Cuộc sống

Hành trình 'cô tiểu thư' Sài Gòn lấy vợ, có con

Anh Py đã phẫu thuật và dùng hoóc môn nên giờ đây, đến hàng xóm cũng quên mất anh là người chuyển giới.

Một buổi tối đầu năm học 2016, khi con gái lên lớp 3, anh Py Nguyễn (33 tuổi) - một người chuyển giới từ nữ sang nam - gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm mới của con, thông báo vừa gửi số CMND của vợ mình cho cô. Anh giới thiệu mình là "Người giám hộ" khi được hỏi.

Cuộc nói chuyện của anh với cô giáo có phần căng thẳng, khi cô yêu cầu được cung cấp CMND của cả cha lẫn mẹ bé Phương Nghi. "Tôi chỉ nhận được số của mẹ, còn số của cha đâu?". Anh Py không trả lời mà hỏi lại: "Năm nay cô là giáo viên chủ nhiệm lớp, vậy các cô trước không bàn giao sổ sách học sinh cho cô à?".

"Tất nhiên là có bàn giao chứ, anh hỏi vậy là sao? Cho tôi gặp mẹ bé", cô giáo tiếp tục hỏi. "Bàn giao rồi thì tôi nghĩ cô phải biết trường hợp của từng bé chứ", anh Py cảm thấy không còn kiên nhẫn tiếp tục cuộc trò chuyện.

Anh Py và chị Hà Phương đã trải qua nhiều sóng gió để xây dựng một gia đình như mọi gia đình bình thường khác.

"Ơ! Thế Phương Nghi không có cha à", cô giáo nói. Câu trên chạm đến đỉnh điểm sức chịu đựng, anh Py cúp máy giữa chừng. Sáng sớm hôm sau, anh cùng vợ, chị Hà Phương (35 tuổi) lên trường gặp hiệu trưởng và cô giáo của con. Anh bày tỏ: "Cảm ơn cô đã nói đúng với sự thật! Sự thật mà tôi nghĩ rằng không đứa trẻ nào muốn nghe dù là vô tình hay cố ý"...

Chỉ riêng việc đến trường của con, anh Py và vợ đã thường xuyên đối mặt với những chuyện như trên. Trong tình huống nào, anh cũng đứng ra nhận trách nhiệm trụ cột của gia đình.

"Tôi có thể lo cho vợ con một cuộc sống đầy đủ. Vợ chồng tôi có thể giáo dục bé lớn lên bình thường như được sinh ra trong các gia đình dị tính, nhưng những định kiến xã hội, vướng mắc pháp luật thì chúng tôi không biết bao giờ mới cởi trói được", anh nói. Chất giọng khoẻ và cương nghị, cộng với việc phẫu thuật và dùng hoóc môn nên người mới gặp khó có thể biết anh vốn được tạo hóa nặn là con gái.

Py Nguyễn là con út trong một gia đình khá giả ở Sài Gòn, được khai sinh tên Nguyễn Hạnh Phúc (Py viết tắt từ Happy). Từ nhỏ, anh đã được cả gia đình, họ hàng yêu quý vì vẻ ngoài sáng láng, lí lắc. Trong chuyện học hành Py cũng luôn mang về những thành tích tốt.

Nhưng sự hãnh diện của cả nhà trở thành nỗi đau khi từ cuối năm lớp 11, Py phát hiện ra mình yêu con gái. Anh bỏ học giữa chừng. Cả gia đình lúc này mới nhận ra sự khác thường, tại sao từ nhỏ đứa con út này luôn thích mặc quần cộc, bắn bi, đá banh, cắt đầu tém.

Tuổi thanh xuân của Py từ đó trượt dài trong việc phát hiện ra bản ngã, muốn được sống là mình nhưng không được gia đình, xã hội chấp nhận. Nhất là khi thời đó kiến thức về LGBT (người đồng tính, song tính, chuyển giới) còn rất hạn chế.

Thông qua một diễn đàn của cộng đồng LGBT, Py biết Phương - người vợ hiện tại. Ngày đó, thế giới của họ còn rất đơn sơ, chỉ cần quen được một người trong giới là mừng lắm. Dù chưa một lần gặp mặt ngoài đời, nhưng anh Py và chị Phương chia sẻ với nhau mọi nỗi buồn vui.

Quen nhau được mấy tháng thì hai người thất lạc tin tức. Tuổi trẻ của Py từ đó trải qua bao lần dạt nhà, làm đủ mọi việc chân tay để chứng minh bản thân, rồi cuối cùng quay về nghiệp học hành và trở thành thầy giáo khoa ngoại ngữ trong một trường cao đẳng. Chị Hà Phương cũng trải qua bao biến cố, trước khi làm giáo viên dạy thể dục thẩm mỹ.

Anh Py và chị Phương có duyên với nhau rất lâu trước khi thực sư yêu và về một nhà.

Năm 2010, tức gần 10 năm sau, hai người gặp lại trong diễn đàn năm xưa. Hôm ấy, Py đang muốn chạy xe ra biển Vũng Tàu thư giãn, thì thấy được nickname LesfermVT đang sáng nên vào trò chuyện. Chỉ vài câu ngắn ngủi mà anh thấy có cảm giác thân quen từ rất lâu. Anh phóng thật nhanh ra biển.

"Cả hai chưa kịp nhận ra vì cách xa nhau thời gian quá dài. Qua vài câu nói chuyện thì... trời đất ơi! Không thể tin được. Tôi chính là người cô ấy từng yêu nhiều năm trước, còn cô ấy cũng là người tôi dành cho sự cảm mến bao năm", anh Py kể, vẫn còn cảm giác bồi hồi ngày hôm đó.

Và thế là tình yêu lần nữa sống dậy, họ xác định là của nhau. Hồi ấy anh Py vẫn bận bịu với công tác ở trường. Chị Phương làm việc ở quê nhà Biên Hoà. Bất cứ lúc nào rảnh, dù mưa gió chị vẫn chạy xe lên Sài Gòn chỉ để nấu cho anh một bữa cơm. Suốt một năm chị đều đặn đi lại như thế, càng khiến anh Py yêu và trân trọng chị hơn.

Thời gian đầu, phía gia đình anh Py không cấm nhưng thấy con mình trải qua vài cuộc tình tan vỡ, nên mọi người khó có niềm tin vào tình yêu đồng giới. Gia đình chị Phương thì khó hơn. Ngày mới dẫn về ra mắt, bố chị từng gọi anh ra nói riêng: "Dù thế nào, bác vẫn xem con là một người bạn thân của con gái bác. Đừng nghĩ gì nhiều hơn".

Dù vậy, Py vẫn thường xuyên qua lại hỏi thăm, đồng thời lên kế hoạch cho tương lai khi hai người về sống chung. Nửa năm sau, trong một bữa cơm cùng gia đình chị, Py nhận được một "món quà" nhớ suốt đời: "Bác không nghĩ là bác đang nói chuyện với một người là con gái. Cách suy nghĩ của con và cách hoạch định tương lai của con làm bác phải khâm phục. Bắt đầu từ ngày hôm nay hãy gọi bác là ba", bố chị Phương tuyên bố trước cả nhà. Giây phút đó họ vỡ oà hạnh phúc.

Chị Phương kể, đầu năm 2012 chị về sống cùng anh, ở nhà nội trợ và làm tròn bổn phận người "con dâu". Sau một năm sống chung, bố mẹ Py thấy được tình yêu của hai con, đồng ý cho ra ăn riêng. Anh Py ngưng làm việc văn phòng và theo đuổi kế hoạch đã định mười mấy năm trước. Đôi vợ chồng xây dựng lên tiệm tóc với cờ biển hiệu 6 màu, chỉ phục vụ cho cộng đồng LGBT.

Cuộc sống của anh chị cũng khác các gia đình dị tính. Chị Phương luôn giành việc sửa chữa điện nước, tô trét xi măng, những việc nặng trong nhà khác. "Anh hãy để thời gian tập trung cho việc lớn hơn, những việc nhỏ nhặt này em làm được và em thấy vui vì điều đó", chị luôn nói như vậy với chồng.

Từ trái sang, anh Py và con gái, trước và sau khi phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

Từ khi về sống chung, vợ chồng chị Phương cùng nuôi một bé gái, đặt tên Phương Nghi. Song song với việc dần giải thích cho bé hiểu, anh Py cũng bắt đầu cuộc hành trình cho mình và cho gia đình nhỏ của mình. Hai năm trước, anh phẫu thuật cắt bỏ ngực.

"Ngày tôi phẫu thuật thành công, mở mắt dậy cảm giác đau khó tả, đau trong niềm sung sướng vì tôi còn sống, tay vợ tôi thật ấm áp. Con bé ngạc nhiên thắc mắc 'Sao ba lại phẫu thuật ngực?' - 'Vì ba lười tập gym, ba béo ú ụ, ngực mỡ nhiều quá sẽ xấu trai, con sẽ không thích ba con xấu trai đúng không nào?'", anh kể.

Rồi từ đó cứ 3 tuần, bé Phương Nghi lại thấy mẹ tiêm hoóc môn nam cho ba. Dĩ nhiên cô bé sẽ thắc mắc. Anh Py và vợ sẽ thường sẽ nói đại khái: "Vì để ba khoẻ, thành siêu nhân bảo vệ hai mẹ con".

"Ngày con bé còn bế ẵm, nó chẳng mảy may biết gì. Ngày vào lớp 1, nó ngờ ngợ vì đôi lần người khác gọi tôi là 'chị'. Khi con học lớp 2, lớp 3, đã biết đặt những câu hỏi riêng, thì tôi biết rằng mình bắt đầu phải có sự giải đáp thỏa đáng cho con. Đến nay, dù con bé chưa hiểu rõ về gia đình chúng tôi, nhưng cháu hoàn toàn tin tưởng tôi là một người đàn ông lớn nhất để có thể che chở cho nó", anh Py hạnh phúc nói.

Đến nay, hai bên nội ngoại đã xem vợ chồng anh như một gia đình thực thụ. Hàng xóm ban đầu còn khá tò mò nhưng dần sau này thì quên mất gia đình anh là gia đình người chuyển giới. Salon tóc của họ qua giai đoạn 'trầy da tróc vẩy', giờ đã trở thành một địa điểm nổi tiếng của cộng đồng LGBT. Anh Py muốn khẳng định, anh không đi một mình, anh đi cùng các bạn.

LGBT là viết tắt tiếng Anh của les, gay, bisexual (đồng tính nữ, đồng tính nam, người song tính) và transgender (người chuyển giới). Trong đó người chuyển giới transgender là những người sinh ra là nam nhưng nghĩ mình là nữ hoặc ngược lại. Họ khát khao được thay đổi cơ thể cho đúng với giới tính họ nghĩ (trong khi người les, gay, bisexual hài lòng với cơ thể sinh ra).

Anh Huỳnh Minh Thảo (Quản lý truyền thông của Trung tâm ICS - tổ chức đại diện cho cộng đồng LGBT) cho biết, những năm gần đây xã hội đã có cái nhìn đúng đắn hơn về LGBT. Nếu như khảo sát trên 300 bài báo của iSee năm 2008 cho thấy 41% các bài báo nói về LGBT là bệnh, lây lan, với thái độ kỳ thị nặng nề, thì một khảo sát tương tự năm 2013 cho thấy chỉ còn dưới 10% các bài báo theo hướng giật gân, không nhìn dưới góc độ khoa học.

Trong nhóm LGBT thì người chuyển giới là thiệt thòi và phải chịu nhiều áp lực. Do họ khó có thể che giấu được mình là ai, vì thế số đông người chuyển giới rơi vào vòng xoáy bỏ học giữa chừng, bị gia đình xa lánh, không tìm được việc tử tế, phải đi hát đám ma, hát lô tô..., ít người được học đầy đủ. Bản thân anh Py hiện vẫn phải mang giấy tờ có tên và giới tính nữ, và trên giấy tờ chỉ là "người giám hộ" của con chứ không được thừa nhận là "bố".

Tuy vậy, hành trình trở thành người bình thường của họ đã có hy vọng. Trước kia, pháp luật nghiêm cấm việc chuyển đổi đối với những người đã định hình, hoàn thiện về giới tính. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2015 đã ghi nhận về quyền này. Theo đó, cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính. Do Bộ luật Dân sự quy định, việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của Luật nên phải tới khi có luật về chuyển đổi giới tính thì các cá nhân mới được thực hiện quyền này.

Hiện tại, Bộ Y tế cũng đang phối hợp cùng Bộ Tư pháp thảo luận một luật riêng cho người chuyển giới.

Tác giả: Phan Dương

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: LGBT , chuyện tình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP