Văn hoá Dân gian

Xuân về nói chuyện Nguyễn Công Trứ viết câu đối Tết

Danh nhân Nguyễn Công Trứ, người làng Uy Viễn, nay thuộc thôn Lam Thủy xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh năm 1788, từ nhỏ nổi tiếng thần đồng, văn chương, thơ phú, đối đáp giỏi , rất sành thơ nôm và giỏi sáng tác lời các làn điệu ca trù, nhưng đường thi cử khoa hoạn lận đận, 42 tuổi mới đậu thi hương trường Nghệ An.

Nguyễn Công Trứ đa tình, đam mê đàn hát ca trù, từng làm kép đàn theo gánh hát ca trù Cổ Đạm đi hát khắp mọi miền đất nước . Ông cũng nổi tiếng ngông từ thưở thiếu niên cho đến lúc đầu tóc bạc phơ. Cuộc đời ông có nhiều giai thoại phản ánh tính cách, tài năng đối đáp và những câu chuyện hóm hỉnh , trêu chọc , châm biếm những thói thị phi “ghen ăn tức ở”. Tính cách thẳng thắn, bộc trực có phần “ ngất ngưởng” làm con đường hoạn lộ của ông gập gềnh, gian truân. Ông nhiều lần được thăng chức, giáng cấp, có lần bị cách tuốt chức tước giáng làm lính thú. Tuy nhiên khác với người ta , ông với tư chất rắn rỏi, không ham danh vọng tiền bạc, không lấy chức tước địa vị làm mục tiêu phấn đấu, vì vậy việc thăng chức, giáng cấp đối với ông nhẹ tựa lông chim hồng . Làm quan đến chức Tổng đốc, Thượng thư  nhưng ông không lấy đó làm điều vinh hiển. Về trí sỹ ở quê nhà cũng chăn bò, cắt cỏ, sống đạm bạc như một “ lão nông tri điền” .

Buổi hàn vi, sống trong cảnh bỉ cực mà không quy lụy, khó khăn không nản chí, nghèo đói không hèn mọn. Thư sinh Nguyễn Công Trứ vẫn lạc quan, yêu đời, muốn thoát ra ngoài cái lồng hẹp thế cuộc. Những hoài bão, khát vọng ấy được ông cảm tác trong thơ ca, câu đối ngày tết . Mỗi dịp xuân về tết đến, cảnh ông già đầu tóc bạc phơ mài mực tàu tô câu đối ở cổng đền , một nét đẹp văn hóa của người Việt gợi nhớ tới câu chuyện danh nhân Nguyễn Công Trứ viết câu đối đón tết mừng xuân.

Di tích LS- VH cấp Quốc Gia Đền thờ Nguyễn Công Trứ tại huyện Nghi Xuân

Trước năm 1820 chưa đỗ đạt ra làm quan, Nguyễn Công Trứ sống trong cảnh nghèo khó , tết đến nơi rồi mà nợ nần chưa trả . Nhưng ông không lấy chuyện nợ nần làm điều phiền muộn , mà vẫn vui vẻ chuẩn bị vui xuân đón tết như bao người dân làng Uy Viễn. Ông bảo vợ là bà Đặng Thị Minh đi chợ Giang Đình mua sắm đồ đạc để sắm tết. Chợ chỉ cách nhà ông non cây số. Ở nhà, ông kỳ cọ đồ thờ, dọn dẹp nhà cửa, trang trí phòng khách và ra vườn chặt một cành đào phai phơn phớt hồng. Rồi mang cành đào cẩn thận gọt vỏ, nung gốc , cắm vào chiếc bình gốm đặt trước bàn thờ gia tiên cho có không khí tết. Xong việc dọn dẹp nhà cửa, ông mài mực Tàu, giấy đỏ viết một câu đối Tết bằng chữ Nôm:

–  Bầu một chiếc lăn chiêng mặc sức tam dương khai thái

Nhà ba gian bỏ trống tha hồ ngũ phúc lâm môn

Rồi lại viết một câu đối bằng chữ Hán:

– Tuế phùng xuân, tân cảnh, tân thiều, tân vũ lộ

Thời hành Hạ, cựu bang, cựu điển, cựu xa thư

Nghĩa là: “ Năm vừa gặp mùa xuân, cảnh sắc mới, thiều quang mới. Thời vẫn theo nhà Hạ, nước non xưa, điển chế xưa, sách vở xưa”.

Viết xong, dán 2 câu đối mừng xuân lên vách nhà lá đơn sơ, ông gẩy đàn hát ca trù cho vui cửa vui nhà. Những người hàng xóm sống xung quanh nghe tiếng đàn hát lũ lượt kéo đến chơi và hỏi thăm việc mua sắm, chuẩn bị tết nhất đến đâu rồi . Chàng thư sinh Công Trứ lấy chai rượu nhỏ rót ra mấy cái ly mời mọi người uống rồi ứng khẩu hóm hỉnh đọc câu đối rằng:

– Tết có cóc gì đâu, uống vài be củ tỏi

Nợ còn ương ra đó, nói ba chuyện cà riềng.

Mọi người thưởng thức đều thán phục, cụng ly chúc tụng chủ nhà.

Sáng mồng một tết, lễ nguyên đán xong, ông cùng bạn bè nâng cốc mừng xuân mới , tức cảnh làm thêm mấy câu đối tết:

Chiều ba mươi công nợ rối Nhâm Thìn, những muốn mười năm dồn lại một.

Sáng mồng một rượu chè tràn Quý Tỵ, trông cho ba bữa hóa ra mười.

Nghe câu đối, bằng hữu vỗ tay đôm đốp khen hay. Ông phấn khích, “xuất khẩu thành chương” làm thêm câu nữa để mọi người chung vui :

Chiều ba mươi, công nợ tít mù co cẳng đạp thằng bần ra khỏi cửa

Sáng mồng một rượu chè túy lúy, giơ tay bồng ông phúc vào nhà .

Nguyễn Công Trứ được ca tụng là bậc tài hoa, nổi tiếng trong đối đáp .Câu đối trên đã phản ánh nguyện vọng, ước mơ muốn thoát nghèo, gia đình hạnh phúc là đủ . Sau này ước mơ của chàng thư sinh nghèo làng Uy Viễn đã thành hiện thực, “bồng ông phúc vào nhà” thi đỗ ra làm quan và trở thành một danh nhân, vì sao đất nước ở vùng quê núi Hồng sông Lam. Ngày nay,  những câu đối tết của ông sống mãi với thời gian, mỗi dịp xuân về tết đến nhiều bậc cao niên kể chuyện cụ Thượng thư Nguyễn Công Trứ viết câu đối tết mừng xuân mới . ./.

Đặng Viết Tường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP