Xã hội

Pháo hoa rực sáng giữa khu dân cư sau trận chung kết

Sau trận chung kết giải U23 Châu Á giữa đội tuyển Việt Nam và Uzbekistan, đã xảy ra vụ bắn pháo hoa ngay giữa khu dân cư ở TPHCM trong tiếng reo hò của những người chứng kiến. Tuy nhiên vụ việc cũng đã khiến không ít người sửng sốt…

Tối 27/1, trao đổi với PV Dân trí, một cán bộ có trách nhiệm của phường Phước Long B, quận 9, TPHCM xác nhận, trên địa bàn có xảy ra việc một số người tự ý bắn pháo hoa sau khi trận chung kết Giải U23 Châu Á giữa đội U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan kết thúc. Tuy nhiên, nguồn tin này cho biết, hiện vẫn chưa xác định được đối tượng thực hiện đốt pháo hoa nói trên và lực lượng Công an, UBND phường vẫn đang tiếp tục làm rõ.

Những chùm pháo hoa rực sáng giữa khu dân cư sau khi trận chung kết U23 Châu Á giữa đội Việt Nam và Uzbekistan kết thú

Theo đoạn video clip mà PV Dân trí có được, sự việc xảy ra trên đường số 61, thuộc phường Phước Long B, quận 9 ngay sau khi trận đấu bóng đá kết thúc khoảng 18h30 cùng ngày. Pháo hoa được đặt giữa đường và sau những tiếng nổ, pháo được bắn lên cao và những chùm pháo hoa rực sáng trong tiếng reo hò của rất đông người dân đứng xem. Tuy nhiên, cũng có không ít người dân tỏ ra sửng sốt khi chứng kiến vụ việc.

Theo chỉ thị số 406-TTg ngày 8/8/1994 của Thủ tướng về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo (còn hiệu lực thi hành): “Kể từ ngày 1/1/1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa)”.

Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009, Chính phủ đã quy định cụ thể hơn về quản lý, sử dụng pháo. Theo quy định tại Điều 5 Nghị định này, các loại pháo sau đây được phép sử dụng:

1. Pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng cho phép.

2. Pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được Thủ tướng cho phép và được Bộ Công an cấp giấy phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa.

3. Pháo hiệu dùng trong các hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và hoạt động quân sự.

4. Các sản phẩm như: pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ không gây nên tiếng nổ”.

Tuy nhiên Nghị định 36/2009/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo không phải áp dụng cho mọi cá nhân, tổ chức mà áp dụng cho những đối tượng tại Điều 2 như sau: “Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài (gọi tắt là tổ chức, cá nhân) có hoạt động liên quan đến việc sản xuất, mua bán, vận chuyển, nhập khẩu, xuất khẩu, tàng trữ và sử dụng các loại pháo, thuốc pháo”.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 59/2006/NĐ-CP quy định chi tiết luật thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện thì các loại pháo thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh.

Như vậy, cá nhân không thuộc đối tượng tại Điều 2 Nghị định 36/2009/NĐ-CP nêu trên thì không được phép tàng trữ, mua bán, sử dụng,… các loại pháo.

Về mức xử phạt hành chính đối với hành vi sử dụng pháo trái phép, điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép...

Ngoài ra, nếu người đốt pháo gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác còn có thể bị truy cứu về tội danh tương ứng với hậu quả do hành vi đốt pháo gây ra.

Tác giả: Nhóm PVMN

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: U23 , pháo hoa , chung kết , việt nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP