Xã hội

Đề phòng lũ quét, sạt lở đất từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và Tây Nguyên

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 4 đến ngày 6/11, ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250 - 350mm/đợt; tại các tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Phú Yên có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 150 - 300 mm/đợt.

Từ ngày 5 - 7/11, các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm/đợt.

Từ ngày 5 - 7/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này đỉnh lũ thượng nguồn tại các sông từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa ở mức báo động 1 đến báo động 2, thậm chí trên báo động 2; lũ ở các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên và tại Kon Tum, Gia Lai có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3, thậm chí trên báo động 3.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị tại các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên. Các thông tin về khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất được chi tiết đến cấp huyện trong các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt là cấp 2.

Những điểm sạt lở trên đường vào xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) ngày 30/10/2020. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN


Khuyến cáo người dân cảnh giác trước dấu hiệu lũ quét

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: Mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền, bảo đảm an toàn tính mạng.

Các chuyên gia cho rằng, những biện pháp phi công trình được kết hợp một cách hài hòa với biện pháp công trình, hỗ trợ biện pháp công trình sẽ phát huy hiệu quả cao trong việc đối phó với lũ quét. Các biện pháp phi công trình bao gồm: Lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét (xác định vùng nguy cơ cao; nguy cơ trung bình và vùng ít có khả năng xảy ra lũ quét). Bản đồ này là một trong những căn cứ quan trọng để đề ra các biện pháp phòng tránh lũ quét. Về quản lý sử dụng đất, cần quy hoạch sử dụng vùng đất hạn chế phát triển trong vùng có nguy cơ lũ quét cao. Đối với các khu dân cư đã phát triển thiếu quy hoạch trước đây thì cần được quy hoạch lại, chính quyền cần lập kế hoạch tái định cư, đưa dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, để chống lũ quét, cần áp dụng các biện pháp công trình như: Trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực thường gây ra lũ quét, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ; xây dựng hồ chứa điều tiết lũ ở khu vực thường xảy ra lũ quét; xây dựng đê, tường chắn lũ quét để giữ dòng lũ chảy trong lòng dẫn, ngăn chặn các tác động của lũ quét đối với khu vực cần bảo vệ.

Bên cạnh đó, cần phân dòng lũ nhằm làm giảm tác động của lũ quét vào khu vực cần bảo vệ; xây dựng bổ sung các tràn sự cố ở các hồ chứa nước; mở rộng khẩu độ thoát lũ của hệ thống cầu cống của đường giao thông - do đặc điểm các sông của miền Trung ngắn và dốc, để tránh tình trạng làm cản dòng lũ gây ra ngập lụt, lũ quét và ách tắc giao thông cơ quan chức năng cần tính toán quy hoạch tiêu lũ của các hệ thống cầu cống trên các hệ thống đường sắt và đường bộ.

Tác giả: Thắng Trung

Nguồn tin: Báo Tin Tức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP