Cuộc sống số

Những người Việt vượt Amazon đi phủ sóng di động

Những chuyện tưởng như hoang đường mang tên Việt Nam

Không biết ngoại ngữ, lần đầu đến Amazon rừng thiêng nước độc trên tay với chiếc la bàn và một ít tiền, ấy vậy mà những chàng trai Viettel đã tìm được cách để xây dựng trạm thu phát sóng (trạm BTS) ở đây như một kỳ tích khiến các đối thủ ở Peru không thể tin nổi.

Chúng tôi đặt chân đến Peru vào một ngày cuối tháng 10/2014. Đây là thị trường duy nhất Viettel đầu tư có GDP cao gấp 3 lần Việt Nam. Lúc đó, những người Viettel ở Peru đang bận rộn chuẩn bị khai trương mạng di động của mình với thương hiệu Bitel. Có khá nhiều câu chuyện về những người Viettel lần đầu đặt chân đến vùng đất xa xôi đất khách quê người này để xây dựng mạng lưới viễn thông. Những câu chuyện nếu không mắt thấy tai nghe e rằng sẽ liên tưởng đến những câu chuyện hoang đường. Thế nhưng, chỉ khi chứng kiến những việc mà những người Viettel trải qua ở những thị trường nước ngoài mà họ đặt chân đến kinh doanh, mới thấy, đằng sau những hào quang là mồ hôi, nước mắt, sự nỗ lực tột cùng của những người “mang chuông đi đánh xứ người”.

Tiếp chúng tôi, ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel nói rằng, việc đầu tư nước ngoài của Viettel cũng giống như một trận đánh. Ban giám đốc có nhiệm vụ đi tiền trạm nghiên cứu trước xem mở mặt trận nào. Sau đó, đến những người Viettel được đưa sang đây để đi mở mạng. Không thông thạo tiếng bản địa, hành trang chỉ là chiếc la bàn, tấm bản đồ, nồi niêu, thực phẩm và một ít tiền, thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó chính những con người này đã biết cách tìm địa điểm và xây dựng trạm BTS. Và những người Viettel đi mở mạng đóng vai trò như một người lính trinh sát đi nắm địa bàn, khảo sát vị trí và tiến hành vận chuyển thiết bị… Người Viettel có triết lý “vào đất chết để tìm đường sống”. Những con người Viettel như vậy đã băng rừng, vượt sông Amazon để kéo cáp quang và phủ sóng di động khiến các đối thủ ở Peru không thể tưởng tượng nổi.

Để chứng kiến tận nơi những người Việt đã làm nên câu chuyện này, đoàn chúng tôi đã đến tỉnh Loreto – điểm khó khăn nhất vùng rừng già Amazon, ở Peru  – nơi mà chúng tôi mới chỉ được biết đến qua sách báo. Loreto là một tỉnh rộng lớn nhất của Peru, nếu từ Thủ đô Lima đến thủ phủ của Loreto là Iquitos thì phải đi lại bằng máy bay hoặc đường thủy mất 4 – 5 ngày. Thủ phủ Iquitos khá độc đáo, rất ít xe ô tô mà chủ yếu sử dụng phương tiện đi lại là Motokar (giống như xe Lam 3 bánh ở Việt Nam).

Viettel

Anh Mã Văn Thanh đang hướng dẫn thổ dân Boras trong rừng Amazon sử dụng dịch vụ di động của Bitel.

Mã Văn Thanh, Giám đốc chi nhánh – người đầu tiên của Viettel đặt chân đến địa phận này cho biết những tháng ngày “nếm mật nằm gai” nơi đây: Thanh cùng với anh em Viettel sang Peru từ ngày 29/8/2011 để thực hiện việc triển khai 8 chi nhánh ở các tỉnh. Với vai trò trưởng nhóm, đưa anh em đi thuê trụ sở chi nhánh. Khi đến Loreto, Thanh nhờ tài xế taxi, tìm cho khách sạn rẻ chỉ khoảng 60 Sole một đêm (đúng định mức của Viettel tại Peru), nhưng lái xe taxi bảo ở đây không có giá đó. Lòng vòng một hồi cũng tìm được khách sạn rẻ với giá 100 Sole một đêm. Khá may mắn là ông chủ khách sạn biết tiếng Anh (hầu hết người dân Peru không nói tiếng Anh mà nói tiếng Tây Ban Nha), nên Thanh cứ bám vào ông chủ khách sạn này để triển khai các công việc. Nhờ sự trợ giúp của chủ khách sạn, Thanh tìm được căn nhà 2 tầng, có gara, nằm ở mặt phố để vừa làm cửa hàng, vừa làm văn phòng và để ở luôn. Mọi thủ tục thuê mướn đều nhờ ông chủ khách sạn này. Oái oăm là chủ nhà này đang nợ ngân hàng 800.000 Sole nên lại phải làm thủ tục ứng trước tiền trả ngân hàng và trừ dần vào tiền thuê nhà.

