Kỳ Anh

Kỳ Anh: Bao giờ dân phố Thắng Lợi thoát khỏi khu “ổ chuột”?

Hơn 70 hộ dân ở tổ dân phố Thắng Lợi , phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đang vật lộn với cuộc sống hàng ngày trong tình trạng hết sức khó khăn! Bởi họ phải “ăn đợi nằm chờ ” đến khu tái định cư đã gần 5 năm nay, trong lúc đất đai sản xuất đã bị thu hồi để giao cho dự án.

Tiến thoái lưỡng nan

Đã gần 5 năm, hơn 70 hộ dân ở tổ dân phố Thắng Lợi “đi không nỡ ở không đành” với lý do: Năm 2011  Hội đồng Bồi thường tái định cư giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh đã tiến hành bồi thường và hỗ trợ đất đai sản xuất, ngư cụ đánh bắt hải sản, đồng thời tiến hành kiểm kê, nhà ở, công trình vật liệu kiến trúc để niêm yết cấm cơi nới xây dựng sửa sang nhà cửa, chờ khi Nhà nước có lệnh là di dời lên tái định cư (TĐC).

Trên thực tế, khu TĐC của Kỳ Phương đã ổn định nơi ăn chốn ở, sau khi các tổ dân phố khác đã bàn giao mặt bằng cho dự án Formosa. Ông Lê Văn Chương, Chủ tịch UBND phường Kỳ Phương cho biết: Hiện tại khu TĐC Kỳ Phương còn 240 lô đất dự phòng, trong đó ưu tiên dành hơn 70 lô cho dân khối phố Thắng Lợi. Tuy vậy, phường chưa nhận được thông báo về việc di dời TĐC đối với dân khối phố Thắng Lợi nên chưa thể thực hiện.

Bao giờ dân phố Thắng Lợi thoát khỏi khu “ổ chuột”?  - Ảnh 1Người dân mong lên TĐC trước khi khai thác cát.

Nói là tổ dân phố, bởi sau khi xã Kỳ Phương đổi tên thành phường, các thôn thuộc phường phải đổi thành phố. Nhưng thực chất đối với Thắng Lợi thôn không ra thôn, phố không ra phố, đường sá đi lại bị ngăn cách và đào bới tung lên để phục vụ các công trình phụ thuộc dự án Formosa, hệ thống điện, đường, nước sinh hoạt không có, các công trình phúc lợi công cộng khác như trạm y tế, trường học… đều không. Ngày nắng bụi bay mù trời mù đất, ngày mưa mọi ngõ ngách đều chìm trong biển nước bẩn đầy mùi hôi thối.

Từ bao đời nay mọi sinh hoạt của người dân khối phố Thắng Lợi chủ yếu dựa vào nguồn nước khe Thầu Dầu, con khe bắt nguồn từ dãy Hoành Sơn đổ qua nhưng nay đã bị chặn lại bởi hệ thống kênh thoát lũ từ ngoài hàng rào Dự án Formosa. Bà Nguyễn Thị Liễu (72 tuổi) sinh sống trong một túp lều ọp ẹp, mưa lấn đằng mưa, nắng lấn đằng nắng!.. Đôi khi bà muốn đi lại thăm hỏi hàng xóm cũng chẳng biết lần vào lối nào mà đi. Nhà chỉ có một giếng khơi để lấy nước sinh hoạt, nhưng đã nhiều tháng nay nhìn xuống tận đáy vẫn khô rang, còn chiếc chum dự trữ nước mưa cũng đã cạn. Nếu vài ngày nữa trời không ban cho vài giọt mưa, có lẽ bà chỉ biết chết trong đói và khát!

Ông Đoàn Văn Tạo có 2 người con trai là Đoàn Văn Hiếu và Đoàn Văn Trung đã đến tuổi xây dựng gia đình, họ cưới vợ trong năm 2014 và 2015. Trong lúc đó căn nhà quá cũ với diện tích chưa đầy 50m2 của ông Tạo có tới 3 gia đình và tới 4 thế hệ sống chung nên điều kiện ăn ở, sinh hoạt vô cùng khó khăn và bất cập. Cụ Lê Thị Em (mẹ ông Tạo) đã 83 tuổi thương đàn cháu chắt trong nhà không có chỗ ở, đã nhiều lần thốt lên rằng: “Trông trời cho tôi chết mau để bớt chỗ ở cho chúng nó!”.

Bao giờ dân phố Thắng Lợi thoát khỏi khu “ổ chuột”?  - Ảnh 2Cụ Nguyễn Văn Điểm (96 tuổi) với căn nhà sập sệ của mình mong từng ngày lên tái định cư.   

Ốm đau không dám vào bệnh viện

Đời sống ăn ở, sinh hoạt dưới mức khó khăn đã đành, người dân khối phố Thắng Lợi hằng ngày lại chẳng biết làm gì để sinh nhai. Số tiền được hỗ trợ mỗi hộ trên 4 khẩu được 36 triệu đồng và số tiền bồi thường 16 triệu đồng/1 sào đất sản xuất nhận từ năm 2011, đến nay dù tiêu pha chắt bóp cũng đã cạn kiệt. Vì thế có rất nhiều người trong khu phố ốm đau bệnh tật nhưng không dám đi bệnh viện.

Thanh niên trai tráng trong làng không có cách gì hơn ngoài xin vào làm lao động phổ thông như đào đất, đóng cốp pha cho các chủ thầu tại công trường Formosa, mỗi ngày kiếm từ 100.000 – 200.000 đồng, lấy thu nhập đó để nuôi cả nhà. Tuy vậy, do tính chất của dự án Formosa đến nay  có nhiều hạng mục công trình đã hoàn thiện, không có việc cho lao động phổ thông nữa. Trong lúc đó, nhiều thanh niên ở Thắng Lợi không được đào tạo nghề nên không được nhận vào làm việc trong các nhà máy, dần dần họ trở nên thất nghiệp.

Bao giờ dân phố Thắng Lợi thoát khỏi khu “ổ chuột”?  - Ảnh 3Bà Nguyễn Thị Liệu (72 tuổi) ôm lấy giếng khơi khô cạn.

Đã đành người dân đã nhận tiền bồi thường và hỗ trợ đất sản xuất, và ngư cụ đánh bắt. Nhưng việc nhà cửa, công trình vật liệu kiến trúc mặc dù đã kiểm kê từ năm 2011 đến nay, tại sao vẫn chưa được áp giá bồi thường hỗ trợ TĐC? Chúng tôi dành câu hỏi này cho ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh, được ông Hồ Anh Tuấn cho biết, việc thu hồi đất ở thôn Thắng Lợi là để bàn giao mặt bằng cho Dự án nhiệt điện 3 do Công ty Sam Sung (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư, đến nay Dự án chưa triển khai, nên chưa thực hiện được việc bồi thường và TĐC cho dân.

Trong lúc chưa tìm ra được lời giải cho người dân thì tỉnh Hà Tĩnh lại cho phép một đơn vị khai thác cát ở đây càng làm cho nhiều người phân vân, lo lắng. Biết rằng, việc cấp mỏ cho các Cty khai thác tận thu nguồn khoáng sản trước khi bàn giao mặt bằng cho dự án nhiệt điện là chủ trương vô cùng đúng đắn, nhưng trong lúc người dân chưa di dời TĐC thì việc khai thác dẫu sao cũng ảnh hưởng đến môi trường sống của bà con. Theo mong muốn của đại đa số người dân ở đây thì đưa họ lên khu TĐC là việc làm cấp bách nhất, sau đó đưa máy móc vào khai thác vẫn chưa muộn.

Không thể nói hết được những hình ảnh vô cùng ảm đạm trước cảnh tượng ăn đợi, nằm chờ hàng ngày cứ giãn ra như sợi dây cao su của người dân khối phố Thắng Lợi. Có thể nói, đây là một trong những khu phố “ổ chuột” hiếm thấy trên bản đồ Việt Nam!  Không ai có thể lý giải nổi tại sao đến bây giờ phố “ổ chuột” này vẫn tồn tại ở một khu kinh tế năng động nhất hiện nay như Vũng Áng?

Trước những tồn tại bất cập tại khối phố Thắng Lợi, ông Lê Văn Chương Chủ tịch UBND phường Kỳ Phương nói: Phường Kỳ Phương đang rất trông chờ vào chính sách bồi thường nhà ở, vật liệu kiến trúc cho bà con để họ được ổn định TĐC. Biết rằng, khối phố Thắng Lợi đang phải chịu quá nhiều thiệt thòi  nhưng phường và thị xã không thể đầu tư điện, đường, trường, trạm.. bởi vì đó không phải là những công trình tạm thời.

Nguyễn Ngọc Vượng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP