Tin trong nước

Nữ PCT huyện say rượu bị kỷ luật nói gì?

Thông tin nữ Phó chủ tịch huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) bị kiểm điểm do thường xuyên uống rượu say khi tiếp khách, đã thu hút sự chú ý của dư luận trong vài ngày qua.

Đã vào mâm, phải có rượu


Dư luận để tâm việc này có lẽ cũng bởi đây mới là trường hợp hiếm hoi một vị lãnh đạo cấp huyện bị kiểm điểm do “dính” đến bia rượu, hơn nữa vị này lại là phụ nữ! Còn chuyện rượu chè, say xỉn của công chức thì chẳng ai lạ gì.


Ngay cả một vị lãnh đạo khác của huyện này cũng thừa nhận, trước đây quản lý cán bộ uống bia rượu có phần “lơi lỏng” do khách khứa đông. Khách ở miền xuôi lên, rồi kể cả khách từ Lào qua…, vui vẻ, mến khách nên anh em có làm “đôi chén”.




Qua tìm hiểu, trước đây huyện


Kỳ Sơn vốn đã có quy định trong khâu tiếp khách. Với một mâm 6 người: Buổi sáng không dùng quá 6 chai rượu; buổi trưa 8 chai; buổi chiều 12 chai.


Tuy nhiên, đến năm 2010, Huyện ủy Kỳ Sơn ra chỉ thị về việc giảm uống bia rượu. Theo đó, cũng với mâm 6 người, buổi sáng không được uống rượu, buổi trưa chỉ dùng 1 chai, buổi chiều 2 chai. Như vậy, dù ít hay nhiều, đã tiếp khách là phải dùng đến rượu!


Trở lại với câu chuyện của bà Cụt Thị Nguyệt, trước nay bà vốn đã được “tiếng” là hay uống rượu trong khi tiếp khách. Và đã uống là phải say, phải “bét-tè-lè-nhè”!


Ví dụ điển hình là vào tháng 6/2011, khi lãnh đạo và người dân toàn huyện đang khẩn trương khắc phục thiệt hại sau trận lũ quét kinh hoàng, thì bà Phó chủ tịch lại bận đi tiếp khách ở… quán karaoke. Tại đây bà say “khá sâu”.


Cũng từ vụ việc này, người dân bức xúc đã gửi kiến nghị lên huyện. Ban thường vụ Huyện ủy đã họp và đi đến quyết định kiểm điểm với hình thức nhắc nhở Phó chủ tịch huyện Cụt Thị Nguyệt với nội dung “bà Nguyệt đã uống rượu quá đà và bê tha”.


Tuy nhiên, sau đó bà Nguyệt đã đề nghị ban kiểm điểm bỏ bớt chữ “bê tha” với lý lẽ là mình thường xuyên say là do ham vui, “cả nể” khi tiếp khách.


Không riêng huyện Kỳ Sơn, ở các huyện vùng cao Nghệ An thông thường cứ mỗi dịp tiếp đón khách khứa thường vẫn cắt cử, bố trí một vài “đại diện” để ngoại giao trên… bàn nhậu. Người được cắt cử ngoài khả năng giao tiếp nhã nhặn, đương nhiên còn phải có “tửu lượng” kha khá.


Những màn “đối đáp” giữa chủ và khách thường dẫn đến tình trạng “say xỉn”! Bà Nguyệt lý luận rằng do mình “cả nể” với khách khứa nên thỉnh thoảng có đi quá “giới hạn”, âu cũng do cái nếp chung này mà ra.


“Do cả nể”


Ngày 6/5, trao đổi với PV, bà Nguyệt cho rằng: “Tôi cũng chẳng ham gì bia rượu, uống vào nhiều chỉ có thêm bệnh tật. Nhưng ở vị trí này, tiếp khách cũng là công việc. Kể cả các anh (nhà báo, phóng viên – pv) dưới xuôi lên, nếu huyện đón tiếp không nhiệt tình, chu đáo thì cũng trách cứ chứ không phải ai khác.


Đương nhiên trong cuộc vui có thể uống vài chén rượu nhưng nói tôi say xỉn, bê tha là không có”. Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hải Thành trong cuộc trò chuyện cũng đã thẳng thắn nói rằng “chưa thể bỏ rượu khỏi bàn tiếp khách được”.


Theo ông Thành, người dân ở Kỳ Sơn vốn có phong tục tập quán uống rượu trong bữa ăn. Đặc biệt mỗi dịp tiếp khách thì rượu là nhu cầu thiết yếu.


“Rượu thì không bỏ được nhưng chúng tôi yêu cầu phải tiết giảm. Với chỉ thị 414, chúng tôi cấm hẳn uống rượu buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều đều phải giảm đến mức tối đa” – ông Thành khẳng định.


Ông bí thư cũng cho rằng, sự việc của bà Nguyệt có thể xem như anh em nhắc nhở nhau, rút kinh nghiệm trong sinh hoạt. Uống rượu là vấn đề chung lâu nay và hiện tại địa phương này đang nỗ lực chấn chỉnh.


Mới đây nhất, ngày 27/4/2013, UBND huyện Kỳ Sơn đã yêu cầu cán bộ từ cấp trưởng phòng trở lên và chủ tịch các xã ký vào bản cam kết “Không uống rượu bia vào giờ hành chính”, nhằm đẩy lùi “vấn nạn” uống rượu.

VNN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP