinh là quyền hợp pháp của trẻ em
Ở góc độ pháp luật, luật sư (LS) Trần Ngọc Quý, Đoàn LS TP.HCM, cho biết khoản thu 2 triệu đồng, dù mang tính tự nguyện như cán bộ xã Võ Liệt nói cũng là không có cơ sở.
Theo ông Quý, trong trường hợp người dân có vi phạm về quy định về chính sách kế hoạch hóa gia đình thì cơ quan có thẩm quyền phải căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật (nếu có) để xem xét, xử lý giải quyết chứ không được đặt ra các quy định về đóng góp tự nguyện với mục đích tái chăm lo cho công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình của địa phương.
Luật sư Lê Quang Vũ, Văn phòng LS Người Nghèo, TP.HCM, cho biết điều 7 Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989, Việt Nam phê chuẩn ngày 20-2-1990 quy định trẻ em phải được đăng ký ngay lập tức sau khi được sinh ra và có quyền có họ tên, có quốc tịch ngay từ khi chào đời, và trong chừng mực có thể, quyền được biết cha mẹ mình và được cha mẹ mình chăm sóc.
Điều 11 Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 quy định trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch. Trẻ em chưa xác định được cha, mẹ, nếu có yêu cầu thì được cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ để xác định cha, mẹ theo quy định của pháp luật.
Theo điều 5 Thông tư liên tịch 05/2015 của Bộ Tư pháp, Công an, Bộ y tế thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm đăng ký khai sinh, đồng thời làm thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Nếu để xảy ra tình trạng trẻ em được sinh ra lớn lên mà không có giấy khai sinh thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về cha mẹ, người giám hộ, kế đến là trách nhiệm của chính quyền cấp xã đã gây khó khăn, cản trở ảnh nghiêm trọng đến quyền lợi của trẻ em mà luật pháp đang bảo vệ.
Cũng dẫn lại những quy định này, PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc, Viện Nghiên cứu con người, Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN, khẳng định mỗi đứa trẻ ra đời đều có quyền được công nhận là công dân, không chỉ được bảo vệ bởi luật pháp của nước sở tại mà còn bởi các công ước quốc tế.
Không có giấy khai sinh, trẻ thiệt đủ đường
Giấy khai sinh, theo bà Ngọc, giống như một tấm giấy “thông hành” để công nhận sự ra đời của một đứa trẻ và bảo đảm những quyền lợi về sau cho trẻ như quyền được bảo vệ, được đến trường, được xã hội quan tâm, chăm sóc….
Nếu không được làm khai sinh từ khi sinh ra, đứa trẻ sẽ bị thiệt thòi nhiều mặt về quyền trẻ em và còn gây khó khăn cho các cơ quan quản lý.
Đó là chưa kể năm này qua năm khác, thông tin thân nhân về ngày, tháng, năm sinh, họ tên, quê quán… của trẻ cũng có thể bị gia đình ghi nhận lại không chính xác, dẫn đến những ảnh hưởng về sau.
“Về mặt pháp lý, không được khai sinh đồng nghĩa với việc các em không có mặt trên trái đất này. Giấy khai sinh là một chứng từ cực kỳ quan trọng để trẻ em có cơ hội thực hiện các quyền khác về chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục, y tế… Không có khai sinh hoặc khai sinh quá muộn, các em không thể tham gia bảo hiểm y tế để được khám chữa bệnh miễn phí đối với trẻ em dưới 6 tuổi, không được tham gia phổ cập giáo dục, không căn cứ để cấp thẻ căn cước công dân khi đủ 14 tuổi… “, LS Lê Quang Vũ phân tích cụ thể.
“Tôi biết còn có những địa phương thu tự nguyện 500.000 đồng, 1 triệu đồng đối với những gia đình có con thứ ba trở đi. Người dân đã nghèo túng, khó khăn, tiền đâu để nộp? Không nộp tiền cho con thì khó khăn trong việc làm giấy khai sinh. Cái này ràng buộc cái kia như thế là không ổn.
Tôi cho rằng các địa phương nên áp dụng những cách thức động viên, khuyến khích, hướng dẫn người dân tham gia kế hoạch hóa gia đình một cách thiết thực, sáng tạo và hợp tình, hợp lý, thay vì những biện pháp có tính sức ép và có thể dẫn đến những tác động tiêu cực, có thể ảnh hưởng đến trẻ em”, PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc nói.
PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc cho biết thêm trong các nghiên cứu gần đây, dân số VN đang có xu hướng già hóa và việc áp dụng các biện pháp, chính sách kế hoạch hóa gia đình cũng nên được cân nhắc kỹ càng hơn trong bối cảnh hiện nay.
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài
>> PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc
> LS Trần Ngọc Quý
VÕ HƯƠNG – DOÃN HÒA – AN NHIÊN