“Đêm ở Iquitos rất lạnh, căn nhà thuê không có đồ đạc giường chiếu gì nên em phải xin cái đệm vứt đi của chủ nhà, rồi mượn cái chăn đắp cho khỏi rét. Có chỗ tá túc rồi em lại nhờ ông chủ khách sạn đưa đi mua bếp ga và mấy cái nồi. Có bếp, có nồi để nấu ăn coi như mình sống rồi anh ạ”, Mã Văn Thanh kể lại. Sau khi ổn định chỗ ở, Thanh lại nhờ ông chủ khách sạn đăng báo tuyển người, ban đầu chỉ tuyển nhân viên kỹ thuật để xây lắp mạng lưới. Sau khi tuyển được mấy nhân viên bản địa thì cứ bám vào họ để đi thuê địa điểm lắp đặt trạm.

Chuyện triển khai lắp đặt các trạm ở đây cũng lắm chuyện lạ lùng. Thanh kể, để triển khai lắp đặt trạm Viba và trạm thu phát sóng ở vùng Amazon, Viettel đã cử người đi trước để khảo sát vị trí và vẽ sơ đồ. Thế nhưng ở vùng này không có số nhà, không tên có đường, sau đó anh em quay lại thuê vị trí thì lại đúng khu vực bảo tồn của Amazon. Vậy là lại phải kiếm địa điểm khác, trong khi để tìm ra một ngôi làng để xây trạm đâu phải dễ, mỗi ngôi làng cách nhau 10-20 km. Khi đến đặt vấn đề thuê địa điểm đặt trạm, dân làng ở đấy hỏi xem mình có mang lợi gì cho họ không. Thậm chí có nơi người ta không cho xây, dù chính quyền đã đồng ý. “Lúc đó, bọn em phải họp với dân để thương thuyết”, Thanh kể.

Sau bao cố gắng, Thanh cùng anh em đã xây dựng được chi nhánh tại Loreto với 12 trạm BTS trải dài 700 km trên sông Amazon. Mỗi trạm tiêu tốn khoảng 200 tấn vật liệu xây dựng, bao gồm cả đá, xi măng, cát sỏi. Để có vật liệu xây dựng các trạm thu phát sóng phải mua đá ở tỉnh bên cạnh, và vận chuyển đến trạm xa nhất lên đến 700 km. Khi chở nhiều vật liệu thì thuê tầu to, nhưng đến chỗ xây trạm thì phải thuê tầu nhỏ chờ vào. Lên bờ vận chuyển thì ở đấy hầu như không có ô tô nên phải phải thuê vác bộ 1-2 km là chuyện bình thường.

“Khi xây trạm lại không có người biết về xây dựng, em điện về Lima hỏi trên công ty, anh Hoàng Quốc Quyền (Giám đốc Viettel Peru) nói tự xây đi sẽ có công ty công trình xuống hỗ trợ. Nhiệm vụ đặt ra rồi, bọn em chẳng biết làm thế nào vì chưa bao giờ làm việc đó nên đành phải học cách đọc bản vẽ, rồi thuê người đi xây dựng trạm và mình phải giám sát, căn chỉnh cho đúng với bản vẽ thiết kế. Em cũng cùng với thợ xây người bản địa đội nắng, đội mưa khuân vác vật liệu để xây trạm… Lúc ban đầu cũng lo lắng lắm, nhưng bây giờ trạm đã xây xong, giá thành xây dựng lại giảm, thậm chí có trạm giảm tới 60% giá dự kiến ban đầu, ” Mã Văn Thanh nói.

Tiến vào Amazon huyền bí

Chúng tôi rời Loreto để tiến sâu vào rừng Amazon. Khoảng 2h chiều, đoàn chúng tôi thuê thuyền máy của người dân địa phương tại bến Mayte ở Nauta để ngược sông  Marason (nhánh thượng lưu của sông Amazon thuộc địa phận Loreto) nơi Viettel đặt 1 trạm thu phát sóng có ký hiệu Lor39. Trần Xuân Đồng, 28 tuổi (quê Ứng Hòa, Hà Nội) làm việc ở Công ty Công trình Viettel – người đã trực tiếp xây dựng trạm Lor39 dẫn đoàn chúng tôi đến địa điểm này.

Gần 7 giờ tối, chiếc thuyền máy nhỏ đưa chúng tôi cập bến làng Santa Ritade Castilla. Bến tầu của làng Santa Ritade Castilla chỉ là chiếc bè nhỏ lợp lá le lói ánh đèn pin hướng dẫn cho tầu cập bến trong đêm. Roy là một trong những nhân viên người Peru đầu tiên của Chi nhánh Viettel Loreto đón chúng tôi tại bến tầu. Roy dẫn chúng tôi đến một “khách sạn”  Gran Diego của làng cách bến tầu chừng hơn 100 m. Nói là khách sạn chứ thực ra đây chỉ là dãy nhà gỗ hơn 10 phòng, mỗi phòng chỉ đủ kê 1 chiếc giường cá nhân và 1 chiếc bàn nhỏ. Bà chủ khách sạn này cũng buôn bán rau quả và thịt gà, và có nấu một số món ăn, nhưng chỉ bán hàng đến 5h chiều. Roy nói với chúng tôi ở đây làm việc đúng giờ giấc. Thứ Bẩy và Chủ Nhật, người dân ở đây chỉ ở nhà nấu ăn, nghe nhạc chứ không đi làm. Khi chúng tôi đến đã quá giờ bán hàng nên thuyết phục kiểu gì bà chủ khách sạn cũng không đồng ý nấu ăn tối. Cuối cùng, giải pháp đưa ra là phải mua ít rau quả và nhờ bà chủ khách sạn bán cho 3 con gà với giá 150 Sole (khoảng gần 1,2 triệu đồng) để đưa lên trạm phát sóng của Viettel cách đó chừng 500 m để tự nấu bữa tối.

Viettel

Trạm thu phát sóng BTS tại làng.

Mới 7 giờ tối, nhưng làng Santa Ritade Castilla đã chìm trong màn đêm. Đồng kể, ban đầu đến vùng này khó khăn nhất là bất đồng ngôn ngữ. Ban đầu bọn em có người trên chi nhánh biết tiếng Tây Ban Nha dẫn đi đàm phán thuê nhà dân. Sau đó, những người này rút về và bọn em phải “tay bo” chiến đấu. Đi đâu cũng sợ, nói chuyện với nhau chỉ bằng ngôn ngữ tay chân. Lúc đói quá muốn mua con gà của người dân ở đây để thịt thì chỉ biết chỉ vào bụng mình và chỉ vào con gà của họ. Ban đầu bọn em đi đâu cũng phải mang quyển sổ để ghi lại tiếng của người dân. Ví dụ như họ sẽ chỉ vào cái xoong và bọn em sẽ ghi lại theo phiên âm tiếng Việt và cứ tối về là lẩm nhẩm đọc lại đến lúc thuộc. Đến giờ thì bọn em cũng đã nói được tiếng Tây Ban Nha nhưng theo kiểu học vẹt.

Sợ nhất ở vùng Amazon này là rừng cây rậm rạp muỗi, rắn nhiều. Muỗi Amazon đốt là thối thịt, nhiều khi dị ứng và phát ốm. Sau này anh em mới biết mỗi khi bị muỗi cắn phải nặn máu đi thì mới hết ngứa. Dần dần lâu ngày có lẽ cơ thể tiết ra chất đề kháng loại muỗi này nên không còn bị thối thịt nữa. Lúc mới đến, nước sinh hoạt đều là nước sông Amazon nên anh em cũng sợ nên phải mua nước sạch của dân để nấu ăn hoặc dùng nước mưa. Vùng Amazon có mưa to thường xuyên kéo dài từ 1 đến 6 giờ chiều nên ảnh hưởng đến tiến độ xây trạm phát sóng do ngập nước và đất bị sạt lở. Nhiều trạm đang thi công gặp mùa mưa ngập đến 2m, sau khi nước rút thì anh em lại phải lau lại từng thanh thép để khỏi bị han gỉ. Vì vậy, bình quân, mỗi một trạm thu phát sóng phải mất 4 tháng mới xây dựng xong.

Khu vực Amazon không có điện lưới nên làng Santa Ritade Castilla phải dùng máy nổ và trạm phát sóng của Viettel cũng sử dụng máy nổ. Máy nổ của làng chỉ chạy trong 2 tiếng buổi tối, nếu gia đình nào không đóng tiền sẽ bị cắt điện ngay. Nên khi có điện là lúc làng Santa Ritade Castilla vui nhất bởi họ có thể xem tivi, bật nhạc hoặc đi đến nhà thờ của làng. Điều kiện ăn ở sinh hoạt của bọn em ở Amazon rất khó khăn không như những vùng khác ở Peru, nhưng anh em Viettel ở đây vẫn động viên nhau cố gắng hoàn thành sớm nhiệm vụ của mình. Khi trạm được xây xong, có sóng điện thoại bọn em vui lắm, lúc đó gọi về gia đình trò chuyện được, cảm thấy ở xa không còn cô đơn nữa…

Amazon trở nên gần gũi

Trong câu chuyện kể về nỗi gian khó, bất chợt tôi hỏi Đồng, giờ em có thấy sợ nơi đây nữa không? Đồng cười nói rằng giờ quen rồi anh ạ, ở đây lâu thấy người dân thân thiện dễ mến lắm. Thỉnh thoảng vào lúc rảnh rỗi bọn em giao lưu với người dân địa phương như đá bóng, đi câu cá, hay ngồi lênh đênh trên thuyền nói chuyện với họ. Đồng kể rằng, đi câu ở sông Amazone được rất nhiều cá rồng. Nhiều khi anh em câu được những con cá rồng nặng hàng chục cân, loại cá này mà ở Việt Nam thì tính tiền tỷ và chỉ có đại gia mới dám chơi. Thế nhưng, ở vùng Amazon này thì câu được cá rồng chỉ để làm thịt, những con to thì người dân sẽ lấy vẩy để làm đồ thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra nơi đây cũng có rất nhiều cá sấu, và thịt cá sấu rất rẻ chỉ khoảng 30.000 – 40.000 đồng/cân.

Dân làng Santa Ritade Castilla chủ yếu  sống bằng chăn nuôi gia súc gà, lợn, đánh bắt cá. Phụ nữ và trẻ em trong làng thường ra bến tầu bán bỏng ngô, chuối rán, cơm nắm cho khách du lịch. Người dân ở đây không trồng rau, đa số chỉ ăn khoai tây thay rau. Cứ đến thứ Bẩy, Chủ Nhật, người dân ở đây không đi làm mà thường tụ tập lại nhảy múa tập thể. Họ thường uống bia, nhưng không uống nhiều như ở Việt Nam, có khi 3 – 4 người chỉ uống một chai bia. Dường như bia ở đây chỉ như chất xúc tác để cho họ hứng khởi hơn khi nhảy múa.

Đồng kể rằng, dân làng Santa Ritade Castilla rất bỡ ngỡ về Việt Nam nên họ hỏi rất nhiều. Khi có sóng 3G của trạm mới xây, bọn em cho họ xem những clip về Việt Nam và dân làng Santa Ritade Castilla thích lắm. Nhiều người dân nói với bọn em là họ mơ ước một lần được đến Việt Nam. Chúng tôi tản bộ đến nhà ông Eduardo Pilco 71 tuổi, một lão nông tri điền của làng Santa Ritade Castilla. Ông Eduardo Pilco cho biết, hầu hết người dân làng này đã dùng di động của Movistar (đối thủ của Viettel ở đây-PV) với mức cước khoảng 70 Sole/tháng (khoảng 560.000 đồng). Thế nhưng, chất lượng sóng ở đây làm ông phiền lòng, mỗi khi mưa gió mất sóng di động là chuyện bình thường. Ông Eduardo Pilco hy vọng, Bitel của Việt Nam sẽ đem đến cho người dân làng Santa Ritade Castilla dịch vụ chất lượng tốt và giá sẽ rẻ hơn…

(Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số Xuân Ất Mùi 2015)

Thái Khang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP