Xã hội

Hà Tĩnh: Bất cập ở dự án triệu đô từ nguồn ADB

Dự án thành phần tỉnh Hà Tĩnh: sửa chữa, nâng cấp hệ thống tưới, tiêu vùng ngập úng huyện Lộc Hà thuộc Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung – Khoản vay bổsung nằm trong tổng thể dự án “Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung-Khoản vay bổ sung” vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang có dấu hiệu bất cập.

Dự án có tổng số vốn: 92,50 triệu USD, tương đương 2.000 tỷ VNĐ, trong đó: Vốn vay ADB: 85,00 triệu USD; Vốn đối ứng trong nước: 7,50 triệu USD.

Nguy cơ tiềm ẩn từ sự mất cân bằng hồ chứa

Thời gian qua, nhiều hộ dân sống trên địa bàn xã Tân Lộc (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) bức xúc phản ánh tới Môi trường và Đô thị điện tử về tình trạng hàng chục xe vượt tải đang giày xéo, nghiền nát các tuyến đường dân sinh tại địa phương này.

Nghiêm trọng hơn, tuyến đường hộ đê của đập Khe Hao (xã Tân Lộc) vốn chỉ gánh tải dưới 13 tấn đang bị hàng trăm lượt xe vượt tải (gần30 tấn) cày nát mỗi ngày.

Thâm nhập thực tế, mới thấy được những bức xúc của người dân là có cơ sở. Dưới cái nắng bỏng rát mùa hè, những chiếc xe tải trên 10m3 hoành hành, một số xe ngang nhiên di chuyển mà không có bạt che chắn, đất rơi vãi, bụi bay mù mịt…khiến cuộc sống của người dân đảo lộn.

Đoàn xe trên chở đất lấy từ lòng hồ đập Khe Hao đi phục vụ cho các công trình thuộc Dự án thành phần tỉnh Hà Tĩnh: sửa chữa, nâng cấp hệ thống tưới, tiêu vùng ngập úng huyện Lộc Hà. Phá nát đường hộ đê, gây mất an toàn giao thông, khói bụi… chỉ là hiện trạng nhức nhối tạm thời. Nhưng, hàng nghìn hộ dân sống ở khu vực hạ lưu đập Khe Hao mà trực tiếp là các xã Tân Lộc, An Lộc, Hồng Lộc, Bình Lộc…(huyện Lộc Hà) đang đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn từ đập chứa nước Khe Hao.

Đập Khe Hao vốn là nguồn cung cấp nước tưới tiêu cho các xã Tân Lộc, Bình Lộc, Thụ Lộc và cũng là nguồn cung cấp nước cho nhà máy nước sạch huyện Lộc Hà, phục vụ nước sạch cho các xã Thịnh Lộc, Thạch Bằng, Thạch Kim…

Bên cạnh đó, đập Khe Hao vừa giữ nước trong mùa khô, và cũng là hệ thống điều tiết, ngăn lũ trong mùa mưa bão. Tầm quan trọng của đập Khe Hao đối với một số xã vùng ven huyện Lộc Hà là vậy.

Việc khai thác đất từ lòng hồ Khe Hao để chở đi đắp các công trình dự án ADB làm nguy cơ xói lở, ảnh hưởng chân đập, gây lũ tràn, thất thoát nước…

Tuy nhiên, trong nhiều ngày qua, hiện trạng đào xới, khai thác đất cát sỏi trong lòng hồ đập Khe Hao đang diễn ra rầm rộ bởi Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Xuân Khiêm (đóng tại TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) để phục vụ mặt bằng cho các tiểu dự án thuộc Dự án thành phần tỉnh Hà Tĩnh: sửa chữa, nâng cấp hệ thống tưới, tiêu vùng ngập úng huyện Lộc Hà. Dự án được thực hiện bởi đơn vị Chủ đầu tư là Sở NN & PTNT tỉnh Hà Tĩnh, trực tiếp quản lý là Ban quản lý các dự án ODA ngành NN & PTNN; Tổ chức thành lập dự án là Liên danh Công ty CPTV & XD Á Châu và Công ty CPTV & XD Miền Trung.

Ngay từ những ngày đầu triển khai dự án, đơn vị thi công và Chủ đầu tư đã cho thấy nhiều bất cập, trong đó nghiêm trọng nhất là họ khai thác đất cát sỏi từ lòng hồ Khe Hao để phục vụ công tác mặt bằng cho các tiểu dự án thành phần khác. Điều này khiến người dân địa phương lo ngại về sự mất an toàn hồ chứa và những nguy cơ về hệ lụi từ sự phá vỡ mắt xích liên hoàn của hệ thống đập Khe Hao.

Trao đổi với chúng tôi, một người dân trú tại xã Tân Lộc chia sẻ: “việc khai thác đất, cát sỏi từ lòng hồ Khe Hao có thể kéo theo hệ lụy từ việc phá vỡ tầng đáy, tầng lọc nước ngầm của hồ chứa. Nguy hiểm hơn, lòng hồ Khe Hao chứa một trữ lượng quặng Mangan rất lớn, nếu phá vỡ hệ thống này rất có khả năng quặng Mangan sẽ hòa vào nước, nếu hệ thống lọc nước của nhà máy nước sạch đang lấy nguồn nước từ hồ này cung cấp cho người dân nhưng không qua xử lý đặc thù thì sẽ rất ảnh hưởng tới sức khỏe” .

Việc khai thác đất đá từ lòng hồ nếu không được thẩm tra, tính toán kĩ càng cũng sẽ kéo theo những hệ lụy khôn lường trước được, đó là nguy cơ xói lở, ảnh hưởng chân đập, gây lũ tràn, thất thoát nước. Ảnh hưởng đến việc cung cấp tưới tiêu cho hàng nghìn hộ dân trồng lúa của các xã vùng ven đang trực tiếp sử dụng nguồn nước từ đập Khe Hao cung cấp.

Tuyến đường hộ đê của đập Khe Hao (xã Tân Lộc) tải trọng chỉ dưới 13 tấn đang bị hàng trăm lượt xe vượt tải (gần 30 tấn) cày nát mỗi ngày.

Vì sao khai thác đất, sỏi từ lòng hồ đập Khe Hao để phục vụ dự án?

Theo dự toán Dự án thành phần tỉnh Hà Tĩnh: sửa chữa, nâng cấp hệ thống tưới, tiêu vùng ngập úng huyện Lộc Hà đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt điều chỉnh, tổng nguồn vốn đầu tư là gần 60 tỷ đồng, trong đó cần khoảng hơn 90.000 mét khối đất san lấp làm mặt bằng, độ chặt đạt k95, đất mua từ mỏ đất xã Hồng Lộc (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), cách vị trí dự án hơn 2km.

Tuy nhiên thay vì mua đất ở điểm mỏ đất xã Hồng Lộc đã được khảo sát trước khi lập dự toán để phục vụ dự án thì nay các đơn vị có liên quan lại khai thác đất từ chính lòng hồ Khe Hao để thi công. Việc này không chỉ gây hệ lụy từ việc phá vở kết cấu hạ tầng mà còn gây thất thoát một lượng tài nguyên nhà nước rất lớn.

Từ việc ban dự án trình, UBND tỉnh Hà Tĩnh điều chỉnh, bổ sung Thiết kế BVTC và Dự toán công trình sửa chữa, nâng cấp hệ thống tưới tiêu vùng ngập úng huyện Lộc Hà để khai thác đất từ lòng hồ Khe Hao cũng khiến người dân hoài nghi về sự ẩn khúc trong việc sử dụng nguồn đất, sỏi thi công dự án này. Bởi nguyên nhân thay đổi địa điểm lấy đất được các bên này đưa ra là vào thời điểm thi công dự án, mỏ đất ở xã Hồng Lộc đã hết hạn khai thác.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, đến thời điểm hiện tại mỏ đất đá của Công ty CPXD & TM Hà Mỹ Hưng tại xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà còn dư khối lượng gần 800.000m3 chưa khai thác, và thời gian gần đây họ cũng đang khai thác lượng đất này để phục vụ cho các công trình, dự án trên địa bàn huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh).

Các xe chở đất, sỏi từ đạp Khe Hao ra không phủ bạt, chạy khắp các đường liên xã, liên thông gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống người dân.

Vậy tại saochủ đầu tư không sử dụng đất mỏ mà lại xin UBND tỉnh Hà Tĩnh khai thác đất từ lòng hồ Khe Hao để phụ vụ dự án? Theo tìm hiểu của PV, thay vì mua đất ở mỏ đất xã Hồng Lộc, việc khai thác đất từ lòng hồ Khe Hao được điều chỉnh dự toán là cắt chi phí mua đất hơn 1 tỷ đồng, trong khi theo dự toán ban đầu phải mua đất là gần 8 tỷ đồng.

Vậy số tiền chênh lệch dự toán gần 7 tỷ đồng sẽ nằm ở đâu? Đây đang là một dấu chấm hỏi khiến người dân không khỏi hoài nghi về việc thay đổi nguồn kinh phí khối lượng đất đắp các công trình này…

Việc triển khai dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống tưới, tiêu vùng ngập úng huyện Lộc Hà hiện đang có nhiều bất cập, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiệp tục phản ánh thông tin.

Tác giả: Hà Anh - L.Mỹ

Nguồn tin: Môi trường và Đô thị Online

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP