Tin Hà Tĩnh

Tranh cãi về việc khởi tố người hắt tiết lợn vào Chủ tịch UBND huyện

Việc chị Nguyễn Thị Loan bị xử lý hành chính hay đến mức xử lý hình sự, phải chịu hình phạt thì phải căn cứ vào diễn biến cụ thể của hành vi, nguyên nhân, động cơ, mục đích và thái độ của 2 bên trước, trong và sau khi xảy ra sự việc.

Cơ quan điều tra Công an huyện Hương Khê vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Thị Loan (38 tuổi, trú thị trấn Hương Khê) về tội Làm nhục người khác. Bị can được tại ngoại song cấm đi khỏi nơi cư trú.

Nguyễn Thị Loan được xác định là có lời lẽ lăng mạ, xúc phạm và dùng chai đựng tiết lợn đổ lên người ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê khi ông này đi kiểm tra việc giết, mổ gia súc tại chợ Sơn (thị trấn Hương Khê) vào 3h sáng 9/2.

Xung quanh vụ việc này có nhiều tranh cãi, liệu hành vi của chị Loan có đáng bị xử lý đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hay chỉ nên xử lý vi phạm hành chính. Báo Người Đưa Tin xin được dẫn bài viết của Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng VP Luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Phải khẳng định rằng người phụ nữ có những lời nói lăng mạ và hành động hắt chai tiết lợn vào người Chủ tịch huyện và đoàn công tác khi những cán bộ này đang đi kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh thịt lợn về vệ sinh an toàn thực phẩm, giết mổ gia súc tập trung... là hành động sai trái.

Cho dù thế nào hành động này cũng thể hiện thái độ không hợp tác, không chấp hành, thậm chí coi thường người thi hành công vụ, xâm hại tới danh dự, nhân phẩm và uy tín của ông Chủ tịch huyện và các cán bộ có liên quan.

Dưới góc độ pháp lý, hành vi này được xác định là chống người thi hành công vụ, làm nhục người khác. Vì vậy, hành vi này cần phải được xem xét xử lý theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, việc chị Nguyễn Thị Loan bị xử lý hành chính hay đến mức xử lý hình sự, phải chịu hình phạt thì phải căn cứ vào diễn biến cụ thể của hành vi, nguyên nhân, động cơ, mục đích và thái độ của 2 bên trước, trong và sau khi xảy ra sự việc.

Ngoài ra cũng làm rõ yếu tố nhân thân và mức độ nhận thức của người phụ nữ này để đánh giá sự việc một cách toàn diện, xác định rõ động cơ, mục đích, trạng thái tâm lý, mức độ lỗi hậu quả xảy ra thì mới có thể kết luận vụ việc và có hướng xử lý công bằng, khách quan, đúng quy định pháp luật.

Theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi chống người thi hành công vụ và hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác (làm nhục người khác) đều có thể bị áp dụng chế tài hành chính (xử phạt vi phạm hành chính) hoặc chế tài hình sự (xử lý về tội Chống người thi hành công vụ hoặc tội Làm nhục người khác).

Nếu đoàn kiểm tra do ông Chủ tịch dẫn đầu sai phạm trong quá trình thực hiện công vụ, có những hành vi chưa chuẩn mực khiến người phụ nữ đó bức xúc, bị kích động dẫn đến hành động phản kháng như vậy, bản thân người phụ nữ này nhân thân tốt, luôn chấp hành pháp luật thì hành vi này chỉ đáng để xử lý hành chính.

Cụ thể, phạt tiền theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

"1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác".

Hoặc xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ với mức phạt quy định như sau:

"3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

b) Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;

c) Thuê hoặc lôi kéo người khác đánh nhau;

g) Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

h) Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức".

Nếu người phụ nữ này có nhân thân xấu, bản thân luôn không tôn trọng pháp luật, hành vi của ông Chủ tịch và đoàn công tác là chuẩn mực, không có hành vi, thái độ kích động, gây bức xúc cho các tiểu thương... mà người phụ nữ này lại có hành vi có tính chất "chợ búa", thiếu văn hóa, xúc phạm nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của ông Chủ tịch và đoàn công tác, thực hiện hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý, hình ảnh, tác phong, uy tín của Chủ tịch UBND huyện, gây tâm lý không tốt cho nhân dân thì hành vi trong trường hợp này được xác định là hành vi nguy hiểm cho xã hội, cần áp dụng các chế tài hình sự để xử lý theo quy định pháp luật.

Cụ thể có thể khởi tố về tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Hiện nay, cơ quan điều tra, Công an huyện Hương Khê, Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với chị Nguyễn Thị Loan về tội Làm nhục người khác. Do vụ việc thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên chị Loan được áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ hoạt động điều tra chứ không bị áp dụng biện pháp tạm giam như những vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Từ sự việc nêu trên có thể thấy việc tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành pháp luật, thực hiện tốt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đang vấp phải những khó khăn nhất định do văn hóa, nhận thức, thái độ, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận công dân.

Để làm tốt công tác này đòi hỏi các cán bộ phải tận tâm, mẫu mực và phải có biện pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật hợp lý, hiệu quả, tránh để xảy ra những vụ việc cản trở, chống đối như vụ việc này, gây tâm lý không tốt cho xã hội, ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh của người thi hành công vụ, ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân.

Nếu bị kết tội về tội danh Làm nhục người khác thì người phụ nữ này sẽ bị áp dụng tình tiết định khung hình phạt theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 155, Bộ luật Hình sự: "Đối với người đang thi hành công vụ", khi đó hình phạt sẽ được áp dụng là phạt tù từ 3 tháng tới 2 năm.

Tác giả: LS.Đặng Văn Cường

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP